Doanh nghiệp đang “khát” vốn
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhóm cổ phiếu bất động sản (BĐS) được đánh giá là một trong những nhóm ngành quan trọng, gắn liền với sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam và luôn được các nhà đầu tư chú ý vì tiềm năng tăng trưởng cả trong ngắn hạn và dài hạn.
TS.LS.Bùi Quang Tín, Chuyên gia kinh tế, Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh cho biết, quy mô thị trường BĐS nước ta vào khoảng 25 tỷ USD. Tổng dư nợ đã lên đến gần 20 tỷ USD tương đương hơn 450.000 tỷ VND (tính đến cuối 2017), chiếm hơn 6,5% tổng dư nợ của nền kinh tế và chiếm khoảng 15,5% tổng dư nợ của toàn hệ thống ngân hàng và 80% nguồn vốn chảy vào bất động sản. Trong khi ở các nước khác, tỷ lệ này vào khoảng 35%.
Điều này cho thấy, cơ cấu vốn đầu tư vào thị trường BĐS đang bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra các chính sách hạn chế dòng tiền chảy vào bất động sản.
Về nguồn vốn tín dụng ngân hàng, hiện có khoảng 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chưa sử dụng được nguồn vốn ngân hàng, phần lớn trong số này là không tiếp cận được.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.Hồ Chí Minh (HoREA) nhận định, ở các nước thì các quỹ đầu tư và thị trường chứng khoán là nguồn cung cấp vốn chủ yếu cho thị trường BĐS. Thời gian qua, các doanh nghiệp BĐS phụ thuộc rất lớn vào nguồn vay tín dụng ngân hàng nhưng do nguồn vốn huy động tiết kiệm ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn nên các ngân hàng chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của thị trường BĐS.
Theo quy định pháp luật, chủ đầu tư dự án phải có vốn chủ sở hữu 15-20%, còn lại 80-85% nhu cầu vốn thì chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng.
Còn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, năm 2018, ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng 45% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn, trong đó có BĐS. Mức trần này sẽ giảm còn 40% kể từ 01/01/2019) và thực tế cho thất, tỷ trọng cho vay BĐS đang chiếm 7,5% tổng dư nợ tín dụng.
"Lộ trình giảm dần nguồn tín dụng này của Ngân hàng Nhà nước có mặt rất tích cực là đã tạo áp lực buộc các doanh nghiệp BĐS phải tìm kiếm các nguồn vốn bổ sung khác, trước hết là từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhưng để thích ứng với lộ trình giảm dần nguồn tín dụng này, DN cần phải chuẩn bị thật tích cực về mọi mặt”, ông Châu khuyên cáo.
Thị trường cổ phiếu BĐS sẽ khởi sắc
Phát biểu tại hội thảo, ông Park Won Sang, TGĐ CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh. Các chuyên gia trên thế giới đều có chung nhận định, sự phát triển này sẽ còn tiếp diễn trong tương lai.
Tất cả các chỉ số trong nền kinh tế như tỷ lệ tăng trưởng GDP, thu hút dòng vốn FDI, thặng dư thương mại sự ổn định trong tỷ giá của Việt Nam so với các quốc gia mới nổi khác thì cho thấy kết quả khả quan và nổi trội hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những cản trở sự tăng trưởng của nền kinh tế điển hình như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Vì vậy, năm 2019, toàn bộ nền kinh tế thế giới cũng rất có khả năng bị ngưng trệ. Đối với nền kinh tế có sự giao lưu, tương tác mạnh mẽ như Việt Nam thì đà tăng trưởng vẫn khá ổn định nhưng vẫn có thể bị ảnh hưởng ít nhiều từ nền kinh tế thế giới.
Hiện, nguồn vốn FDI vào thị trường BĐS Việt Nam đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng đầu là Hàn quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung quốc (Hongkong)...
Còn về nguồn vốn thị trường chứng khoán, ông Tín phân tích từ cuối 2017, có khoảng 60 doanh nghiệp BĐS niêm yết trên TTCK. Đây được xem là kênh tìm vốn hợp lý, bởi nguồn vốn cho BĐS thường lớn và dài hạn, trong khi các ngân hàng đang có xu hướng siết chặt tín dụng vào lĩnh vực này.
Về nguồn vốn từ quỹ đầu tư ngoại, tính đến cuối năm 2017, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), Việt Nam đã thu hút được hơn 316,9 tỷ USD vốn FDI đăng ký, trên 170,8 tỷ USD đã được giải ngân, đưa vào đầu tư, sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp có vốn FDI. Nguồn vốn này hiện đã chiếm tới gần 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong năm, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, FDI đổ vào bất động sản đã chiếm hơn 1/4 tổng vốn đầu tư FDI đăng ký vào Việt Nam. Với lượng vốn này, bất động sản là lĩnh vực hút vốn ngoại lớn thứ 2, chỉ sau công nghiệp chế biến, chế tạo.
So với cả năm 2017, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào bất động sản chỉ ở mức 3 tỷ USD thì năm nay, chỉ trong 6 tháng, nguồn vốn này đổ vào Việt Nam đã đạt hơn 5,5 tỷ USD.
Đáng chú ý, lĩnh vực này cũng bắt đầu xuất hiện những dự án tỷ USD. Trong đó, các dự án bất động sản được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm không chỉ dồn vào các dự án khách sạn, nghỉ dưỡng như trước đây, mà còn phát triển cả các dự án nhà ở và hạ tầng đô thị.
Đối với chính sách vốn từ thị trường chứng khoán, ông Tín cho rằng, vị thế của thị trường tài chính Việt Nam đối với công chúng, nhà đầu tư, hứa hẹn sẽ tác động tích cực lên khả năng hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, cũng như cải thiện thanh khoản của thị trường, do mới đây thị trường chứng khoán Việt Nam đã được FTSE Russell - một trong những tổ chức cung cấp chỉ số uy tín toàn cầu chính thức đưa vào danh sách xem xét để nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier) lên thị trường mới nổi hạng hai (Secondary Emerging)./.