Cổ phiếu bia: “Món” mới cho “thực đơn” chứng khoán

Ngày 28/10 vừa qua, thị trường đã cho thấy một phép thử hiệu quả đối với cổ phiếu ngành bia rượu khi BHN - cổ phiếu của Công ty Habeco chính thức được giao dịch trên sàn UpCom. Nhà đầu tư đã đổ xô vào

Cổ phiếu bia... sủi bọt!

Cổ phiếu thực phẩm nói chung và ngành Bia rượu, nước giải khát nói riêng chưa bao giờ là lựa chọn được ưa thích của nhà đầu tư. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng cơ bản là thanh khoản quá kém và giao dịch ở sàn UpCom, nơi chỉ tập trung các công ty đăng ký giao dịch cổ phiếu với chất lượng và tính minh bạch kém hơn nhiều so với hai sàn chính thức.

Nói cách khác, hai sàn niêm yết hiện nay là HSX và HNX giống như những siêu thị hàng hóa, trong khi sàn UpCom vẫn còn ở mức độ “chợ truyền thống”.

Mặt khác, cổ phiếu thực phẩm ít biến động về giá, không có nhiều sóng và cũng chẳng có cú hích nào trong suốt thời gian qua. Các cổ phiếu như WSB (Bia Sài Gòn - miền Tây), BSP (Bia Sài Gòn - Phú Thọ), SMB (Bia Sài Gòn - miền Trung), HAT (Habeco Trading) giao dịch trầm lắng và không “sủi tăm” để khiến thị trường chú ý.

Tuy nhiên điều đó đã khác rất nhiều trong tuần qua, khi những thông tin về việc đưa vào giao dịch cổ phiếu của hai “đại gia” thực sự trong ngành là Habeco và Sabeco tràn ngập khắp mặt báo. Habeco chính thức lên sàn UpCom ngày 28/10 vừa rồi là phép thử đầu tiên và kết quả là rất tốt.

BHN đã tạo ra một tình trạng giao dịch rất hiếm có trên thị trường: Đó là tổng khối lượng mua vào của nhà đầu tư thứ cấp qua sàn giao dịch lớn hơn cả tổng khối lượng lưu hành tự do của các cổ đông nhỏ lẻ.

Cụ thể, theo thông tin được công bố về tỷ lệ sở hữu ở BHN thì chỉ có 635 cổ đông cá nhân sở hữu hơn 1,39 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 0,6% quy mô của công ty này.

Nếu tính theo tỷ lệ sở hữu của hai “đại cổ đông” không thể bán ra cổ phiếu là cổ đông nhà nước nắm giữ 81,79%, cổ đông chiến lược Carlsberg nắm giữ 17,34% thì tổng khối lượng cổ phiếu trôi nổi bên ngoài - khối lượng có thể giao dịch được - chỉ là hơn 2 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, ngay ở phiên giao dịch đầu tiên ngày 28/10 vừa rồi, đã có hơn 2,55 triệu cổ phiếu tranh nhau mua. Dĩ nhiên, BHN không thể có thanh khoản được vì không ai muốn bán ra một món hàng hóa mà chắc chắn sẽ tăng giá.

Cổ phiếu BHN đã tăng mạnh lên 54.600 đồng từ mức giá tham chiếu là 39.000 đồng. Nói cách khác, chỉ trong một ngày, giá trị của Habeco được thị trường định giá tăng 40%. Habeco hiện có 231,8 triệu cổ phiếu và vốn hóa thị trường đã là 12.656 tỷ đồng và chỉ trong 1 ngày đã tăng thêm 3.616 tỷ đồng vốn hóa. Nếu BHN niêm yết trên sàn HSX thì nghiễm nhiên trở thành một đại gia vì vốn hóa xếp thứ 15, vượt xa cả Đạm Phú Mỹ, Nhiệt điện Nhơn Trạch, Tâp đoàn Kinh Đô…

Không chỉ có vậy, BHN còn tạo ra một cú hích không ngờ đối với toàn bộ ngành bia, khi cổ phiếu của các công ty có sẵn lập tức tăng theo. Đột biến nhất dĩ nhiên là HAT, cổ phiếu của Habeco Trading. Cổ phiếu mẹ tăng thì cổ phiếu công ty con không thể không tăng. Thậm chí, HAT có lợi thế là đang giao dịch trước trên UpCom và tuần qua đã tăng giá 60,48%. WSB tăng 23,78%, BSP tăng 27,76%, SMB tăng 24,48%.

