Để đạt được điều đó, việc đổi mới mô hình đầu tư trực tiếp được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu.
Đầu tư vùng nguyên liệu thuốc lá
Phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá là một đòi hỏi tất yếu đối với ngành thuốc lá Việt Nam. Và để có vùng nguyên liệu thuốc lá với những sản phẩm chất lượng, đáp ứng những mục tiêu phát triển chiến lược cũng như đảm bảo được sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường thì Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam - Vinataba (TCT) là đơn vị chủ đạo được Chính phủ giao phó; trong đó việc thực hiện trực tiếp được giao cho các công ty thuộc hệ thống như Công ty CP Ngân Sơn, Công ty CP Hòa Việt, Công ty TNHH MTV Viện Thuốc lá, Công ty Thuốc lá Bến Tre.
Riêng đối với Công ty CP Ngân Sơn, là một trong những đơn vị có bề dày lâu năm trong việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá. Hiện Công ty đang quản lý vùng nguyên liệu thuốc lá tại các tỉnh: Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Bắc Giang, với tổng diện tích gần 4.000 ha. Trong đó chủ yếu tập trung tại các huyện: Ngân Sơn, Na Rì, Chợ Đồn, Chợ Mới tỉnh Bắc Kạn; Chi Lăng, Văn Quan, Hữu Lũng, Bắc Sơn, Bình Gia tỉnh Lạng Sơn.
Từ vài năm trở về trước, việc đầu tư tại các vùng nguyên liệu thuốc lá thường theo hình thức đầu tư đại trà. Theo đó, Công ty ký hợp đồng thu mua nguyên liệu cây thuốc lá với người nông dân. Theo hợp đồng, Công ty chịu trách nhiệm cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ, hướng dẫn gieo trồng và thu mua nguyên liệu thuốc lá theo giá thỏa thuận. Với phương thức này đã dẫn đến tình trạng việc đầu tư thì cứ đầu tư; còn phát triển vùng nguyên liệu đạt chất lượng thế nào, khi thu mua nguyên liệu đạt hiệu quả ra sao thì khó mà đảm bảo được. Điều này dẫn tới tình trạng khi bị tư thương ép giá, người dân sẽ bán cho những người mua giá cao để hưởng lợi. Hàng năm, cứ đến mỗi vụ thu mua nguyên liệu thuốc lá, Công ty phải cạnh tranh với tư thương, phải chấp nhận mua nguyên liệu thuốc lá với giá bị đội lên rất cao. Nhưng nếu năm nào nguyên liệu thuốc lá bị ế ẩm, Công ty vẫn phải mua hết số nguyên liệu thuốc lá theo hợp đồng với người nông dân. Đây chính là một “nghịch lý” diễn ra thường xuyên hết năm này qua năm khác, gây thiệt hại không nhỏ cho Công ty.
Và sự đổi mới
Với phương châm đổi mới tư duy trong kinh doanh, lấy hiệu quả thiết thực làm trọng tâm nên trong vài năm trở lại đây, Công ty đã có sự thay đổi về phương thức đầu tư: Đó là đầu tư trực tiếp theo nhu cầu thực tế tại vùng trồng nguyên liệu; song song với đó là áp dụng nhiều biện pháp để giúp người nông dân nâng cao hiệu quả vùng trồng nguyên liệu, nâng cao hiệu quả trong quá trình hái, sấy cây thuốc lá. Theo ông Nguyễn Thanh Mẫn, Giám đốc Chi nhánh Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn), thuộc Công ty CP Ngân Sơn cho biết:
Trong vài năm trở lại đây, vùng trồng thuốc lá đã có sự phát triển đáng kể, cả về chất và lượng. Năm 2016 có 170 ha đầu tư trực tiếp; 2017 có 320 ha. Riêng năm 2018, Công ty giao chi nhánh triển khai trồng 1080 ha cây thuốc lá, trong đó khoảng 814 ha là đầu tư trực tiếp; đã thu mua được 1289 tấn nguyên liệu thuốc lá; thu nhập bình quân 10,9 triệu đồng/người/tháng. Để theo dõi sát sao vùng đầu tư trực tiếp, chi nhánh thành lập các tổ, trong đó các cán bộ ở luôn trong vùng nguyên liệu đó để trực tiếp cùng người nông dân thực hiện mọi công đoạn từ khi gieo trồng đến lúc hái, sấy. Trung bình cứ mỗi người phụ trách khoảng 30 ha, từ chi nhánh đến điểm xa nhất khoảng 100 km.
