Nơi đây gắn liền với một giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước và cuộc đời, thân thế sự nghiệp của nhiều vị anh hùng dân tộc, tiêu biểu là Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn và Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.
Điểm nhấn của quần thể di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc chính là Đền Kiếp Bạc và Chùa Côn Sơn.
Di tích Đền Kiếp Bạc
Đền Kiếp Bạc được vua Trần Thánh Tông xây dựng để tưởng nhớ công đức lớn lao trừ được giặc dữ, ngăn được họa lớn cho đất nước của Hưng Đạo Vương. Đền Kiếp Bạc nằm ở hai thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Kiếp Bạc là tên ghép của hai vùng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc). Đây là nơi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lập căn cứ địa, tích trữ lương thực và huấn luyện binh sĩ trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông thế kỉ XIII.
Điểm nổi bật của đền chính là chiếc cổng với 3 cửa lớn, nguy nga và cổ kính. Bên trong có Giếng Ngọc với truyền thuyết không bao giờ cạn nước, phía Bắc có Hang Tiền - nơi cất giấu ngân khố phục vụ kháng chiến khi xưa.
Mặt trước tam quan có hàng chữ lớn: "Giữ thiên vô cực", nghĩa là "Sự nghiệp sống mãi với đất trời". Dọc 2 bên cột có câu đối "Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí/ Lục Đầu vô thủy bất thu thanh", dịch nghĩa: Vạn Kiếp núi lồng hình kiếm dựng/ Lục Đầu vang dậy tiếng quân reo.
Theo văn bia tại di tích, đền Kiếp Bạc được xây dựng sau khi Hưng Đạo Đại vương qua đời năm 1300, vị trí đền ở trung tâm thung lũng Kiếp Bạc, trên khu đất rộng khoảng 13.500 m2.
Vào tháng 8 âm lịch hàng năm, đền Kiếp Bạc sẽ tổ chức Lễ hội mùa Thu để tưởng niệm ngày mất của Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương, đây là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm. Trong đó, lễ diễn xướng hầu Thánh (lên đồng, hầu đồng) là nghi lễ đặc trưng nhằm tôn vinh công lao, uy đức của Đức Thánh Trần trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ đất nước cũng như sự nghiệp xây dựng, phát triển đạo giáo Việt Nam (Đạo Nội).
Đặc biệt, lễ Khai ấn và Ban ấn đền Kiếp Bạc hằng năm cũng đông đúc không kém lễ Khai ấn đền Trần (Nam Định). Hiện đền Kiếp Bạc còn lưu giữ 4 ấn tín bằng đồng của Đức Thánh gồm: Trần Triều Hưng Đạo Đại Vương chi ấn, Quốc pháp Đại Vương, Vạn Dược Linh Phù và Phi thiên thần kiếm linh phù.
Bộ ấn đền Kiếp Bạc là những bảo vật quốc gia, gắn với sinh hoạt văn hóa - tâm linh của nhân dân hơn 7 thế kỷ qua. Việc ban ấn là một trong những nghi lễ thiêng, quan trọng, góp phần làm phong phú và đa dạng các hoạt động văn hóa tại khu Di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Bốn bộ 4 phù ấn bằng đồng của Hưng Đạo Đại Vương còn tới ngày nay gồm: Ấn đầu tiên có hình vuông khắc chữ “Trần triều Hưng Đạo vương chi ấn” (nghĩa là ấn của Hưng Đạo vương). Phù ấn này quan trọng nhất, nó thể hiện sức mạnh và quyền uy mà Đức Thánh Trần ban cho. Ấn thứ 2 cũng có hình vuông nhưng nhỏ hơn khắc chữ “Quốc pháp Đại Vương” có ý nghĩa về uy quyền, buộc phải tuân theo luật pháp. Ấn thứ 3 cũng có hình vuông và nhỏ hơn ấn thứ 2 khắc chữ “Vạn Dược linh phù”. Những ai có được ấn này được sức khỏe dồi dào. Ấn cuối cùng có hình chữ nhật khắc chữ “Phi thiên thần kiếm linh phù” để từ tà ma quỷ..
Khu di tích Chùa Côn Sơn
Nếu như Đền Kiếp Bạc nhắc nhớ sự nghiệp đánh giặc Nguyên Mông của Trần Hưng Đạo thì khu di tích lịch sử Côn Sơn được biết tới là Trung tâm Phật giáo của dòng thiền phái Trúc Lâm gắn liền với Tam tổ là Đệ nhất Tổ - Điều ngự giác hoàng Trần Nhân Tông, Đệ nhị Tổ - Pháp Loa Tôn giả và Đệ tam Tổ Huyền Quang Tôn giả, trong đó vị Tổ thứ ba - Huyền Quang Tôn giả là người trực tiếp về chùa Côn Sơn trụ trì và viên tịch tại đây. Tam Tổ đều có công lao khai mở, xây dựng cảnh quan và phát triển Côn Sơn trở thành trung tâm Phật giáo thời Trần, đưa Côn Sơn trở thành một biểu tượng hệ tư tưởng Phật giáo Việt Nam.
