Tuy nhiên, trong quý II/2024, Halico (HNR) quay lại lỗ ròng hơn 3 tỷ đồng. Mức lỗ này tăng so với mức lỗ 2 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023. Không chỉ lỗ liên tiếp 8 năm, trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của Halico (HNR) nằm im ở mức 12.000 đồng/cp suốt hơn 5 năm qua, và không có giao dịch.
Theo BCTC quý 2/2024, doanh thu thuần của Halico đạt 22,5 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trừ giá vốn, Công ty lãi gộp 6,4 tỷ đồng, tăng 13%; biên lãi gộp giảm nhẹ 0,4 điểm phần trăm về mức 28,4%.
Kỳ này, Halico không phát sinh chi phí tài chính do không sử dụng vốn vay, trong khi doanh thu tài chính giảm 34% xuống 1,4 tỷ đồng. Gánh nặng từ chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 8% và 33%.
Do mức tăng tổng chi phí cao hơn doanh thu khiến Công ty lỗ ròng 3 tỷ đồng trong quý 2, tăng so với mức lỗ hơn 2 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Halico lỗ ròng hơn 2,5 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế tại thời điểm 30/06/2024 lên hơn 460 tỷ đồng, cao hơn 30% vốn chủ sở hữu.
Ngày 30/06/2024, tổng tài sản của Halico ghi nhận gần 372 tỷ đồng, giảm nhẹ 4 tỷ đồng so với đầu năm. Phần lớn trong đó là khoản tiền gửi kỳ hạn hơn 130 tỷ đồng và hàng tồn kho 108 tỷ đồng.
Kết quả trên được xem là đáng thất vọng khi Halico vừa có lần đầu báo lãi dù chỉ hơn 465 triệu đồng trong quý 1/2024, sau chuỗi thua lỗ kéo dài 8 năm liên tiếp từ 2016-2023. Mức lãi này thấp hơn nhiều khoản lãi hàng chục tỷ đồng mỗi quý giai đoạn 2008-2012.
Năm 2024, Công ty đặt mục tiêu doanh thu hơn 113 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2023 và dự kiến lỗ 8,5 tỷ đồng, mức lỗ nhẹ nhất trong 9 năm trở lại đây.
Halico hiện đang đối mặt nhiều khó khăn như giá cả nguyên vật liệu đầu vào và thuế tiêu thụ đặc biệt tăng cao ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm và lợi nhuận Công ty. Bên cạnh đó, sức tiêu thụ trong nước chịu ảnh hưởng khi thu nhập sụt giảm và chủ trương hạn chế đồ uống có cồn của Nhà nước. Ngoài ra, Công ty còn phải cạnh tranh từ các doanh nghiệp tư nhân lớn đến các cá nhân sản xuất rượu lậu.