Nâng dần tỉ lệ cây keo mô
Đất Hàm Yên thuộc tỉnh Tuyên Quang được coi là nơi thích hợp trồng cây nguyên liệu giấy. Trên địa bàn tỉnh này, ngoài 5 đơn vị do địa phương quản lý thì có 3 đơn vị trực thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam là Công ty Lâm nghiệp Hàm Yên, Tân Phong và Tân Thành. Tại Hàm Yên, Công ty đang quản lý 3.069 ha đất, trong đó có có 1.700 ha là rừng nguyên liệu giấy.
Rừng keo mô tròn 1 năm tuổi đã xanh ngút mắtCả Công ty có 3 phòng chuyên môn và 5 đội sản xuất, mỗi đội quản lý xấp xỉ 400 ha rừng. Với chu kỳ 7 năm của cây nguyên liệu giấy, mỗi năm Công ty trồng mới và khai thác 250 ha rừng, bình quân thu hoạch 18-20.000 m3 gỗ, có năm đột xuất lên 24-25.000 m3. Theo ông Chu Thanh Chuông, năm 2016 Công ty khai thác được 17.000 m3 gỗ, đạt doanh thu hơn 20 tỉ, nộp ngân sách 224 triệu đồng.
Để đảm bảo rừng được chăm sóc với trách nhiệm cao nhất, người trồng rừng bây giờ đều nhận cơ chế khoán. Tức là Công ty không đầu tư 100% mà chỉ đầu tư 50-70%, còn 30-50% người lao động bỏ ra. Công ty khoán mỗi ha rừng thu về 55 m3 gỗ, nếu hơn thì người lao động được hưởng. Do đó, công nhân phải tập trung tăng năng suất, tăng càng nhiều được hưởng càng nhiều, cá biệt có nơi trồng đạt năng suất tới 90 m3/ha. Ông Chuông cũng cho biết, trong giai đoạn đầu khi trồng cây giống rất quan trọng nên để có lợi nhất cho người lao động, Công ty cử cán bộ kỹ thuật giám sát, nhắc nhở thường xuyên để đảm bảo công nhân trồng đúng qui trình, từ khoảng cách đến độ sâu hố, rồi phân bón, chăm sóc thế nào cho chuẩn. Còn phòng kế hoạch thì phải cân đối từng lô rừng, làm thế nào để phù hợp vốn đất, phù hợp người lao động, nhằm tạo được năng suất cao nhất. Sau 3 năm thử nghiệm trồng cây keo mô, thấy cây dai, không bị gãy, thân cây cứng, hạn chế bị côn trùng phá, dự đoán thu hoạch được 900-1.000 cây/ha so với 600-700 cây/ha của cây keo giâm hom, nên thời gian tới Công ty dự tính chuyển đổi nâng tỉ lệ trồng cây keo mô lên cao hơn so với tỉ lệ hiện đang là 40% keo mô và 60% keo giâm hom.
Ông Chu Thanh Chuông – Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Hàm Yên
Bám đất trồng rừng
Đặc thù của người trồng rừng là chỉ vất vả 3 năm đầu khi trồng và chăm sóc cây non, 4 năm tiếp theo là quản lý và bảo vệ. Ngoài vụ cao điểm trồng cây, bón phân, thời gian còn lại, người công nhân có thể làm nhiều việc khác cải thiện kinh tế gia đình. Và nghề trồng cam ở Hàm Yên chính là động lực để người trồng rừng có thêm nguồn thu duy trì cuộc sống theo phương thức “lấy ngắn nuôi dài”.
Nhà ở ngay bìa rừng, anh Phạm Văn Quân là 1 trong số 66 công nhân lao động trực tiếp của Công ty Lâm nghiệp Hàm Yên, thuộc đội 44. Anh Quân cho biết, vào vụ trồng cây, anh huy động tất cả nhân lực trong gia đình từ bố mẹ, anh em vào rừng làm việc. Còn ngày thường, anh lại cùng vợ chăm lo công việc đồng áng, vườn ao chuồng. Chỉ tay vào ngọn đồi xanh mát trước mặt, anh Quân kể “chị xem, ngọn đồi cao thế kia nhưng làm gì có đường. Chúng em cứ cắt thẳng đường mà lên. Trời nắng thế này vẫn mỗi người cõng trên vai một bao phân NPK Lâm Thao 50 cân, 1 ha là 5 tạ phân, cứ thế mà cõng. Đường bằng đi đã khó, đây lại là leo dốc nên cứ phải cúi còng người xuống bám đất leo lên, nhọc nhằn lắm chị ạ”.
Chuẩn bị cho một vụ trồng rừng mới. Ảnh: Công ty Lâm nghiệp Hàm YênPhó giám đốc Nguyễn Xuân Thọ cho biết thêm, làm xong anh em công nhân còn phải thu gọn các loại rác phế thải, tập kết về Công ty thiêu hủy vì Công ty có tham gia chương trình phát triển rừng bền vững FSC nên phải tuân thủ các nguyên tắc về trồng và khai thác rừng theo chuẩn quốc tế.
Càng khó càng quyết tâm
Tâm sự về
những khó khăn trong công tác trồng rừng, Giám đốc Chu Thanh Chuông cho biết, tại
Hàm Yên, vấn đề đất đai tuy không nóng bỏng nhưng cũng còn rất nhiều cái khó. Theo
yêu cầu phải chừa ra 5-7m phần chân ven để bảo vệ đất nông nghiệp, nhưng hở chỗ
nào là dân trồng cam chỗ đó, Công ty không thể quản lý được. Đất là đất của
mình, họ trồng cam trên đó, đến lúc mình khai thác gỗ phải vận chuyển từ rừng
qua vườn cam, lại phải bồi thường tiền cho dân, ảnh hưởng tới chi phí sản xuất và
kết quả sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, do nghề trồng rừng vất vả, lâu thu hoạch, thu nhập chưa cao nên lãnh đạo Công ty phải luôn cố gắng tạo sự đoàn kết trong ngôi nhà chung, tạo niềm tin, sự vui vẻ cho người lao động, tạo cơ hội rất mở để CBCNV yên tâm công tác, gắn bó lâu dài. Bên cạnh việc hỗ trợ cây giống, kỹ thuật để cây trồng đúng qui trình cho năng suất cao, Công ty còn hỗ trợ việc vận chuyển gỗ từ rừng về Tổng công ty, người lao động chỉ còn bù trừ đầu vào, đầu ra để hưởng phần chênh lệch. Với chu kỳ tiếp theo, Công ty lại ưu tiên cho công nhân nhận khoán luôn tại mảnh rừng vừa khai thác. Do đó, tình cảm giữa người sử dụng lao động và người lao động luôn gắn bó, đời sống anh em ngày càng được cải thiện. Nếu như năm 2015, thu nhập bình quân người lao động là 3 triệu đồng/tháng thì năm 2016 đã lên 5,7 triệu đồng/tháng, với mức khoán trung bình mỗi hộ 2 ha/năm.
Trồng rừng là công việc muôn thuở của ngành Giấy, nhằm chủ động nguồn nguyên liệu, tăng tỉ lệ nội địa hóa. Những khó khăn của người trồng rừng Hàm Yên cũng là những khó khăn chung của những người trồng rừng nguyên liệu giấy thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam. Và chỉ có tình yêu với những cánh rừng mới có thể đem lại cho họ động lực để gắn bó với cái nghề nhọc nhằn đến vậy.