Con đường nghệ nhân

Mùa Hạ về, Hà Nội chớm những màn mưa bay, làn gió len qua khe cửa của chiếc ô tô khiến chúng tôi cảm nhận được vẻ dịu dàng miên man mà lành lạnh của “mùa cuối xuân”. Đoàn xe của Hội nhà Báo Việt Nam t
Vũ Đức Thắng? Tôi đã được nghe về ông. Một anh đồng nghiệp trên xe ngoái lại miệng nhanh nhảu, đến Hà Nội mà không thăm làng gốm sứ Bát Tràng thì phí cả một chuyến đi, đến Bát Tràng rồi mà không tìm đến “Hồn Đất Việt” để thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật của nghệ nhân Vũ Đức Thắng thì coi như phí một phần ba chuyến đi. Cách ví von của anh khiến một nhà báo trẻ ở Quảng Trị mắt ngơ ngác tò mò hỏi lại. Ở đó có gì đặc biệt hả em? Nghệ nhân Thắng đã từng làm ra một đôi chân đèn bằng tay có trị giá 300 triệu, và nhiều tác phẩm độc đáo được kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Những sản phẩm đó rất hợp gu thẩm mỹ của người phương Tây anh ạ. 



                       Thợ giỏi của Nghệ nhân

Một khách du lịch đang tham quan ở đây, Ông Allen ở tận Sydney bên Úc chia sẻ: “Tôi đã đến Việt Nam 6 lần, tôi thích các tác phẩm nặn thủ công của làng gốm sứ Bát Tràng. Lần này vào thăm các tác phẩm nghệ thuật độc đáo của ông Thắng tôi rất hào hứng, bởi các tác phẩm này cho tôi cảm giác gần gũi với thiên nhiên, người dân nơi đây cũng thân thiện và dễ mến. Tôi sẽ trở lại Việt Nam để được tham quan Bát Tràng nhiều hơn”.

Công ty mỹ thuật ứng dụng Hồn đất Việt nằm cuối con đường đường cắt qua chợ Bát Tràng, bên trong là những tác phẩm nghệ thuật được trưng bày khá bắt mắt, cách bài trí và nhiều kiểu dáng màu sắc khác nhau tạo nên sức hấp dẫn cho người xem. Phía sau là một khu vườn nghệ thuật được tạo nên với non nước hữu tình kết hợp cùng nhiều tác phẩm to, nhỏ, khác lạ đan xen lẫn nhau. Đây là điểm dừng chân khá thú vị cho du khách, đồng thời cũng là nguồn cảm hứng cho nghệ nhân sau những ngày miệt mài với công việc.

Phía bên phải là không gian riêng của những “chú ong thợ” đang cặm cụi cho sản phẩm của mình. Anh Phạm Minh Quang ở Vĩnh Bảo (Hải Phòng) đang vẽ hoa văn cho một chiếc bình, có kích to tương đương với người ngồi vẽ. Anh cho biết: Làm nghề này cần có sự kiên nhẫn, đam mê. Nếu muốn trở thành một người thợ lành nghề thì chí ít cũng phải mất 3 năm rèn luyện liên tục, còn muốn trở thành như anh Thắng (Nghệ nhân) thì cần nhiều thứ như: Tài năng, đam mê, sáng tạo, vốn văn hóa, độ thẩm mỹ… Anh Thắng đã đoạt được khá nhiều giải thưởng Vàng về sáng tác các tác phẩm nghệ thuật gốm sứ. Đó thực sự là một tấm gương sáng mà anh em làm thợ như chúng tôi đều mơ ước.

Đang trò chuyện với người thợ thì nghệ nhân Thắng xuất hiên. Ông dặn dò người thợ cẩn trọng: “Nghề gốm sứ khâu nào cũng quan trọng, nhưng khâu lò lửa là quan trọng nhất, vì nó quyết định đến chất lượng vẻ đẹp có hồn hay không của sản phẩm”. Rồi ông quay lại “tay bắt mặt mừng” khi biết chúng tôi là nhà báo. Ông tâm sự: “Nghệ nhân cũng là người trần mắt thịt cũng có những giấc mơ, những khát khao vượt qua lũy tre làng vươn tới vinh quang. Tôi sinh ra và lớn lên giữa hai cuộc kháng chiến nên tôi cũng theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc. Sau giải phóng đất nước tôi may mắn được theo học Đại học Mỹ thuật công nghiệp, ở đây tôi đã tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích để kết hợp cho quá trình làm nghề của tôi sau này”.

