Những rủi ro mới đang xuất hiện cản trở thời khắc chạm đỉnh lịch sử, như nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu, rủi ro sụt giảm của thị trường chứng khoán Mỹ khi lãi suất USD được tăng lên liên tục trong năm 2018. Tuy nhiên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chưa lúc nào trong lịch sử có được nền tảng cơ bản vững chắc như hiện tại.
Dự kiến mùa kết quả kinh doanh sáng sủa
Theo quy định thì mùa kết quả kinh doanh quý I/2018 sẽ tới vào tháng 4, nhưng thông thường các thông tin rả rích xuất hiện từ trước. Các công ty chứng khoán thường được tiếp cận sớm với các số liệu ước tính và tung ra các báo cáo sớm. Do đó đối với thị trường, mùa kết quả kinh doanh quý 1 đã rậm rịch từ cuối tháng 3, khi kỳ vọng được phản ánh sớm vào giá cổ phiếu.
Hồi tháng 1/2018, thị trường chứng khoán chứng kiến bước tăng trưởng vượt bậc của chỉ số VN-Index và đỉnh cao nhất trong 10 năm được chạm tới là 1.130 điểm. Ngay sau đó thị trường có một đợt sụt giảm lớn. Khi đó đã có nhiều phân tích cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng quá nhanh và trở nên quá đắt đỏ. Chỉ số P/E của VN-Index thời điểm cuối tháng 1/2018 là 21,1 lần và của HNX-Index là 14,5 lần.
Tuy vậy chỉ số P/E thường không tính tới yếu tố tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp trên sàn. Chẳng hạn theo tổng hợp của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội với báo cáo lợi nhuận hết quý IV/2017 thì 90% số công ty niêm yết cổ phiếu ở sàn này có lãi trong năm 2017 với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân 23,1% so với năm trước. Với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận nhanh và bối cảnh tăng trưởng kinh tế thuận lợi, chỉ số P/E của thị trường chứng khoán sẽ sớm hạ xuống sau khi doanh nghiệp cập nhật kết quả kinh doanh mới nhất.
Theo một báo cáo đánh giá từ Công ty quản lý quỹ đầu tư SSIAM thì với tiền đề tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của tất cả các doanh nghiệp trên sàn năm 2017 khoảng 16-17% thì ước tính tốc độ tăng trưởng lợi nhuận năm 2018 sẽ khoảng 18-19%. Đây là tốc độ tăng trưởng cao. Do đó, nếu nhìn P/E của thị trường Việt Nam có thể cao so với khu vực, nhưng nếu quan tâm cả tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của bản thân doanh nghiệp và nền kinh tế thì thấy P/E quanh 20 lần đang ở mức hợp lý.
Dự báo kết quả kinh doanh quý I/2018 sẽ tiếp tục là một mùa báo cáo thuận lợi. Lý do không quá phức tạp vì chỉ cần nhìn vào tốc độ tăng trưởng GDP quý 1 năm nay dự kiến 7,41%; Chỉ số PMI tháng 2 tăng lên 53,5 điểm, mức cao nhất trong 10 kỳ báo cáo gần nhất… Tổng hợp các chỉ báo vĩ mô đều hướng đến một tốc độ tăng trưởng kinh tế và tiêu dùng ổn định tích cực thì tất yếu đa số doanh nghiệp sẽ làm ăn tốt và có kết quả lợi nhuận cao.
Chính vì vậy nếu thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng hướng tới đỉnh cao lịch sử trong quý 1 năm nay cũng không phải là quá bất ngờ. Đỉnh cao lịch sử 2017 thực ra cũng chỉ là một cột mốc về điểm số. Quy mô thị trường hiện tại không chỉ lớn hơn mà môi trường kinh doanh cũng tích cực hơn, quy mô lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết cũng ở một mặt bằng cao hơn nhiều.
Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là điểm sáng
Nhóm cổ phiếu được kỳ vọng lớn nhất trong quý I/2018 đồng thời được cho là động lực chính đưa thị trường chứng khoán vượt đỉnh cao lịch sử trong ngắn hạn sẽ là các cổ phiếu ngân hàng. Điều này không phải là phi thực tế khi nhìn từ cả yếu tố cơ bản của ngành này lẫn biến động giá cổ phiếu tương ứng trong thời gian qua.
Số liệu tổng hợp năm 2017 của hệ thống ngân hàng cho thấy con số lợi nhuận trước thuế đã tăng trưởng hơn 40% so với năm 2016; lợi nhuận sau thuế cũng tăng 44%.Một trong những lý do giúp lợi nhuận của ngành ngân hàng tăng mạnh là nhờ Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu được thông qua, các ngân hàng đã tự xử lý 70.000 tỷ đồng nợ dưới chuẩn. Sự ấm lên của thị trường bất động sản cũng giúp tín dụng được khơi thông, các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhờ vậy, lãi ngân hàng cũng cải thiện.
Năm 2017 tốc độ tăng trưởng tín dụng ban đầu dự kiến là 19% sau đó cho phép dư địa tăng lên 20-21% nhưng đến cuối năm thì tăng trưởng tín dụng bình quân của ngành khoảng 17%. Năm 2018 tốc độ tăng trưởng tín dụng dự kiến 17%. Đến hết tháng 2/2018, tăng trưởng tín dụng bình quân mới khoảng 1% so với cuối năm 2017. Tuy nhiên dư địa thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vẫn còn lớn và đặc biệt là lĩnh vực cho vay tiêu dùng có triển vọng tăng cao khi sức mua của nền kinh tế tăng lên.
Hiện tại hệ thống ngân hàng đang dư thừa vốn khá lớn. Sau một chút căng thẳng do dịp Tết, thanh khoản của các ngân hàng đã dồi dào trở lại. Biểu hiện rõ nhất là Ngân hàng Nhà nước đã phải hút vốn trở lại 28.700 tỷ đồng trong tháng 2/2018, lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng tụt xuống 1%, nhu cầu mua trái phiếu chính phủ từ các ngân hàng tăng rất cao trong tháng 2 với giá trị chào mua cao gấp 3 lần chào bán. Trên thị trường trái phiếu thứ cấp, lãi suất liên tục giảm vì thanh khoản dư thừa. Tính đến cuối tháng 2, lợi suất các kỳ hạn 1 năm, 5 năm và 7 năm đều giảm xuống 2,55%, 3,28% và 3,6%.
Lãi suất trên thị trường trái phiếu luôn đi ngược với diễn biến của thị trường chứng khoán. Khi lượng tiền dồi dào trong hệ thống ngân hàng là khả năng tăng trưởng cho vay càng tốt. Chính vì vậy lợi nhuận của các ngân hàng được kỳ vọng tiếp tục tăng tốt trong quý I và cả năm 2018.
Giá cổ phiếu ngân hàng là điểm nóng nhất trên thị trường chứng khoán trong hơn 1 tháng qua. Kể từ khi thị trường chạm đáy điều chỉnh đầu tháng 2/2018, cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng vượt bậc. Đơn cử như VCB tăng giá 23%, CTG tăng 50%, BID tăng 47%, MBB tăng 30%, VPB tăng 30%, SHB tăng 20%, ACB tăng 30%...
Kể từ khi các ngân hàng dồn dập đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán thì đây là nhóm ngành có thế lực lớn nhất của thị trường. Không chỉ có quy mô hàng trăm ngàn tỷ đổng, các cổ phiếu ngân hàng còn là tín hiệu về tăng trưởng của nền kinh tế.