Hợp đồng Dầu khí Lô 15-1 được ký kết vào ngày 16/9/1998 khi đó gồm Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - Petrovietnam), Công ty Giám sát Hợp đồng Chia sản phẩm - PVSC (nay là Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí - PVEP) và các nhà thầu nước ngoài. Sau nhiều lần chuyển đổi, hiện nay, các nhà thầu tham gia Hợp đồng Dầu khí phía Việt Nam gồm Petrovietnam và PVEP với tