Được sự chỉ đạo thường xuyên của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, của Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cùng với tinh thần chủ động, sáng tạo, Công đoàn Điện lực Việt Nam khẳng định vị thế của mình, thực hiện tốt vai trò đại diện, phối hợp chăm lo đời sống, việc làm cho công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ), nhiều phong trào thi đua được duy trì và đẩy mạnh.
Quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy
Trong nhiệm kỳ 2018-2023, Công đoàn các cấp luôn phối hợp với chuyên môn xây dựng và ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở (QCDC) tại đơn vị, đảm bảo 100% các đơn vị có quy chế làm cơ sở để triển khai thực hiện. Hàng năm, Công đoàn và chuyên môn đều xác định công tác dân chủ ở cơ sở là nội dung phối hợp trọng tâm và ban hành chỉ thị liên tịch làm cơ sở để chỉ đạo triển khai thực hiện. 100% các đơn vị tổ chức hội nghị người lao động, hội nghị đối thoại và thực hiện các nội dung khác về dân chủ cơ sở đảm bảo các quyền của người lao động.
Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua, Công đoàn Điện lực Việt Nam đã đề xuất và phối hợp với Tập đoàn lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Người lao động (năm 2019) và định kỳ hàng năm; Hội nghị đối thoại cấp Tập đoàn để tạo sự thống nhất, định hướng trong việc thực hiện các cơ chế dân chủ đến các đơn vị. Các hội nghị đã giải quyết, trả lời hàng trăm ý kiến của người lao động thuộc thẩm quyền của Tổng giám đốc Tập đoàn và kiến nghị đến Bộ, ban ngành.
Trong nhiệm kỳ, Công đoàn Điện lực Việt Nam đã chủ động đề xuất, thương lượng với Tổng giám đốc Tập đoàn để lần đầu tiên ký kết Thỏa ước lao động tập thể cấp Tập đoàn năm 2019 với 35 điểm có lợi cho người lao động, Thoả ước năm 2021 với 37 điểm. Trên cơ sở Thoả ước của Tập đoàn, các Tổng công ty, Công ty đã vận dụng đưa vào Thoả ước lao động tập thể các đơn vị. Các nội dung trong các bản Thoả ước được đông đảo người lao động đánh giá cao.
Trong nhiệm kỳ qua, Công đoàn Điện lực Việt Nam thông qua đối thoại đã kiến nghị chuyên môn quan tâm đầu tư về điều kiện, môi trường làm việc như: nhà trực vận hành cho người lao động; kiến nghị thay thế việc sử dụng thang tre bằng thang rút để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông; đầu tư các phương tiện xe ô tô chở người lao động thay thế dần phương tiện cá nhân trong thực hiện công việc...
Hoạt động chăm lo, hỗ trợ thường xuyên, hỗ trợ trọng điểm được Công đoàn Điện lực Việt Nam tích cực triển khai. Trong 5 năm qua, đã có 250.135 lượt đoàn viên, người lao động và các trường hợp khó khăn được hỗ trợ, thăm hỏi với số tiền gần 189,7 tỷ đồng; 95.000 lượt người được nâng lương, nâng bậc, 150.000 lượt người được tham quan, nghỉ mát.
Chương trình Mái ấm Công đoàn trong 5 năm qua đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa được 283 ngôi nhà với số tiền trên 16 tỷ đồng từ nguồn quỹ tương trợ xã hội của Tập đoàn do người lao động đóng góp hàng năm. Chương trình này đã giúp đỡ một cách thiết thực và ý nghĩa cho các hộ công nhân khó khăn về nhà ở, trở thành chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được người lao động, các cấp lãnh đạo đánh giá cao.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Công đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản, phối hợp với Tập đoàn hướng dẫn các cấp công đoàn tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe cho cán bộ, đoàn viên, người lao động. Công đoàn các cấp đã làm tốt các hoạt động chăm lo cho người lao động vừa thực hiện duy trì hoạt động sản xuất, vừa phòng chống dịch.
Đẩy mạnh phong trào thi đua
Có thể nói, đây là một thế mạnh của Công đoàn Điện lực Việt Nam trong nhiều năm qua. Hàng năm, Ban Thường vụ Công đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với Tổng Giám đốc Tập đoàn ban hành Chỉ thị Liên tịch phát động thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát động thi đua ngắn hạn, đảm bảo cung cấp điện mùa khô.
