Sáng ngày 23/6/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tham dự và phát biểu tại Hội nghị.
Đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước
Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á, là trung tâm giáo dục, đổi mới sáng tạo.
Lâm Đồng coi phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá.
Về nông nghiệp, tỉnh Lâm Đồng phấn đấu trở thành Trung tâm nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế; là vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất hàng hóa có giá trị cao trên thị trường Đông Nam Á.
Về du lịch, tỉnh phấn đấu trở thành "Thiên đường xanh" với sức hút của các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng - sinh thái - chăm sóc sức khỏe - thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á.
Du lịch được kỳ vọng sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng chất lượng cao và bền vững, tạo động lực cho sự phát triển của các ngành liên quan dựa trên nền tảng của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và công nghiệp sáng tạo.
Đối với công nghiệp, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, công nghiệp chế biến nhôm và các sản phẩm từ nhôm; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản.
Đến năm 2050, Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.
Về quy hoạch hệ thống đô thị, định hướng phát triển các đô thị gắn với động lực của từng vùng theo hướng xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, đảm bảo kết nối giữa các đô thị trong tỉnh với các đô thị trong vùng. Gắn phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới.
Mục tiêu đến năm 2030, hệ thống đô thị của tỉnh gồm 17 đô thị, trong đó 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II, 3 đô thị loại III, 5 đô thị loại IV và 7 đô thị loại V.
Tầm nhìn đến năm 2050, Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương gồm 3 quận (Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng), 3 thị xã, 3 huyện.
Trong đó, khu vực nội thành gồm: Thành phố Đà Lạt mở rộng (Thành phố Đà Lạt hiện hữu và huyện Lạc Dương) và 5 xã, thị trấn thuộc huyện Lâm Hà (thị trấn Nam Ban, các xã Nam Hà, Gia Lâm, Đông Thanh, Mê Linh); Thành phố Bảo Lộc mở rộng (Thành phố Bảo Lộc hiện hữu và 5 xã thuộc huyện Bảo Lâm: Lộc An, Lộc Nam, Lộc Thành, Tân Lạc, Lộc Tân); huyện Đức Trọng.
Khu vực ngoại thành gồm 3 thị xã Lâm Hà, Đơn Dương, Di Linh và 3 huyện gồm Đam Rông, Bảo Lâm, Đạ Huoai (huyện Đạ Huoai gồm 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên sáp nhập).
4 tiềm năng mới cần được tiếp tục phát huy mạnh mẽ
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh Lâm Đồng phải giữ gìn và phát huy được yếu tố văn hoá đặc sắc của vùng đất và con người nơi đây để phát triển mạnh mẽ và bền vững trong thời gian tới.
Ngoài tiềm năng về văn hoá, Phó Thủ tướng chỉ rõ Lâm Đồng còn 4 tiềm năng mới cần được tiếp tục phát huy mạnh mẽ, bao gồm: Kết nối hàng không, kết nối giao thông, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu.
Về hàng không, Cảng hàng không Liên Khương chính thức trở thành cảng hàng không quốc tế, trở thành cảng hàng không quốc tế đầu tiên của vùng Tây Nguyên, mở ra cơ hội to lớn để phát triển du lịch cho địa phương và cả vùng Tây Nguyên.
Đối với lĩnh vực giao thông, trong thời gian tới sẽ có nhiều tuyến đường cao tốc kết nối Lâm Đồng với các khu vực xung quanh, đặc biệt là khu vực Đông Nam Bộ.
Về nông nghiệp, tỉnh Lâm Đồng được xem là nơi khởi nguồn và là ví dụ mẫu mực về phát triển công nghệ cao, là nền tảng, là nguồn cảm hứng tạo sự tự tin để tỉnh tiếp tục phát triển mạnh mẽ lĩnh vực này.
