Công ty Cổ phần Thép Pomia (mã cổ phiếu POM – sàn HoSE) cho biết sẽ tái khởi động hệ thống luyện phôi thép lò điện tại chi nhánh Pomina 3 vào tháng 10 tới đây nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng thép phục hồi khi các hoạt động đầu tư công được thúc đẩy vào cuối năm nay. Thép Pomina hiện có ba nhà máy luyện phôi và cán thép xây dựng có công suất lớn nhất phía Nam, với tổng công suất luyện phôi thép lên tới 1,5 triệu tấn/năm và công suất cán thép xây dựng đạt 1,1 triệu tấn.
Tại khu vực phía Nam, hàng loạt dự án đầu tư công đang được quyết liệt triển khai, bao gồm: dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, dự án nâng cấp Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án Sân bay Quốc tế Long Thành, dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1…
Theo dõi giá thép hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Đặc biệt, siêu dự án Sân bay Quốc tế Long Thành với quy mô vốn khoảng 5,6 tỷ USD sẽ chính thức bắt đầu khởi công từ tháng 9/2023, được dự báo sẽ tạo ra nhu cầu lớn về vật liệu xây dựng tại phía Nam trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc sớm triển khai các dự án cầu cạn cao tốc ở Đồng bằng Sông Cửu Long cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu thép tăng lên.
Thép Pomina cũng dự kiến tái khởi động lò cao vào đầu năm sau để đón đầu sự trở lại của các dự án bất động sản. Trong đó, nguyên vật liệu sẽ được cung cấp bởi nhà đầu tư chiến lược là Nansei Steel (Nhật bản). Được biết, Nansei Steel là nhà cung cấp nguyên liệu kim loại tái chế tại Nhật Bản với khoảng 30 cơ sở kinh doanh, với thế mạnh là xuất khẩu.
Trước đó, vào quý 3/2022, Thép Pomina đã chủ động dừng hoạt động sản xuất lò cao để tập trung vào thế mạnh là lò điện nhằm tối ưu chi phí. Công ty cho biết, với quyền lựa chọn nguyên liệu đầu vào là thép phế liệu hoặc quặng sắt để luyện thép, việc sử dụng một lò điện với công suất đạt mức tối đa và tối ưu chi phí, tốt hơn việc duy trì cả hai lò nhưng sản xuất chỉ ở mức tối thiểu.
Hồi giữa tháng 7/2023, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, cổ đông Thép Pomina đã thông qua việc hợp tác chiến lược với Nansei Steel. Theo đó, Thép Pomina sẽ phát hành riêng lẻ hơn 70,17 triệu cổ phiếu POM (tương đương hơn 20% vốn điều lệ) cho hãng thép Nhật Bản Nansei Steel, một hãng thép của Nhật Bản, với giá bán 10.000 đồng/cổ phần. Lượng cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm. Dự kiến Thép Pomina sẽ thu về khoảng 700 tỷ đồng từ đợt phát hành này và số tiền này sẽ được sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hiện Nansei Steel đã ký kết xong thỏa thuận cơ bản và ký quỹ một khoản tiền với Thép Pomina để thực hiện thương vụ trên. Thép Pomina cũng vừa công bố việc nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp này lên mức tối đa là 65%.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 28/8, cổ phiếu POM đã tăng kịch biên độ (tăng 6,8%) lên mức 7.020 đồng/cổ phiếu. Nếu so với thời điểm đầu năm nay, cổ phiếu POM đã tăng hơn 28%. Đáng chú ý, cổ phiếu POM đã có nhịp tăng mạnh từ cuối tháng 5/2023 đến giữa tháng 7/2023 với mức tăng lên đến gần 90% khi câu chuyện hợp tác chiến lược với đối tác nước ngoài của Thép Pomina được công bố.
Xét về hoạt động kinh doanh, luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, Thép Pomina ghi nhận doanh thu đạt hơn 2.400 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 537 tỷ đồng so với mức lãi 8,11 tỷ đồng của nửa đầu năm 2022. Trong năm nay, doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu 9.000 tỷ đồng và lỗ 150 tỷ đồng.