Trích lập phải thu khó đòi tăng vọt, báo lỗ hơn 400 tỷ đồng
Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (mã cổ phiếu SMC – sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính kinh doanh hợp nhất quý 2/2023 với doanh thu thuần đạt 3.290 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức doanh thu này cũng thấp hơn giá vốn hàng bán, khiến doanh nghiệp thương mại thép này ghi nhận lỗ gộp 86,7 tỷ đồng trong quý 2/2023, so với mức lãi 210 tỷ đồng của quý 2/2022.
Đồng thời, hoạt động đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh khiến Đầu tư Thương mại SMC lỗ 2,7 tỷ đồng trong quý 2/2023. Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp của công ty này đã tăng đột biến lên hơn 214 tỷ đồng trong quý 2/2023, gấp 6,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do phải trích lập gần 181 tỷ đồng cho khoản phải thu khó đòi.
Kết thúc quý 2/2023, Đầu tư Thương mại SMC báo lỗ 414 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với mức lãi 45 tỷ đồng của quý 2/2022. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp thương mại thép này ghi nhận lỗ hơn 393 tỷ đồng, so với mức lãi gần 126 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2022.
Theo giải trình của ban lãnh đạo Đầu tư Thương mại SMC, kết quả kinh doanh nửa đầu năm kém tích cực là do giá thép liên tục giảm và duy trì ở mức thấp. Đồng thời, thị trường bất động sản trong nước trầm lắng, các giải pháp và chính sách tháo gỡ của Chính phủ chưa thực sự phát huy hiệu quả… ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty vốn còn đang gặp nhiều khó khăn.
Về việc phải tăng trích lập các khoản dự phòng, Đầu tư Thương mại SMC cho biết hoạt động này đã được tiến hành xuyên suốt từ năm 2022 đến nay.
Theo dõi giá thép hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Ghi nhận nợ xấu từ nhóm Novaland tăng vọt, cổ phiếu SMC “nằm sàn”
Về vấn đề trích lập dự phòng, dữ liệu trên báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy, tính đến cuối tháng 6/2023, Đầu tư Thương mại SMC đang ghi nhận khoản nợ xấu lên đến hơn 1.284 tỷ đồng, tăng 1.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm nay. Điều này khiến Đầu tư Thương mại SMC phải tăng mạnh trích lập dự phòng.
Trong đó, phần lớn các khoản nợ xấu này liên quan đến các công ty bất động sản thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Novaland, gồm: Delta Vally Bình Thuận (nợ xấu 440 tỷ), Bất động sản Đà Lạt Valley (nợ xấu 169 tỷ), The Forest City (nợ xấu 131 tỷ). Thậm chí Hưng Thịnh Incons (mã cổ phiếu HTN – sàn HoSE) cũng đang có khoản nợ xấu trị giá 63 tỷ đồng đối với Đầu tư Thương mại SMC.
Về giá thép, tính từ đầu năm đến nay, giá thép trong nước đã có 15 đợt điều chỉnh giảm, xuống chỉ còn khoảng 14 triệu đồng/tấn - mức thấp nhất kể từ cuối năm 2022 đến nay. Hiện Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định tiêu thu thép trong quý 3 và quý 4/2023 sẽ phục hồi trở lại nhờ loạt yếu tố về giải ngân vốn đầu tư công và chính sách thúc đẩy nhà ở xã hội.
Tương tự, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) dự báo sức ép lên thị trường thép Việt Nam sẽ giảm bớt trong quý 4/2023 do đây là thời điểm các dự án gấp rút hoàn thành tiến độ cộng với nhu cầu sửa chữa, làm mới nhà cửa của người dân tăng cao, các dự án đầu tư công cũng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 31/7, cổ phiếu SMC của Đầu tư Thương mại SMC đã chịu áp lực bán tháo, giảm kịch biên độ xuống còn 13.550 đồng/cổ phiếu với thanh khoản tăng cao đột biến. Nếu so với mức giá hồi đầu năm nay thì giá cổ phiếu SMC đã tăng 31%.
Đáng chú ý, kể từ cuối tháng 4/2023 đến nay, cổ phiếu SMC đã ghi nhận đà tăng giá kéo dài với mức tăng lên đến 42%.