Sức hấp dẫn của quy mô

Việc Habeco có một khởi đầu thành công có nhiều ý nghĩa đối với tiến trình thoái vốn ở doanh nghiệp này cũng như Sabeco. Hiện tại, Habeco đang đàm phán giá bán cho cổ đông chiến lược mà khả năng cao là Carlsberg, cổ đông nước ngoài lớn đã tham gia vào cổ phần hóa Habeco từ những ngày đầu.

Với việc đàm phán giá bán lô lớn cho cổ đông chiến lược thì giá thị trường có ảnh hưởng không nhỏ. Thông thường khi đã lên sàn, giá giao dịch hàng ngày sẽ là yếu tố tham chiếu quan trọng nhất trong việc bán lô lớn. Đó cũng chính là mục đích mà Chính phủ muốn đưa hết cả hai đại gia ngành Bia là Habeco và Sabeco lên sàn trước rồi mới thực hiện thoái vốn.

Kịch bản tăng giá của Habeco hoàn toàn có thể lặp lại với Sabeco. Hiện Sabeco vẫn chưa lên sàn nhưng đó chỉ là khoảng thời gian chờ đợi. Cổ phiếu Sabeco trên sàn phi tập trung đã biến động rất mạnh và đặc biệt mạnh sau khi Habeco có màn trình diễn hoành tráng. Điểm chung ở "hai đại gia" này là lượng cổ phiếu trôi nổi bên ngoài cực kỳ thấp và riêng đó đã là yếu tố hỗ trợ giá một cách tự nhiên.

Việc "chào sàn" của hai đại gia dẫn đầu ngành Bia đã tạo cú hích lớn tích cực cho các cổ phiếu bia khác như đã nói ở trên. Tuy nhiên, thực tế đó vẫn chỉ là hiệu ứng tâm lý "ăn theo". Điều khiến Sabeco và Habeco được săn đón là vị thế cực lớn trong ngành, còn các hãng bia nhỏ khác còn xa mới có được sức mạnh tương tự. Mặt khác, việc thoái vốn là một câu chuyện cực kỳ nhạy cảm với thị trường. Để đàm phán được một mức giá tốt, giá cổ phiếu trên thị trường phải tăng. Để khiến giá Habeco hay Sabeco tăng giá thì không có gì dễ hơn, vì bản chất thanh khoản rất kém do khối lượng cổ phiếu lưu hành tự do quá thấp. Một món hàng có quá nhiều người mua trong khi không có ai bán thì giá đương nhiên phải cao.

Việc chen chân vào thị trường bia không phải là khó, vấn đề là có thành công được hay không. Các hãng bia ngoại cũng dễ dàng chiếm thị phần trong nước, nhưng để xây dựng được một quy mô và hệ thống phân phối lớn như Habeco, Sabeco thì cực kỳ khó khăn. Xét về thương hiệu, Habeco, Sabeco còn xa mới bằng các cái tên nước ngoài, nhưng lợi thế trong thị trường nội địa là yếu tố gia tăng giá trị lớn nhất.

Điều tương tự cũng đã từng diễn ra với cổ phiếu Vinamilk. Chẳng phải chất lượng sản phẩm của Vinamilk nổi bật hơn các hãng nước ngoài, nhưng lợi thế lớn nhất là vị trí vững chắc trên thị trường nội địa và hệ thống phân phối hoàn chỉnh và thị phần chi phối có sẵn. Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá triển vọng của những doanh nghiệp như Sabeco, Habeco, Vinamilk chính là ở điều đó.

Theo nghiên cứu của Nielsen, Việt Nam là quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á, đứng thứ 3 châu Á và nằm trong top 25 thế giới. Với một thị trường bia tăng trưởng nhanh và quy mô lớn, rõ ràng cơ hội lợi nhuận khi đầu tư vào ngành này là rất cao. Con đường nhanh nhất là sở hữu cổ phần tại các công ty nội địa và con đường hiệu quả nhất là nhắm tới các đại gia đầu ngành. Đó chỉ là những phân tích cơ bản của các nhà đầu tư bình thường, chứ chưa nói đến các tổ chức lão luyện hàng đầu thế giới.

Hoàng Nguyên