Các nội dung phát động thi đua bám sát vào chủ đề năm của EVN. Trên cơ sở đó, các Công đoàn trực thuộc phối hợp với chuyên môn, căn cứ vào nhiệm vụ, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của đơn vị lựa chọn các hình thức, biện pháp tổ chức thi đua phù hợp, để động viên CNVCLĐ hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch năm của đơn vị.
Các phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ và nghiên cứu khoa học tiếp tục được các đơn vị đẩy mạnh. Đây là phong trào thi đua nhằm động viên trí tuệ sáng tạo, lòng say mê, yêu nghề của người lao động. Phong trào này góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tiết kiệm chi phí. Phong trào thi thợ giỏi đã trở thành nền nếp, để nâng cao kiến thức chuyên môn kỹ thuật và trình độ thực hành nghề nghiệp, xây dựng tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động.
Công đoàn Điện lực Việt Nam luôn chủ động phối hợp với Tập đoàn lựa chọn các công trình trọng điểm để phát động thi đua, như: Thi đua liên kết Đường dây 500kV mạch 3, công trình xây dựng Trạm biến áp 220kV Ninh Phước và đấu nối, công trình xây dựng Cảng nhập than và đê chắn sóng dự án cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, công trình Nhà máy Thuỷ điện Ialy mở rộng, công trình Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I…
Nhiều công trình thi đua gắn biển chào mừng đại hội công đoàn các cấp đã được tổ chức gắn biển. Tiêu biểu nhất công trình TBA 500kV Vân Phong và đấu nối đã tổ chức gắn biển cấp Tổng Liên đoàn LĐVN chào mừng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam và là công trình đầu tiên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Công đoàn các cấp đã phối hợp với chuyên môn phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi mục tiêu “10 nghìn sáng kiến” trong CNVCLĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam hưởng ứng chương trình “1 triệu sáng kiến” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Kết thúc Chương trình, toàn Tập đoàn đã có 12.297 sáng kiến, đạt 122% kế hoạch được giao, hoàn thành trước gần 50 ngày tại thời điểm ngày 13/7/2023 so với kế hoạch ngày 31/8/2023.
Trong nhiệm kỳ, Công đoàn Điện lực Việt Nam đã tích cực hưởng ứng chương trình “75 nghìn sáng kiến nỗ lực, vượt khó” do Tổng Liên đoàn phát động, kết quả đã có 5 giải pháp, sáng kiến được Tổng Liên đoàn khen thưởng.
Nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức Công đoàn
Đứng trước yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong nhiệm kỳ 2023-2028, Công đoàn Điện lực Việt Nam đề ra phương thức hoạt động phù hợp, nhằm đảm bảo vai trò đại diện và chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động; không ngừng nỗ lực, phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa để công đoàn thực sự là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, hướng đến trở thành công đoàn số, đoàn viên số.
Trong đó Công đoàn Điện lực Việt Nam tham gia có hiệu quả với chuyên môn xây dựng và thực hiện các chính sách theo quy định pháp luật, thương lượng và ký kết thoả ước lao động tập thể, tham gia xây dựng nội quy, quy chế của đơn vị, giám sát việc thực hiện các chế độ. Công đoàn các cấp chủ động trong việc đề xuất các chế độ chính sách cho người lao động. Chú trọng tập huấn về kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ công đoàn để tham gia xây dựng và giám sát trong vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động.
Tăng cường hoạt động giám sát theo Quyết định số 217-QĐ/TW về việc thực hiện các quy định về chế độ, chính sách cho người lao động. Phối hợp với chuyên môn thực hiện tốt Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022. Thường xuyên khảo sát, nắm bắt tình hình thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động. Nắm bắt, tư vấn, giải thích về chế độ chính sách kịp thời cho người lao động để hạn chế tình trạng đơn thư, khiếu nại, khiếu kiện về thực hiện chế độ chính sách. Nâng cao hiệu quả công tác an toàn vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc và giảm thiểu tai nạn lao động, nhất là tai nạn do yếu tố giao thông.