Về công nghiệp, Phó Thủ tướng tin tưởng cơ cấu phát triển công nghiệp của tỉnh sẽ có thay đổi tích cực trong thời gian tới do sở hữu tiềm năng về phát triển bauxite và các ngành công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu.
Đối với Quy hoạch, Phó Thủ tướng nhấn mạnh 8 từ khoá ông từng chia sẻ tại những hội nghị công bố quy hoạch cấp tỉnh trước đó, đó là: Tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ và thấu hiểu.
"Tuân thủ" là nguyên tắc đầu tiên vì giá trị lớn lao nhất của quy hoạch là định vị ra mục tiêu trong tương lai và đề ra giải pháp để hiện thực hoá mục tiêu. Vì thế tuân thủ để bảo đảm không trệch hướng, đảm bảo sự phát triển bền vững của địa phương trong tương lai.
Bên cạnh đó, phải "linh hoạt" trong cách làm, vì để đạt được mục tiêu có nhiều cách. Những mục tiêu không có giá trị cốt lõi thì các đồng chí hoàn toàn có thể đề nghị xin được điều chỉnh, vì nói chuyện ngày mai đã khó, nói câu chuyện 6 năm sau và tầm nhìn đến 26 năm sau chắc chắn không thể nào chuẩn xác được, Phó Thủ tướng phát biểu.
Đồng thời, phải "đồng bộ" với quy hoạch quốc gia, vùng, ngành, và các quy hoạch cấp dưới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực
Tại Lễ công bố Quy hoạch, UBND tỉnh Lâm Đồng đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Biên bản ghi nhớ đầu tư cho 12 nhà đầu tư là các tập đoàn, công ty. Theo đó, tổng vốn các doanh nghiệp công bố đầu tư vào Lâm Đồng là khoảng hơn 125.000 tỷ đồng.
Để thực hiện thành công các mục tiêu của Quy hoạch tỉnh, Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách; quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; trong đó, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Tỉnh sẽ huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhà nước, tư nhân và xã hội để đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tiếp tục tập trung thu hút đầu tư, trọng tâm là phát triển hướng tới năm 2030 là tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá. Xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á, là trung tâm giáo dục, đổi mới sáng tạo. Phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, hiện đại, hiệu quả cao, hữu cơ, hướng đến hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn; trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế. Phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, logistics dựa trên nền tảng số, chất lượng cao và đa dạng hoá các loại hình dịch vụ. Ưu tiên phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, công nghiệp chế biến nhôm và các sản phẩm từ nhôm; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản.
Đồng thời, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong khuôn khổ pháp luật cho phép để các doanh nghiệp thực hiện thành công các dự án đầu trên địa bàn tỉnh và phát triển thịnh vượng.
Các dự án tiêu biểu tỉnh Lâm Đồng đang kêu gọi thu hút ưu tiên đầu tư thời gian tới gồm 227 dự án, bao gồm các lĩnh vực: Giao thông vận tải (36 dự án); công nghiệp (11 dự án); văn hóa, thể thao và du lịch (34 dự án); y tế (36 dự án), giáo dục và đào tạo (6 dự án); thương mại, dịch vụ (20 dự án); khu dân cư, khu đô thị (62 dự án); phát triển nông nghiệp (12 dự án); bảo vệ môi trường (3 dự án); khai thác khoáng sản (4 dự án); khối hành chính (3 dự án).
Một số dự án trọng tâm, trọng điểm: Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối vàng; cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc; Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương; Cao tốc Nha Trang - Liên Khương (CT.25); Nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Liên Khương từ cấp 4D thành cấp 4E; Tổ hợp nhà máy tuyến bauxit và chế biến Alumin, nhôm và các sản phẩm từ nhôm; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đà Lạt; Khu đô thị Liên Khương Prenn; Khu đô thị phía Đông Đà Lạt; Khu đô thị phía Tây Đà Lạt; Khu công nghiệp Phú Bình; Cảng cạn tại huyện Đức Trọng và Thành phố Bảo Lộc…