Làm giàu bền lâu
Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Thái Hà Book, là Phật tử có Pháp danh Thiện Đức chia sẻ, do quan niệm của người đời quá sai khi cho rằng là doanh nhân thì phải kiếm tiền trong khi Phật tử lại không được tham, nên ông đã viết hẳn một bài báo bằng vốn hiểu biết và trải nghiệm của riêng ông để mọi người có niềm tin và khát vọng làm giàu một cách chính đáng, mang lợi ích cho mình và xã hội.
Trong bài báo ấy, ông cho biết có rất nhiều kinh Đức Phật dạy làm giàu, dạy kiếm tiền, dạy tiêu tiền, dạy phân chia tài sản, dạy lãnh đạo, dạy có tầm nhìn, dạy cách quản trị,… Cụ thể, trong một bản kinh, Đức Phật dạy cho học trò Sariputta biết do nhân gì, duyên gì mà có người buôn bán thất bại, không thành tựu như ý muốn; có người khác buôn bán thành tựu như ý muốn và thành tựu ngoài ý muốn. Đức Phật dạy rằng, có 3 hạng người với 3 cách ứng xử và có 3 loại kết quả. Thứ nhất, những người hứa hẹn giúp đỡ và đã giúp như đã hứa, dẫu buôn bán gì cũng thành tựu như ý muốn. Thứ hai, những người hứa hẹn giúp đỡ và người ấy đã cho nhiều hơn đã hứa, dù buôn bán gì cũng đạt được thành tựu ngoài ý muốn (ngoài cả ý muốn có nghĩa trên cả mong đợi và kế hoạch của mình). Thứ ba, những người hứa hẹn giúp đỡ nhưng không cho như đã hứa, dù có buôn bán gì cũng đi đến thất bại, không thành tựu như ý muốn.
Đức Phật cũng dạy muốn giàu có bền lâu và có hạnh phúc mãi mãi thì nhất định tránh xa việc kinh doanh 5 loại mặt hàng. Những lời khuyên này được ghi rất rõ trong Tăng Chi Bộ kinh. Đó là không buôn bán vũ khí, không buôn bán người, không buôn bán rượu, không buôn bán thuốc độc.
Ở một bản Kinh khác, Đức Phật dạy cho doanh nhân Anathapindika 5 lý do để gây dựng tài sản.
Thứ nhất, tài sản có được nhờ nỗ lực tinh tấn, thu góp với sức mạnh của bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi, thu được một cách hợp pháp. Tự mình làm an lạc và hoan hỷ. Làm cho cha mẹ, vợ con, người phục vụ, người làm công được an lạc và hoan hỷ.
Người học trò của Đức Phật kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn…. và vị này làm cho bạn bè, thân hữu an lạc và hoan hỷ. Đây là lý do thứ hai để gây dựng tài sản.
Người học trò của Đức Phật kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn…. thì các tai họa để trở thành trắng tay bị chặn đứng và vị ấy giữ tài sản được an toàn cho vị ấy. Đây là lý do thứ ba để gây dựng tài sản.
Người học trò của Đức Phật kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn…. thì vị ấy có thể hiến cúng cho bà con, cho khách, cho hương linh đã chết, hiến cúng cho vua và chư Thiên. Đây là lý do thứ tư để gây dựng tài sản.
Người học trò của Đức Phật kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn…. mà vị ấy tổ chức cúng dường các vị thầy xuất gia, các vị Bà La Môn. Sự cúng dường tối thượng này đưa đến phước báu vô lượng ở cõi người, cõi trời. Đây là lý do thứ năm để gây dựng tài sản.
Bài báo của TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Thái Hà Book - Phật tử có Pháp danh Thiện Đức nhận được sự quan tâm của công chúng, vì những thành công và sự phát triển bền vững của Công ty Thái Hà Book thời gian qua được doanh nhân Nguyễn Mạnh Hùng - Phật tử Thiện Đức chia sẻ - xuất phát từ những lời dạy của Đức Phật.
Minh bạch hóa thị trường
Một Phật tử khác, đồng thời là Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng chiến lược tập đoàn TH Thái Hương có pháp danh Diệu Huệ được vinh danh là gương mặt phụ nữ nổi bật trong lĩnh vực kinh doanh và hoạt động xã hội theo tạp chí Forbes, bật mí, trong kinh doanh, khi xây dựng thương hiệu bao giờ bà cũng chú trọng những giá trị cốt lõi. Tập đoàn TH do bà sáng lập đã thành công với nhiều thương hiệu-khởi đầu là sữa tươi sạch TH True Milk, sau đó là hàng loạt thương hiệu thực phẩm, đồ uống được chế biến từ nguyên liệu là sản phẩm nông nghiệp an toàn, sạch, hữu cơ... Theo bà, khi một thương hiệu ra đời, cần nâng niu nó, và xác định cho nó phẩm hạnh gắn với chữ Thiện. Điều này xuyên suốt trong chiến lược của TH với những giá trị cốt lõi: “Vì sức khỏe cộng đồng”, “Hoàn toàn từ thiên nhiên”, “Tươi – Ngon- Bổ dưỡng”, “Thân thiện với môi trường”, “Tư duy vượt trội và hài hòa lợi ích”. Với bà, các giá trị cốt lõi này chính là sự cam kết với cộng đồng và là tiêu chí tối thượng trong kinh doanh.
