Hiện Công ty có 2 xí nghiệp chính là Xí nghiệp Vải mành: sản xuất các loại vải mành, vải mành nhúng keo sử dụng cho công nghiệp cao su, giao thông và Xí nghiệp Vải không dệt: sản xuất các loại vải không dệt sử dụng trong các ngành giao thông, xây dựng, cầu đường… Để phục vụ cho hoạt động sản xuất, Công ty sử dụng 2 loại năng lượng chính là điện và nhiệt. Năm 2012, chi phí tiền điện gần 8 tỷ đồng, chi phí than cho lò hơi xấp xỉ 5 tỷ đồng.
Nhận thấy lượng tiêu thụ năng lượng trong Công ty là rất lớn, chiếm đến 5% giá thành sản xuất sản phẩm, nên ban lãnh đạo doanh nghiệp rất chú trọng đến việc tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng có hiệu quả, tránh lãng phí, nhằm giảm chi phí sản xuất và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Năm 2006, Công ty đã thành lập một tiểu ban tiết kiệm điện, chịu trách nhiệm triển khai các chương trình tiết kiệm điện đến các phân xưởng, bộ phận và các phòng ban trong Công ty. Năm 2009, sau khi kết hợp với Sở Công nghiệp Hà Nội và Viện Khoa học & Công nghệ Nhiệt lạnh - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, thực hiện kiểm toán năng lượng, Công ty đã thực hiện một số giải pháp như cải tạo hệ thống chiếu sáng, thay dần bóng đèn huỳnh quang T10 40W chấn lưu sắt từ bằng bóng đèn huỳnh quang T8 36W chấn lưu điện tử và thay thế một số chóa đèn có độ phản quang tốt, lắp thêm các công tắc đóng ngắt theo cụm dãy đảm bảo chiếu sáng hợp lý. Ngoài ra, Công ty còn tiến hành lắp đặt dây chuyền công nghệ mới với hiệu suất cao để tránh tổn thất năng lượng do máy móc công nghệ cũ lạc hậu.
Năm 2012, được sự tư vấn của các chuyên gia kiểm toán từ Công ty Systech Eco, sau khi đã đưa ra phân tích, đánh giá về tình hình tiêu thụ năng lượng và tư vấn thêm các giải pháp mới, Công ty đã tiếp tục thực hiện một số giải pháp để khai thác tối đa các tiềm năng tiết kiệm năng lượng. Các biện pháp quản lý được thực hiện bao gồm: Bố trí lại lao động, thực hiện làm việc theo ca kíp, tránh sử dụng nhiều điện vào giờ cao điểm. Việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế thiết bị được quản lý theo tiêu chuẩn ISO, đồng thời xây dựng cơ chế quản lý năng lượng dựa trên việc đưa ra các định mức tiêu thụ năng lượng. Đối với hệ thống chiếu sáng, Công ty tiến hành thay 226 bóng đèn huỳnh quang T8 36W bằng bóng đèn huỳnh quang T5 28W và thay thế một số chóa đèn có độ phản quang tốt hơn, giúp tiết kiệm 35% năng lượng chiếu sáng; thay thế bóng đèn cao áp halogen thành bóng natri giúp tiết kiệm 40% điện năng tiêu thụ. Tổng giá trị tiết kiệm ước tính hơn 33 triệu đồng mỗi năm.
Tại Xí nghiệp Vải không dệt, Công ty đã cải tạo để tăng cường tận dụng hoàn toàn ánh sáng tự nhiên vào ban ngày, giúp tiết kiệm 9,8 triệu đồng mỗi năm. Lắp đặt biến tần quạt hồi gió lò dầu giúp điều chỉnh lưu lượng gió khi sử dụng nguyên liệu trấu ép giúp tiết kiệm 23% nhiên liệu, tương đương với số tiền tiết kiệm là 9,8 triệu đồng hàng năm. Tiến hành cải tạo bọc bảo ôn toàn bộ hệ thống đường ống dẫn nhiệt của lò hơi, thay thế và sửa chữa các khu vực bảo ôn đã hỏng hoặc thất thoát nhiệt giúp tiết kiệm 24 triệu đồng mỗi năm. Lắp đặt thêm hệ thống quạt thổi làm mát cho hệ thống thông gió nhà xưởng, giúp giảm nhiệt độ khu vực sản xuất từ 47o C xuống 32 o C, tạo môi trường làm việc thông thoáng cho người lao động, tăng năng suất chất lượng sản phẩm. Một trong những giải pháp chính được thực hiện và kỳ vọng mang lại hiệu quả đặc biệt là lắp đặt biến tần điều khiển động cơ cho quạt cấp nhiệt 75kW của hệ thống sấy vải nhúng keo có thể giúp tiết kiệm tới 25% năng lượng cho động cơ.
Sau 2 tháng chạy thử nghiệm các giải pháp mà Công ty Systech Eco tư vấn, Công ty CP Dệt Công nghiệp Hà Nội đã mời các chuyên gia kiểm toán năng lượng từ Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội đánh giá hiệu quả tiết kiệm năng lượng của các giải pháp. Kết quả kiểm toán cho thấy, trong điều kiện vận hành thực tế, phần lớn các giải pháp đều cho hiệu quả tiết kiệm năng lượng gần đúng với số liệu kiểm toán trước khi đầu tư; trong đó giải pháp lắp biến tần cho động cơ quạt cấp nhiệt khu vực nhúng keo của Xí nghiệp May giúp tiết kiệm năng lượng nhiều nhất, xấp xỉ 58 triệu đồng mỗi năm, với thời gian hoàn vốn là 2,25 năm.
Từ những hiệu quả đã đạt được, trong tương lai, Công ty CP Dệt Công nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư lắp biến tần cho 3 động cơ quạt cấp nhiệt còn lại, lắp biến tần cho các bơm có công suất lớn và thay thế dần đèn T8 thành T5 để đảm bảo tối ưu hóa hiệu suất hoạt động của thiết bị và hiệu quả sử dụng năng lượng.
Đây là hướng đi phù hợp và tất yếu cho bất kỳ doanh nghiệp dệt may nào hướng đến phát triển bền vững. Với hướng đi này, doanh nghiệp cũng đồng thời thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình, góp phần giảm tác động xấu tới môi trường, giúp bảo tồn tài nguyên, góp phần phát triển thương hiệu của ngành Dệt - May Việt Nam và ổn định sự phát triển kinh tế chung của cả nước