Ông Mẫn cũng cho biết thêm, một điều nổi bật rất đáng mừng giúp người dân trên địa bàn nâng cao hiệu quả trong quá trình sấy nguyên liệu thuốc lá, là trong vụ mùa 2018 đã triển khai xây dựng lò sấy thuốc lá theo công nghệ “thoát ẩm qua đường ống khói”. Và trong vụ mùa năm 2019, dự kiến xây 211 lò, trong đó đã hoàn thành 135 lò; dự kiến đến năm 2022 sẽ chuyển đổi toàn bộ 2636 lò cũ theo kiểu lò mới. Đây là thành quả của các chuyên gia thuộc Công ty TNHH MTV Viện Thuốc lá đã dày công nghiên cứu từ nhiều năm nay. Đánh giá về chất lượng lò sấy theo công nghệ mới, ông Chu Văn Luân (thôn Cốc Lải, xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) cho biết:
Gia đình ông trồng khoảng gần 1 ha thuốc lá. Vào đầu năm 2018, gia đình ông đã xây 1 lò. Lò dễ sử dụng, tiêu thụ rất ít củi (tiết kiệm được khoảng 50% so với lò cũ), tiết kiệm được nhiều công sức, chất lượng thuốc sấy gần như chín đều 100%, không bị đọng nước (trước đây lò cũ sấy bị hỏng rất nhiều). Với những tiện ích đó, vừa qua gia đình ông đã xây thêm 1 lò nữa.
Đánh giá về định hướng phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá của Công ty CP Ngân Sơn trong những năm tới, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty cho biết: Sẽ đầu tư trực tiếp mạnh mẽ vào các khâu kỹ thuật, công tác hái sấy và bảo quản nguyên liệu sau hái sấy. Giao mỗi chi nhánh quản lý khoảng 1.000 ha; khi ổn định được phần diện tích đạt các tiêu chuẩn theo yêu cầu, lúc đó mới mở rộng thêm diện tích trồng. Do giống thuốc lá đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu suất nên để đảm bảo hiệu suất cao nhất, cứ vài năm, công ty lại có sự điều chỉnh về giống và hiện đang sử dụng các loại giống C91, GL7 và đang thử nghiệm giống D65.
Theo báo cáo của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 112 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá nguyên liệu; 12 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chế biến nguyên liệu thuốc lá với năng lực chế biến toàn ngành 174.550 tấn/năm. Nguyên liệu chính trồng trong nước gồm 3 chủng loại chính: Vàng sấy, Nâu và Burley. Theo Quy hoạch phát triển sản phẩm thuốc lá và phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá Việt Nam đến năm 2020, diện tích và sản lượng thuốc lá trong nước khoảng 31.960 ha, tương đương 75.500 tấn.
Trong 4 năm trở lại đây, diện tích trồng trong nước có xu hướng giảm, ước tổng diện tích đầu tư chỉ còn từ 10.000 -12.000 ha tại 06 vùng trồng chính (Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn khu vực phía bắc và Tây Ninh, Gia Lai, Đắc Lắk khu vực phía nam). Để phát triển vùng trồng nguyên liệu thuốc lá theo hướng bền vững, TCT đã đưa ra chiến lược. Và một trong những giải pháp là tạo sự gắn kết giữa đơn vị sản xuất thuốc lá điếu với các đơn vị trồng nguyên liệu thuốc lá, thông qua hợp đồng. Theo đó, đơn vị sản xuất thuốc lá điếu hỗ trợ một phần vốn ban đầu, xác định sản lượng ban đầu để đầu tư vùng nguyên liệu, mua tối thiểu 50% nguyên liệu. Ngoài ra, hàng năm TCT cũng đầu tư nhiều kinh phí để phục vụ cho các công trình nghiên cứu về giống, thuốc bảo vệ thực vật, công nghệ hái sấy nguyên liệu thuốc lá...
Đi qua những cánh đồng nguyên liệu thuốc lá thuộc Chi nhánh Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn), ông Nguyễn Xuân Phương, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Tổng Giám đốc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam chia sẻ “Đã lâu lắm rồi! nay Bắc Sơn mới có những cánh đồng thuốc lá đẹp thế này”.