Tuyên truyền, vận động người lao động thực hiện, chấp hành tốt các quy định pháp luật về ATVSLĐ, biện pháp an toàn khi tham gia giao thông. Phối hợp với chuyên môn, đề xuất và phối hợp với cơ quan hữu quan thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn về chấp hành pháp luật, luật lệ giao thông đường bộ, kỹ năng sử dụng phương tiện giao thông... Thường xuyên nắm bắt các nguy cơ mất an toàn lao động để kiến nghị khắc phục kịp thời.
Phối hợp chuyên môn sử dụng hiệu quả nguồn quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng để chăm lo tốt hơn cho người lao động trong việc hỗ trợ khó khăn, tham quan nghỉ mát, xây dựng thiết chế phúc lợi... Tiếp tục thực hiện chương trình Mái ấm Công đoàn. Duy trì Quỹ tương trợ xã hội do người lao động đóng góp.
Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trong và ngoài Tập đoàn. Vận động người lao động, đoàn viên công đoàn thực hiện các chương trình an sinh xã hội do Nhà nước, địa phương, Tập đoàn và đơn vị phát động thể hiện trách nhiệm đối với xã hội của người lao động, thể hiện truyền thống tốt đẹp chia sẻ khó khăn, qua đó xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa đồng nghiệp với nhau, với xã hội trong thực hiện công việc, cũng như trong cuộc sống.
Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động, tuân thủ pháp luật, các quy định, quy chế của Tập đoàn, đơn vị. Tổ chức các phong trào thi đua góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của Tập đoàn. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn các cấp; nâng cao năng lực cán bộ công đoàn và xây dựng Công đoàn vững mạnh. Nâng cao chất lượng công tác nữ công, góp phần xây dựng đội ngũ nữ CNVCLĐ. Tăng cường hoạt động công tác kiểm tra giám sát, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.
Với những thành tích đã đạt được trong thời gian qua, cũng như những giải pháp sát thực tiễn đã đề ra cùng với truyền thống gần 70 năm xây dựng và phát triển của ngành Điện, Công đoàn Điện lực Việt Nam sẽ đón nhận thời cơ mới, vượt qua thách thức để lãnh đạo công đoàn các cấp hoàn thành những mục tiêu mà đại hội công đoàn các cấp đề ra cho nhiệm kỳ 2023 – 2028, góp phần xây dựng Tập đoàn Điện lực Việt Nam phát triển bền vững, trở thành doanh nghiệp số hiện đại, việc làm, đời sống người lao động được đảm bảo và nâng cao.
Một số kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2018-2023:
1. Kết quả thực hiện mục tiêu thuộc trách nhiệm trực tiếp của tổ chức công đoàn:
- 100% số công nhân lao động được tuyển dụng đủ điều kiện vào Công đoàn Điện lực Việt Nam.
- 100% các đơn vị sau khi được thành lập mới đi vào hoạt động, tổ chức công đoàn đồng cấp được thành lập và hoạt động theo quy định.
- Hàng năm đạt tỷ lệ 95% công đoàn trực thuộc được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ; không có công đoàn không hoàn thành nhiệm vụ.
- 100% cán bộ công đoàn được bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ.
- Số đoàn viên ưu tú giới thiệu cho Đảng: là 7.264/6.000 người đề ra (đạt 121%). Có 4.300 đoàn viên được kết nạp vào Đảng.
2. Kết quả thực hiện nhóm chỉ tiêu tổ chức công đoàn tham gia chỉ đạo, thực hiện:
- 100% công đoàn cơ sở tuyên truyền, vận động, tổ chức các phong trào thi đua lao động sáng tạo, chăm lo cho người lao động góp phần hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của Tập đoàn hằng năm.
- Chỉ tiêu về thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở: Các Công đoàn cơ sở thực hiện theo quy định.
- 100% doanh nghiệp có ký kết và thực hiện đúng thỏa ước lao động tập thể.
- Số đoàn viên, người lao động được học tập, tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chủ trương tái cơ cấu của Chính phủ, quy chế, quy định của EVN và đơn vị: 95.456 (đạt 95%).
- Đã vận động 100% đoàn viên và người lao động học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động, đạo đức nghề nghiệp theo kế hoạch của chuyên môn đơn vị tổ chức.
- 100% công nhân lao động ký hợp đồng lao động cá nhân, được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
- 100% đơn vị thuộc Tập đoàn có đầy đủ các quy chế quản lý và sử dụng quỹ xã hội, quỹ phúc lợi, khen thưởng, quy chế phối hợp công đoàn với chuyên môn.