Hiện nay, Chùa Côn Sơn còn lưu giữ được 16 văn bia lâu nhất là từ thời vua Trần Duệ Tông và bia này được công nhận là bảo vật Quốc gia vào năm 2015; 12 văn bia thời Lê từ đầu thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 18 và 3 văn bia thời Nguyễn. Tất cả các văn bia này đều cho thấy những giá trị văn hóa của khu di tích Côn Sơn. Các vua chúa đều coi Côn Sơn là chốn hành hương, biến nơi đây trở thành quốc lễ cầu quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh, mùa màng tốt tươi.
Vào giữa tháng Giêng âm lịch hàng năm, chùa Côn Sơn sẽ tổ chức Lễ hội Mùa Xuân để tưởng niệm ngày viên tịch của Đệ tam tổ thiền phái Trúc lâm Huyền Quang Tôn giả.
Huyền Quang tên thật là Lý Đạo Tái (sinh năm 1254), nguyên quán hương Vạn Tư, nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình (Bắc Ninh). Ông là trí thức tài năng nhưng từ bỏ chốn quan trường, quyết chí tu hành. Huyền Quang cùng Phật hoàng Trần Nhân Tông và Pháp Loa đi nhiều nơi hoằng dương Phật pháp và trở thành vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm.
Những năm cuối đời, ông về trụ trì tại chùa Côn Sơn, tôn tạo mở rộng chùa với nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng như đài Cửu phẩm Liên hoa, Am Bạch Vân, xây dựng tăng viện, đào tạo tăng ni, giảng kinh thuyết pháp… đưa Côn Sơn trở thành đại danh lam, đại tùng lâm, một trong những trung tâm của dòng thiền phái Phật giáo Trúc Lâm.
Bên cạnh chùa Côn Sơn là Đền thờ Nguyễn Trãi, công trình trọng điểm trong khu Côn Sơn, di tích lịch sử đặc biệt quan trọng của đất nước, được khánh thành vào tháng 9/2002. Đền được xây dựng dưới chân núi Ngũ Nhạc liền với núi Kỳ Lân có kiến trúc theo truyền thống trong một khuôn viên đẹp. Trong tam quan có pho tượng Nguyễn Trãi đúc bằng đồng. Ngôi đền là biểu hiện to lớn lòng biết ơn, sự trân trọng của nhân dân ta đối với người Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.
Phía sau đền thờ Nguyễn Trãi, về bên phải núi Kỳ Lân là nơi Nguyễn Trãi dựng nhà dạy học xưa. Nay chỉ còn dấu tích nền nhà xưa cùng với phiến đá lớn được gọi là Thạch Bàn, hay còn gọi là hòn đá "năm gian" (rộng bằng 5 gian nhà), nơi Nguyễn Trãi từng ngồi ngâm ngơ, đọc sách.
Bên trái đền thờ Nguyễn Trãi là đền thờ Trần Nguyên Hãn. Ông là đại công thần nhà Lê và là em con cậu ruột của Nguyễn Trãi. Nằm phía trên cả đền thờ Nguyễn Trãi và đền thờ Trần Nguyên Hãn là đền thờ Trần Nguyên Đán, gần thượng nguồn suối Côn Sơn. Tại Côn Sơn, Trần Nguyên Đán cùng vợ đã nuôi dậy cháu ngoại Nguyễn Trãi trưởng thành. Năm 1390, Quan Đại Tư Đồ Trần Nguyên Đán tạ thế tại Côn Sơn. Vua Trần nhớ công đức của ông, sắc chỉ cho nhân dân lập đền, tạc tượng thờ tại Côn Sơn. Trải qua năm tháng Đền thờ xưa không còn. Năm 2005, tỉnh Hải Dương xây dựng Đền Thanh Hư trên nền nhà cũ của ông. Trong đền hệ thống hoành phi, câu đối, đồ thờ bài trí theo nghi thức truyền thống. Tượng Quan Đại Tư Đồ thần thái uy nghiêm, nhân từ đặt trong đền. Bên cạnh là một bàn cờ tướng khá to.
Lịch sử đã để lại cho Côn Sơn - Kiếp Bạc một số lượng các di tích lịch sử, văn hóa đồ sộ. Hiện nay, tỉnh Hải Dương cùng hai tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang đang khẩn trương phối hợp xây dựng Hồ sơ khoa học “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc” để trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.