Công nghiệp hỗ trợ được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm

Ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam thực sự có tiềm năng và ý nghĩa, có nguồn lực năng động và nhiệt tình. Tuy nhiên, thách thức hiện nay là công nghệ, bí quyết sản xuất và mạng lưới kinh doanh,
Thông tin trên, được ông Duang Yuaikwarmdee, phó Giám đốc điều hành kiêm Tổng giám đốc tại Việt Nam Công ty Reed Tradex, chia sẽ nhân lễ khai mạc 4 sự kiện lớn cho ngành CNHT, được đồng tổ chức tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC) – thành phố Hồ Chí Minh vào sáng nay, ngày 9/10/2014.

Ông Duang Yuaikwarmdee Phó Giám đốc ĐH Công ty Reed Tradex

Đến tham dự và cắt băng khai mạc, có ông Tất Thành Cang Phó Chủ tịch UBND thành phố, ông Soichi Yoshimura Phó Giám đốc điều hành Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO HQ), ông Nguyễn Tuấn Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) và ông Duang Yuaikwarmdee, phó Giám đốc điều hành kiêm Tổng giám đốc tại Việt Nam Công ty Reed Tradex.

Theo số liệu của Ban tổ chức, 4 triển lãm lớn lần này đã mang đến hơn 10 ngàn nhà sản xuất trên khắp Việt Nam và nhiều quốc gia với các công nghệ mới từ: 700 thương hiệu hàng đầu đến từ 30 quốc gia về máy công cụ và công nghệ gia công kim loại; 200 thương hiệu hàng đầu cho ngành chế tạo điện tử; 9 khu gian hàng quốc tế: Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Chính quyền thành phố Tokyo và Hà Nội.

Lãnh đạo thành phố tham quan các gian hàng trong triển lãm

Ngoài ra, còn có 104 công ty Nhật Bản và Việt Nam tham dự triển lãm “ Liên minh các ngành CNHT Việt Nam 2014” tập trung vào 5 lĩnh vực chính của ngành CNHT gồm: Khuôn dập; Khuôn đúc, Phụ tùng điện & điện tử; Phụ tùng động cơ phương tiện giao thông và Gia công kim loại, xử lý nhiệt và xử lý bề mặt.

Cũng theo ông Duang Yuaikwarmdee, ngành CNHT tại Việt Nam luôn được các doanh nghiệp trong ngành đặc biệt chú ý quan tâm, được thể hiện qua sự kiện triển lãm “Vietnam Manufacturing Expo” vào tháng 8 vừa qua tại Hà Nội, cách thức các doanh nghiệp, khách chuyên ngành tham quan, tham dự vào các nội dung của triển lãm, bất kể mục đích quan tâm tới các công nghệ mới, yêu cầu đối với đơn vị trưng bày hay trao đổi thông tin, liên hệ, đều có chung mong muốn đóng góp vào sự phát triển.

Máy khắc Laser công nghiệp của Công ty Nam Sơn SX được giới thiệu tại triển lãm Còn theo điều tra của JETRO, thì hiện tại tỷ lệ cung ứng nội địa của doanh nghiệp FDI Nhật Bản tại Việt Nam là 32.2%, trong đó tỷ lệ cung ứng từ các doanh nghiệp Việt Nam ở miền Nam là 14.8%, miền Bắc là 11.7%, mức độ phát triển CNHT ở miền Nam là nhanh chóng.

Ông Nguyễn Tuấn Phó Giám đốc ITPC phát biểu tại triển lãm

Ông Soichi Yoshimura Phó Giám đốc điều hành Tổ chức JETRO HQ, chia sẽ thêm, hiện nay, các công ty Nhật Bản đang đặc biệt quan tâm tới việc kinh doanh tại Việt Nam, số lượng các nhà sản xuất Nhật Bản trên thị trường ngày càng gia tăng. Năm 2013, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 22,4 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư từ các công ty Nhật Bản chiếm 26% tổng vốn FDI vào Việt Nam với 500 dự án.

Tuy nhiên, sự khó khăn trong việc mua phụ tùng trong nước, luôn là một thách thức quan trọng mà các công ty Nhật Bản phải đối mặt khi hoạt động tại Việt Nam, theo một nghiên cứu được tiến hành qua nhiều năm, tỷ lệ phụ tùng mà các công ty Nhật Bản mua tại Việt Nam chỉ chiếm 32%, trong khi mua tại Trung Quốc chiếm 64% và 53% tại Thái Lan. Điều này, dẫn đến việc các công ty Nhật Bản phải nhập khẩu các phụ tùng cần thiết từ Nhật Bản hoặc các nước láng giềng của Việt Nam. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh XK, mà còn ảnh hưởng tới lợi ích kinh doanh của Việt Nam. Ông Soichi Yoshimura nhấn mạnh.

Để hỗ trợ điều này, 1 điểm từ trước đến nay chưa từng có, là tháng 7 vừa qua, “ Diễn đàn CNHT Nhật – Việt” được thành lập do JETRO và Ban Quản lý các KCX – KCN thành phố (HEPZA), làm đồng Chủ tịch, có trách nhiệm làm động lực phát triển cho CNHT ở miền Nam Việt Nam, diễn đàn là chủ thể thực hiện thúc đẩy các hoạt động, cụ thể như; Phát triển nhân lực, hội thảo, kết nối thương mại… .Tổ chức diễn đàn này, hiện đang chuẩn bị Thư đóng góp ý kiến của mình về chính sách phát triển CNHT do Bộ Công Thương dự thảo, để đệ trình lên Chính phủ.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC cho biết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố giai đoạn 2011 – 2015 đã được triển khai và đạt được những kết quả tích cực, hàng hóa XK ngày càng nâng cao chất lượng, có vị thế trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra khi kim ngạch XK và chất lượng sản phẩm chưa ổn định và thiếu tính bền vững, tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng còn thấp.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng XK cao và bền vững trong giai đoạn tới, thành phố đã và đang có những định hướng phát triển XK với các giải pháp khả thi, nhằm chuyển dịch nhanh cơ cấu XK phù hợp với thế mạnh của thành phố, trong đó đặc biệt quan tâm đến ngành CNHT là nhiệm vụ chiến lược, với mục tiêu đến năm 2020, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao không chỉ đáp ứng được nhu cầu trong nước mà còn nâng tỷ trọng XK.

Theo đó, thành phố Hồ Chí Minh đã và đang xây dựng những chính sách phát triển ngành CNHT, cụ thể là thúc đẩy quá trình nội địa hóa sản phẩm công nghệ cao, bằng các giải pháp như hình thành và phát triển thị trường (chợ) CNHT sản phẩm công nghệ cao, trong Khu công nghệ cao thành phố và các Khu công nghiệp của thành phố; Giảm các loại thuế linh kiện nhập khẩu, cấp vốn và tạo điều kiện đổi mới công nghệ tại những cơ sở SX, kêu gọi đầu tư FDI vào việc SX trong các ngành CNHT tại thành phố.

Tôi hy vọng rằng, 4 sự kiện lớn này, sẽ giúp cho các doanh nghiệp tìm thêm nhiều đối tác mới, học hỏi các công nghệ tiên tiến, góp phần định hướng chiến lược kinh doanh trong thời gian tới. Ngoài ra, sự kiện này, cũng là một trong những hoạt động nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển ngành CNHT trên địa bàn thành phố gia đoạn 2011 – 2015 và những năm kế tiếp theo chỉ đạo của UBND thành phố.