Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 30/3/2022, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - Người phát ngôn Bộ Công Thương cho hay, kinh tế toàn cầu được dự báo giảm trong năm 2022 so với các dự báo đưa ra trước đó của các tổ chức quốc tế. Cuộc chiến với đại dịch Covid 19 vẫn tiếp tục tiếp diễn trên toàn cầu, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine… sẽ tạo ra một lực cản lớn đối với phục hồi kinh tế toàn cầu, tạo nên những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng và tạo áp lực lạm phát mạnh hơn; thương mại toàn cầu có xu hướng tăng, tuy nhiên sự gián đoạn nguồn cung đã làm giảm sức mạnh phục hồi của thương mại hàng hóa; giá các mặt hàng chiến lược, thiết yếu tiếp tục tăng cao, chạm các mốc kỷ lục đã ảnh hưởng đến phát triển một số ngành công nghiệp.
Trong nước, nhờ tiến độ tiêm chủng nhanh chóng, sự phục hồi kinh tế toàn cầu và một số động lực chính như: việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sự phục hồi và phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách các thủ tục hành chính, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số tại Việt Nam… đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2022, hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương đều trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Quý I/2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,07%, tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn nền kinh tế (tăng 5,03%) và tăng cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (Quý I/2021 tăng 6,44%), đóng góp 2,42 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 7,79%, đóng góp 2,05 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng tăng trưởng dương 1,23% (khai thác than tăng 3,2% và quặng kim loại tăng 5%), làm tăng 0,04 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Với các giải pháp đồng bộ hỗ trợ, khôi phục sản xuất kinh doanh nên sản xuất công nghiệp đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 3/2022 tăng 22,9% so với tháng 2 và tăng 8,5% so với cùng kỳ. Tính chung quý I/2022, sản xuất công nghiệp tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,5%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7% (cùng kỳ tăng 9,45%), ngành sản xuất phân phối điện tăng 7,1%...
Sản xuất công nghiệp được khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động trở lại, nối lại các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt. Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) tháng 2 tiếp tục tăng đạt 54,3 điểm, số lượng đơn đặt hàng mới tăng và điều kiện kinh doanh ổn định đã góp phần làm tăng sản lượng sản xuất trong nước. Tuy nhiên, ở một số ngành sản xuất do nguyên vật liệu khan hiếm, giá tăng cao đã kìm hãm sự gia tăng của sản lượng sản xuất.
Xuất khẩu tháng 3 tăng 45,5% so với tháng trước
Trong khi đó, xuất khẩu tháng 3/2022 hồi phục mạnh mẽ (tăng 45,5% so với tháng 2 và tăng 14,8% so với cùng kỳ) tăng cả về lượng và giá ở nhiều nhóm hàng, đặc biệt ở một số nhóm mặt hàng như: nông sản, dầu thô, xăng dầu, phân bón, chất dẻo..
Tính chung quý I năm nay, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của cả nước vẫn giữ được mức tăng cao (tăng 12,9% so với cùng kỳ), trong đó khu vực doanh nghiệp trong nước tăng cao (tăng 22%) so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 10%), điều này cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Quý I/2022 có 16 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 5 mặt hàng so với quý I/2021 (chiếm 83,4% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu).
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu tháng 3/2022 ước tăng ở mức cao (tăng 28,7% so với tháng 2 và tăng 14,6% so với cùng kỳ). Tính chung quý I, nhập khẩu tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu tăng do các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu để đẩy mạnh phục hồi sản xuất và do giá nhiều nguyên vật liệu tăng cao cũng là yếu tố khiến kim ngạch nhập khẩu tăng.
Với kết quả này, cán cân thương mại hàng hóa tháng 3/2022 ước tính xuất siêu 1,39 tỷ USD. Ước quý I/2022, xuất siêu 809 triệu USD (cùng kỳ xuất siêu 2,76 tỷ USD). Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,16 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 6,97 tỷ USD.
Thị trường nội địa hồi phục dần
Đặc biệt, Bộ Công Thương nhận định hoạt động thương mại dịch vụ trong nước đã từng bước khôi phục.
“Thị trường hàng hóa và đời sống của người dân dần ổn định, các điểm bán lẻ, hệ thống phân phối, nhà hàng, khách sạn, hàng quán kinh doanh ăn uống… đã mở cửa trở lại toàn hệ thống; các cơ sở kinh doanh bán hàng song song cả hình thức trực tiếp và trực tuyến đã khiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ gia tăng”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.
Tháng 3/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9,2%). Tính chung quý I, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 4,4%, nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 1,6% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2%).
Nhìn chung, hàng hóa dồi dào nhưng sức mua vẫn còn yếu, tiêu thụ hàng hóa của người dân vẫn chủ yếu tập trung vào hàng hóa thiết yếu như: hàng lương thực, thực phẩm, vật phẩm văn hóa giáo dục và phương tiện đi lại (mức tăng từ 5,4-11%), trong khi các nhóm hàng may mặc và đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đều giảm (từ 3,6 - 4,9%). Bên cạnh đó, xu hướng tăng giá của nhiều loại hàng hóa trong năm nay và lạm phát kỳ vọng có thể khiến người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu.
4 nhóm giải pháp đồng bộ
Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định, trong thời gian tới, hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và việc thực thi các FTAs của Việt Nam được thực thi một cách đầy đủ với thuế quan ưu đãi hơn cùng với những cam kết về tạo thuận lợi giảm thiểu các rào cản; làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài với quy mô sản xuất lớn và mạng lưới khách hàng rộng khắp sẽ là động lực mới cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, gói phục hồi kinh tế với các chính sách hỗ trợ bao gồm cả thuế, phí sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cũng sẽ có tác động tích cực đến phục hồi và tăng trưởng ở một số ngành như: thép, vật liệu xây dựng, cơ khí…
Bên cạnh đó, cầu nội địa sẽ phục hồi và gia tăng dần do nước ta đã đạt tỷ lệ tiêm phòng tương đối cao, đảm bảo người tiêu dùng có thể tham gia thị trường mua sắm an toàn hơn. Việc mở cửa du lịch trở lại sẽ kích thích mua sắm, tiêu dùng và triển vọng về tiêu dùng trong nước sẽ sáng sủa hơn do sản xuất phục hồi, người lao động trở lại làm việc, thu nhập gia tăng.
Tuy nhiên, thời gian tới, Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn như nguy cơ về gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị leo thang; giá cước vận tải ở mức cao tạo thêm khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu. Giá hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu là đầu của sản xuất tăng cao, khiến giá hàng hóa trong nước tăng và việc triển khai các gói kích thích kinh tế của Chính phủ sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế nhưng cũng đồng thời gia tăng áp lực lạm phát
Trong bối cảnh này, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục triển khai 4 nhóm giải pháp đồng bộ trong những tháng tới:
Một là, triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 và Chương trình phục hồi kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo... tạo giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp.
Hai là, hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới. Cùng với các Bộ, ngành liên quan, các địa phương biên giới phía Bắc tiếp tục giao thiệp, trao đổi thường xuyên với phía Trung Quốc để bàn bạc các giải pháp nhằm tháo gỡ ùn tắc, tăng hiệu suất thông quan, hướng đến thông quan thông suốt ổn định lâu dài.
Ba là, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát thủ tục, quy trình cấp phép, thực hiện tối đa việc cấp phép trực tuyến đảm bảo đơn giản, công khai, minh bạch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.