Lúc mới tốt nghiệp, ông là một họa sỹ quảng cáo và ông rất tự tin với khả năng vốn kiến thức khổng lồ của mình. Tuy nhiên, thời điểm này thị trường gốm sứ không cần đến quảng cáo vì các hộ dân sản xuất theo kiểu “tự cung, tự cấp”. Vậy là ước mơ tan vỡ, ông đành quay lại với cuộc sống đời thường “trần trụi”. Ông học nghề, làm nghề và cháy mình theo nghề, rồi niềm đam mê đó gắn luôn với ông từ lúc nào không hay. Vậy là những ý tưởng lớn lao, tố chất của con người nghệ thuật hồi sinh trở lại trong ông.

Sau hơn 30 năm lao mình vào công việc, nghệ nhân Vũ Đức Thắng đã cho ra hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật, được nhiều khách hàng tinh tế đón nhận. Những sản phẩm của ông không chỉ được người trong nước thưởng thức mà hiện đang được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Đó là những đứa con tinh thần được nặn ra từ đôi bàn tay khéo léo trộn lẫn với cảm xúc, tình yêu nghề. Với những cống hiến lưu truyền nét truyền thống văn hóa của gốm sứ Bát Tràng, ông đã vinh dự được nhận nhiều cúp vàng danh giá của Thành phố Hà Nội và Quốc gia. Đặc biệt, năm 2003, ông được phong tặng nghệ nhân cấp Thủ đô Hà Nội và năm 2010, Hội đồng thi đua khen thưởng Nhà nước tôn vinh ông là Nghệ nhân ưu tú cấp quốc gia.

Vượt qua được ngưỡng của người làm nghề là rất khó khăn, vậy từ cảm hứng nào đã làm cho ông có nhiều tác phẩm độc đáo như vậy? Tôi hỏi nghệ nhân Thắng. Một sản phẩm có giá trị cao thì nó sẽ vượt qua giá trị sử dụng và trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Ông còn khẳng định: “Người hùng biện hay còn cần có người nghe hùng biện giỏi” làm ra một tác phẩm cao quý thì cần có người nhận thấy giá trị của tác phẩm đó. Khi bước vào nghề tôi không bao giờ giám nghĩ được xã hội tôn vinh như hiện nay, nhưng với đam mê lòng nhiệt huyết với nghề đã làm nên tôi của ngày hôm nay.

Làng nghề Bát Tràng được lưu truyền là niềm tự hào của người dân nơi đây, nhưng có những giai đoạn làng nghề rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn vì hàng ngoại nhập giá thành thấp, các sản phẩm được làm bằng lò nhanh và “chắc ăn” hơn rất nhiều. Cuộc sống của người thợ thủ công lúc bấy giờ như “ngàn cân treo sợi tóc”. Trong thời khắc khó khăn đó ông Thắng vẫn không từ bỏ lòng đam mê của mình, ông miệt mài và không ngừng nghiên cứu kết hợp vốn kiến thức sâu rộng và cảm xúc cá thể để tạo ra những bức tranh gốm vô giá.

Tư duy văn hóa, nghệ thuật và trải nghiệm là phong cách riêng của nghệ nhân Vũ Đức Thắng. Nếu gốm sứ Bát Tràng được yêu thích bởi những sản phẩm làm thủ công độc đáo thì nghệ nhân Vũ Đức Thắng lại được những cặp mắt tinh tế để ý bởi sự phá cách, đổi mới trong tư duy, sự kết hợp hài hòa giữa cổ điển và hiện đại. Đó là cái đẹp, là sự hiểu biết chặt chẽ kết hợp học thuật tinh tế của một bề dày lịch sử gốm sứ Bát Tràng mà ông đã được lĩnh hội.