Nắm bắt được điều này, trong thời gian qua, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống, việc làm, tạo điều kiện thuận lợi để mỗi nữ cán bộ đoàn viên, người lao động ổn định cuộc sống, giữ vững vai trò quan trọng trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế xã hội, nhất là trước những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0).
Lao động nữ sẽ chịu nhiều áp lực
Bà Lê Thị Đức - Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam cho biết, với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, các ngành nghề sử dụng nhiều nhân công, đặc biệt là lao động nữ như dệt may, da giầy, lắp ráp linh kiện sẽ bị dư thừa lao động bởi nhà máy thông minh sẽ thay thế lao động thủ công.
Hiện nay tại ngành Công Thương, một số đơn vị FDI, các đơn vị trong lĩnh vực sản xuất đã có sự dịch chuyển robot hóa, một số vị trí việc làm đã sử dụng công nghệ tự động hóa.
Đặc biệt, tình trạng hạn chế sử dụng lao động nữ từ 35 tuổi trở lên đang là vấn đề nổi lên trong thị trường lao động, khiến lao động nữ phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm thu nhập, thậm chí mất nguồn thu nhập.
Thu nhập mất đi, chưa kể việc tiếp cận các dịch vụ, thụ hưởng văn hóa, vui chơi giải trí của lao động nữ còn rất hạn chế, sẽ làm ảnh hưởng đến con cái, gia đình, chất lượng cuộc sống của họ.
Và do đặc điểm sinh lý tự nhiên, phụ nữ thường có sức khỏe kém hơn nam giới. Khi áp lực trong công việc và cuộc sống ngày càng đè nặng lên đôi vai, việc người phụ nữ bước ra khỏi cánh cửa gia đình để học tập, trau dồi trình độ là rất khó khăn.
Họ mất nhiều thời gian cho việc mang thai, sinh đẻ, công việc nội trợ, chăm sóc con cái. Gánh nặng gia đình làm giảm sút sự vươn lên, dễ hình thành tâm lý an phận, ngại phấn đấu và tham gia các hoạt động nâng cao trình độ cũng như củng cố các kỹ năng mềm cần thiết.
Do đó trước những thách thức của cuộc cách mạng công CMCN 4.0, lao động nữ gặp rất nhiều khó khăn.
Công đoàn ngành hỗ trợ lao động nữ
Trước tình hình khó khăn của lao động nữ, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã và sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, hiểu biết về bản chất, nội dung, những thay đổi và những thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0 đến người lao động.
“Khi nhận thức rõ về bản chất, những thách thức thì phụ nữ sẽ nhận thức tốt được vai trò, vị trí của mình trong xã hội, từ đó học tập nâng cao năng lực để có kỹ năng cao hơn, khả năng sáng tạo, linh hoạt với công việc và giao tiếp, trình độ ngoại ngữ, tin học để thích ứng với yêu cầu mới.
Đặc biệt Công đoàn cần giúp lao động nữ phát triển kỹ năng mềm đáp ứng nhu cầu của CMCN 4.0 và tham mưu với chuyên môn tổ chức các lớp đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề và đào tạo lại cho người lao động tại đơn vị thích nghi với những yêu cầu này bằng hình thức liên kết với khối trường đào tạo.
Công đoàn cần khen thưởng kịp thời và nhân rộng mô hình đào tạo, giúp đỡ nhau nâng cao trình độ trong các nhóm sản xuất để phát huy hết nội lực, hình thành kỹ năng làm việc nhóm và tiết kiệm kinh phí” - bà Lê Thị Đức - Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam cho biết.
Ngoài ra, các cấp Công đoàn Công Thương Việt Nam sẽ đẩy mạnh hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ; tham mưu tổ chức bữa ăn ca phù hợp để nâng cao thể lực, bồi bổ phần năng lượng bị mất do áp lực công việc liên tục, căng thẳng; đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “lao động sáng tạo” và các phong trào phù hợp khác để lao động nữ nhận thức và biết cân bằng hài hòa việc nước, việc nhà, có điều kiện tham gia các hoạt động tập thể, trau dồi kỹ năng sinh hoạt nhóm, tăng cảm xúc tích cực, tạo động lực sáng tạo, tinh thần đoàn kết và cải thiện năng suất lao động.
Đại diện Công đoàn Công Thương Việt Nam đề nghị các cơ quan chuyên môn chú trọng hoạt động dự báo nhu cầu nhân lực theo cơ cấu ngành nghề để lao động nói chung và lao động nữ nói riêng có kế hoạch, lựa chọn đào tạo thích hợp, tiết kiệm và hiệu quả; chính quyền các địa phương thực hiện các biện pháp để đơn giản hóa thủ tục giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư nhằm loại bỏ hộ khẩu ra khỏi thủ tục đăng ký nhập học để con lao động nữ tại địa phương cũng như lao động nhập cư được bình đẳng tiếp cận hệ thống giáo dục và y tế công lập, giảm bớt nỗi lo, ổn định cuộc sống gia đình.