Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương: Sẽ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phụ trợ tiếp cận tín dụng
Năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nghị quyết có rất nhiều điểm nhấn, nhưng tôi chỉ muốn nói một điểm nhấn mà các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đều rất quan tâm. Đó là việc hỗ trợ bằng tín dụng. Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và các sản phẩm cơ khí trọng điểm sẽ được hỗ trợ cấp bù chênh lệch lãi suất, tối đa 5%/năm.
Đây là vấn đề mà chúng tôi cho rằng thực sự rất cần thiết và quan trọng đối với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam đều được sự hỗ trợ rất lớn từ các Tập đoàn mẹ hoặc các tổ chức tài chính của nước sở tại, lãi suất rất thấp. Trong khi đó, lãi suất trong nước của chúng ta là rất cao. Với chênh lệch đó, chúng ta đã thua từ khi sử dụng vốn để đầu tư dự án rồi, tức là thua ngay từ bước đầu tiên. Do vậy khi chính sách này được ban hành và đi vào cuộc sống thì tôi nghĩ sẽ hỗ trợ rất lớn, rất nhiều cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Cần sự chủ động của cả doanh nghiệp và Nhà nước
Để nắm bắt cơ hội trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng đang diễn ra, các doanh nghiệp công nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần chủ động tìm kiếm giải pháp tăng cường kết nối, tập trung đầu tư để từng bước chuyển đổi quy trình sản xuất, nâng cấp máy móc, thiết bị; đào tạo nguồn nhân lực để đẩy nhanh thay đổi quy trình công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại hơn, cải thiện hiệu quả năng suất, đổi mới công nghệ sản xuất theo đường huyết đại và từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ở phạm vi rộng hơn, Chính phủ cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh nói chung và chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ nói riêng theo hướng minh bạch, bình đẳng, thuận lợi và tiếp cận dễ nhất, tiếp cận thuận lợi nhất để khuyến khích các doanh nghiệp yên tâm và quyết tâm hơn trong đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, để nguồn lực của đất nước được huy động, phân bổ và đầu tư một cách hiệu quả, theo nguyên tắc thị trường, đáp ứng nhu cầu thị trường, của xã hội và nền kinh tế.
Ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: Đề xuất xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ và phát triển khu công nghiệp chuyên sâu
Theo tôi, để phát triển công nghiệp hỗ trợ thời gian tới, vấn đề đầu tiên và hết sức quan trọng đó là xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ. Hiện chúng tôi đang đề xuất Chính phủ sớm xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ và trình Quốc hội để ban hành trong thời gian sớm nhất. Bởi khi chúng ta có nền tảng thể chế tốt thì đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ có con đường đi đúng, và các cơ quan Bộ, ngành, Trung ương, địa phương và các Hiệp hội có được định hướng để hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn chính sách thí điểm về công nghiệp hỗ trợ sớm ra đời và có thể hỗ trợ ngay cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam về vốn, lao động, hạ tầng nhà xưởng, các khu công nghiệp chuyên sâu, cũng như kết nối đầu ra giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam với các tập đoàn đa quốc gia đang có mặt tại Việt Nam.
Ông Lê Ngọc Đức, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công (TC Group): Phát triển công nghiệp hỗ trợ để củng cố nội lực cho ngành ô tô
Trong 5 năm trở lại đây, TC Group đã và đang liên tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước với việc đầu tư mở rộng nhà máy tại Ninh Bình và đầu tư mới nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô, sản xuất linh kiện phụ trợ tại Quảng Ninh. Cũng từ năm 2020 đến nay, Tập đoàn đã nội địa hóa được các chi tiết như dây điện, thân vỏ xe,… và chính thức cung ứng cho sản xuất một số mẫu xe Hyundai tại Việt Nam.
Thời gian tới, việc hoạch định các chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô cần được xây dựng thống nhất và xuyên suốt, trong đó thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu để củng cố thêm nội lực của ngành công nghiệp ô tô. Để thực hiện được mục tiêu này, hệ thống chính sách quốc gia cũng cần phải được hội nhập quốc tế, đảm bảo phù hợp với quy định của sân chơi các nước đối tác, của khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Các quy định đã cũ cần thiết phải được cập nhật (ví dụ như cơ chế tính điểm nội địa hóa,…) để không bị tụt hậu, từ đó, các sản phẩm nội địa mới có thể bình đẳng cạnh tranh với các sản phẩm tại thị trường xuất khẩu mà không gặp phải bất cứ rào cản kỹ thuật nào.
[Quảng cáo]