PV: Thưa ông, năm 2018 để lại nhiều dấu ấn với việc tổ chức thành công Đại hội III CĐCT. Xin ông cho biết khác biệt cơ bản trong nội dung nhiệm vụ của CĐCT trong nhiệm kỳ 2018-2023 là gì?
Chủ tịch Trần Quang Huy: Tại Đại hội III CĐCT đã đánh giá, nhiệm kỳ 2013-2018 cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ Nghị quyết CĐCT nhiệm kỳ II đề ra. Tại Đại hội này cũng xác định rõ nhiệm vụ, thời cơ và thách thức của tổ chức công đoàn trong thời kỳ mới.
Trong nhiệm kỳ này, hoạt động của CĐCT có nhiều thay đổi quan trọng. Việc đổi mới sắp xếp, cổ phần hóa các DNNN, các đơn vị hành chính sự nghiệp hoạt động theo mô hình tự chủ, tạo cho hoạt động công đoàn nhiều áp lực. Với vai trò là tổ chức chăm lo đại diện cho quyền lợi người lao động, lúc này công đoàn cần có những thay đổi về nội dung, phương thức hoạt động để có thể bám sát được tâm tư nguyện vọng và mong muốn của NLĐ. Đặc biệt là thực hiện tốt chức năng đại diện thông qua việc đàm phán ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT). CĐCT đang tập trung nâng cao chất lượng của việc ký kết TƯLĐTT sao cho những quyền, lợi ích lớn nhất của NLĐ sẽ được cụ thể hóa trong thỏa ước này.
Ngoài ra, cũng tích cực chủ động triển khai Nghị định 149/2018/NĐ-CP quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ Luật Lao động về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc có hiệu lực từ 01/01/2019 thay thế Nghị định 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
PV: Theo ông, việc Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ ngày 14/01/2019, trong đó có cam kết cho phép thành lập các tổ chức đại diện khác của NLĐ tại các doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của tổ chức công đoàn?
Chủ tịch Trần Quang Huy: Hiện tại, sau khi Hiệp định CPTTPP có hiệu lực, chúng ta đang triển khai ban hành những qui định để cụ thể hóa cam kết, trong đó có việc cho phép thành lập các tổ chức đại diện của NLĐ tại các doanh nghiệp theo đúng yêu cầu của CPTPP.
Theo đó, có thể thấy thách thức lớn nhất của tổ chức công đoàn chính là sự cạnh tranh để thu hút NLĐ tham gia tổ chức công đoàn, công việc phát triển đoàn viên sẽ càng khó khăn hơn bao giờ hết.
Lúc này, không có cách nào khác là các hoạt động của công đoàn phải thực sự hướng về đoàn viên, NLĐ. Phải cho họ thấy tổ chức công đoàn thực sự ưu việt và xứng đáng là tổ chức đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
PV: Được biết, Tổng LĐLĐVN đang triển khai việc kiện toàn, xây dựng hệ thống văn phòng tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho đoàn viên, NLĐ. Đây có phải là trọng tâm hoạt động của tổ chức công đoàn trong năm 2019?
Chủ tịch Trần Quang Huy: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, NLĐ ngày càng có nhu cầu nhiều hơn về pháp luật để tự bảo vệ mình. Do đó, Tổng LĐLĐVN nhận thấy việc đẩy mạnh hỗ trợ, tư vấn pháp lý cho đoàn viên, NLĐ là rất cần thiết.
Tới đây Công đoàn VN sẽ triển khai các mô hình tư vấn hỗ trợ pháp lý trực tuyến, thành lập các trung tâm tư vấn pháp luật, đào tạo đội ngũ luật sư công đoàn đủ khả năng hỗ trợ cho NLĐ. Sẽ xây dựng cơ chế tài chính để thu hút người có trình độ, đặc biệt là các luật sư về tư vấn hỗ trợ pháp lý cho NLĐ, hoặc tư vấn theo hợp đồng vụ việc… Và kinh phí công đoàn sẽ dành một tỉ lệ thích đáng cho việc làm tốt chức năng tư vấn pháp lý cho NLĐ của tổ chức công đoàn.
Việc này được triển khai đồng bộ từ Tổng LĐLĐVN đến các công đoàn ngành và LĐLĐ các địa phương.
Tại CĐCT đã có văn phòng tư vấn pháp luật. Chúng tôi cũng sẽ kiện toàn bổ sung lực lượng, theo hướng có các luật sư hợp tác, gắn bó lâu dài để hỗ trợ đoàn viên, NLĐ.
Thực tế trong các đơn vị của CĐCT hiện nay, chưa phát sinh nhiều các tranh chấp liên quan đến quan hệ lao động. Nhưng trong bối cảnh sự chuyển đổi cơ cấu chủ sở hữu đang diễn ra nhanh và liên tục thì việc chủ động chuẩn bị, sẵn sàng đối mặt với những thách thức là việc làm cần thiết của CĐCT.
Chúng tôi luôn mong rằng, trong hoàn cảnh nào, tổ chức công đoàn cũng sẽ hoàn thành tốt chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, là người bạn đồng hành tin cậy của NLĐ trong mọi tình huống.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!