Bà từng khẳng định, nếu bạn có ánh sáng của Phật pháp soi rọi, bạn chỉ việc thuận theo Phật pháp. Và luôn nhớ, hãy tĩnh trong lòng để nhìn nhận rõ vấn đề. Khi nhìn rõ vấn đề, không gì là không có cách giải quyết.
Có lẽ vì chữ “tĩnh” trong lòng mà bà Thái Hương đã nhìn ra vấn đề sự minh bạch của thị trường. Bà cho biết, ý tưởng khởi dựng TH true MILK lóe sáng trong khoảnh khắc bà xem bản tin về hàng triệu trẻ em có nguy cơ chảy máu thận do sử dụng sữa bột nhiễm melamine tại Trung Quốc năm 2008. Bà quyết định làm sữa tươi thật (true milk) cho trẻ em Việt, cho người tiêu dùng Việt. Khi bắt tay vào sản xuất, kinh doanh, bà nhận thấy các văn bản pháp quy quản lý chất lượng sữa tại Việt Nam còn nhiều lỗ hổng. Thời điểm những năm 2010, quy chuẩn quốc gia về sữa dạng lỏng (QCVN 5-1:2010/BYT) không ràng buộc nhà sản xuất phải ghi rõ nguyên liệu đầu vào. Trong đó sữa nước chế biến từ sữa bột pha lại (sữa hoàn nguyên) được ghi trên nhãn mác là “Sữa tiệt trùng”. “Tiệt trùng” vốn là từ miêu tả công nghệ sản xuất, chứ không phải tên gọi của nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm. Với cách gọi lập lờ “sữa tiệt trùng”, người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn giữa sữa tươi thật và sữa bột pha lại.
Trong nhiều năm, bà Thái Hương đã kiên trì lên tiếng ở hàng trăm cuộc hội thảo, hội nghị, gửi công văn lên Quốc hội, đưa kiến nghị nhằm thay đổi QCVN 5-1:2010, minh bạch hóa thị trường sữa. Bà đề xuất: Doanh nghiệp phải ghi rõ xuất xứ nguyên liệu đầu vào trên bao bì sản phẩm là sữa tươi hay sữa bột pha lại và Cơ quan chức năng cần tiến hành rà soát, kiểm tra, phân loại các sản phẩm sữa đang lưu hành trên thị trường; xử lí nghiêm ngặt khi có vi phạm. Bà cùng Tập đoàn TH đã góp phần thúc đẩy việc ban hành Thông tư 29/2017/TT-BNNPTNT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm sữa tươi nguyên liệu, phát triển ngành chăn nuôi bò sữa theo hướng chất lượng, bài bản.
Thuận theo lời dạy của Đức Phật, tài sản do mình làm ra cần được chia thành bốn phần. Một phần tài sản để chi tiêu cho cuộc sống. Hai phần tư của khối tài sản cần để đầu tư sản xuất hoặc kinh doanh. Một phần tư tài sản được để dành phòng khi ốm đau hoặc bất trắc; một phần của khoản để dành này có thể đem cúng dường, bố thí, giúp người cùng với các chi phí giao tế khác, Bà Thái Hương và TH người tiên phong, đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam thực hiện các chương trình an sinh xã hội lớn, các hoạt động xã hội, xoá đói giảm nghèo, phòng chống dịch bệnh… đặc biệt là chương trình Sữa học đường Quốc gia và chương trình Sức khỏe Học đường Quốc gia, góp phần cải thiện thể lực, tầm vóc người Việt.
Ở Việt Nam có nhiều Phật tử là là doanh nhân thành đạt như TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Thái Hà Book, Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, Phạm Minh Hương- Chủ tịch CTCP chứng khoán Vndirect, Nguyễn Thị Kim Thúy – Chủ tịch Công ty TNHH Đỉnh Vàng, Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Vietjet, Chủ tịch Intracom Nguyễn Thanh Việt… Các doanh nhân Phật tử ấy đã làm nên một cộng đồng doanh nhân Phật tử. Bên cạnh công việc bận rộn của một doanh nhân, bên cạnh trọng trách của doanh nhân về công ăn việc làm trước hàng ngàn lao động, họ được bồi dưỡng về trách nhiệm xã hội của một doanh nhân - Phật tử, mà trước hết là trách nhiệm truyền cảm hứng làm giàu chính đáng tới toàn thể cộng đồng.
Nét đặc biệt của việc truyền cảm hứng ấy, chính là các doanh nhân đã lấy những lời dạy của Phật về phương pháp làm giàu cộng với những trải nghiệm thực tế của họ. Từ đấy, tạo sức lan tỏa rộng khắp, mạnh mẽ trong toàn xã hội.