Cổ phiếu VFS có lúc đạt 45 USD, vốn hoá của VinFast vượt 100 tỷ USD
Bắt đầu ngày 23/8, thị giá cổ phiếu VFS của VinFast trên sàn Nasdaq (Mỹ) đã có lúc rớt xuống còn 30,50 USD/cổ phiếu, giảm gần 17% so với mức giá đóng cửa của ngày 22/8. Tuy nhiên, cổ phiếu của hãng xe điện VinFast nhanh chóng lấy lại sắc xanh. Lực mua tăng lên nhanh chóng đã đẩy giá cổ phiếu VFS có lúc chạm ngưỡng 45 USD/cổ phiếu - mức cao nhất kể từ khi được niêm yết trên sàn Nasdaq.
Nhưng mức cao này không giữ được lâu, việc giá cổ phiếu tăng tới hơn 22% so với mức giá đóng cửa của phiên giao dịch hôm trước đã kích hoạt áp lực chốt lời, đẩy giá cổ phiếu VFS giảm xuống. Phe mua và va phe bán giằng co, khiến giá cổ phiếu VFS đi ngang, dao động quanh mức 36 USD/cổ phiếu trong phần lớn thời gian giao dịch còn lại.
Đóng cửa thị trường ngày 23/8, cổ phiếu VFS của VinFast đạt 37,03 USD/cổ phiếu, tăng 22,7% so với mức giá mở cửa nhưng chỉ tăng nhẹ 0,84% so với mức giá đóng cửa của ngày 22/8. Qua đó, xác lập mạch tăng giá kéo dài ngày thứ ba liên tiếp.
Với hơn 2,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, giá trị vốn hóa của hãng xe điện VinFast hiện gần 86 tỷ USD. Con số này đang lớn hơn tới 1,5 lần tổng giá trị vốn hoá của hai sàn chứng khoán Việt Nam là sàn HNX và sàn UPCoM. Thậm chí, tại thời điểm thị giá cổ phiếu VFS chạm ngưỡng 45 USD/cổ phiếu thì tổng giá trị vốn hoá của VinFast lên tới trên 103 tỷ USD.
Mức vốn hóa khủng cũng đưa VinFast vượt qua các startup “đình đám” một thời như Li Auto, NiO, Rivian,… để trở thành một trong những nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới. Đồng thời, VinFast cũng vượt mặt hàng loạt tên tuổi lâu đời như Mercedes - Benz, BMW, Volswagen, Ferrari, Honda, Ford,... để lọt top những doanh nghiệp giá trị nhất ngành công nghiệp ô tô.
Đáng chú ý, tổng khối lượng giao dịch trong ngày của cổ phiếu VFS lên tới hơn 8,2 triệu đơn vị. Trong khi số cổ phiếu VFS được tự do giao dịch hiện chỉ khoảng 4,5 triệu cổ phiếu. Điều này cho thấy giới đầu tư đang quay vòng cổ phiếu này rất nhanh.
Tỷ lệ free float của cổ phiếu VinFast hiện ở mức rất nhỏ, chưa tới 1%. Thông thường, các cổ phiếu có tỷ lệ free float nhỏ sẽ có chênh lệch giá mua - bán rộng, dễ xảy ra các biến động. Ngược lại, các cổ phiếu có tỷ lệ free float lớn thường có biến động giá ít hơn do các nhà đầu tư tự do chuyển nhượng lớn, tính thanh khoản cao.
Với diễn biến như hiện tại, có thể cần thêm thời gian để xác định mức giá cân bằng hơn của cổ phiếu VinFast cũng như vốn hóa của doanh nghiệp này. Biến động sẽ trở nên chính xác hơn khi tỷ lệ free float cao hơn.
Trong buổi phỏng vấn với hãng tin CNN vào ngày 22/8, khi đề cập đến việc tỷ lệ free float thấp khiến giá thị giá cổ phiếu VFS biến động, CEO VinFast bà Lê Thị Thu Thuỷ cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu các cơ hội gọi vốn đầu tư theo tình hình giao dịch của thị trường. Số lượng cổ phiếu lớn hơn sẽ được đưa ra thị trường dự kiến trong khoảng 6 tháng đến một năm tới”.
Tiếp cận được gần 50% số cổng sạc xe điện hiện có tại Mỹ
Cũng tại buổi phỏng vấn với hãng tin CNN, CEO VinFast cho biết hãng xe điện này hiện có thể kết nối với hơn 73.000 cổng sạc tại Mỹ. Theo thống kê từ Bộ năng lượng Mỹ, số trạm sạc tại nước này này hiện là hơn 64.200 trạm. Số lượng cổng sạc chính xác không được công bố nhưng theo tỷ lệ chung tại đây, số cổng sạc hiện có thể đạt khoảng hơn 166.000 cổng. Như vậy, theo những gì CEO VinFast công bố, xe điện của hãng đã có thể tiếp cận với gần 1 nửa số cổng sạc hiện có tại Mỹ.
Trước đó, hồi tháng 4/2022, VinFast công bố hợp tác với Electrify America cung cấp dịch vụ sạc cho các mẫu xe điện của VinFast. Theo thông tin từ Electrify America, nhà cung cấp này hiện có 822 trạm sạc tại Mỹ (sẽ sớm mở thêm 108 trạm mới) với hơn 3.5000 cổng sạc nhanh. Con số này rất thấp so với số lượng cổng sạc mà CEO VinFast công bố có thể tiếp cận.
Do đó, có thể VinFast đã gia nhập liên minh NACS (tiêu chuẩn sạc Bắc Mỹ). Đây là liên minh do Tesla phát triển, hiện có sự tham gia của Ford và GM. Từ năm 2024, người dùng xe điện của Ford và GM sẽ được sử dụng toàn bộ hệ thống trạm sạc siêu nhanh (Supercharger) của Tesla tại Mỹ. Theo CEO Tesla ông Elon Musk, Toyota cũng có thể sớm gia nhập liên minh NACS.
Ngoài ra, VinFast cũng hoàn toàn có thể hợp tác thêm với nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ trạm sạc lớn khác tại Mỹ như ChargePoint (27.000 trạm sạc, gần 50.000 cổng sạc - lớn nhất ở Mỹ, tính về số lượng), EVgo, Greenlots hay Francis Energy...
Việc tiếp cận được số lượng cổng sạc lớn được xem là một trong những yếu tố sống còn của các hãng xe điện khi phát triển tại một thị trường mới. CEO VinFast cũng tiết lộ VinFast hiện đã nhận được khoảng 10.000 đơn hàng tại Mỹ và 2/3 trong số đó là cho mẫu VF9 kích thước lớn nhất của mình. Tại Mỹ, model này có giá bán 83.000 USD cho bản Eco và 91.000 USD cho bản Plus.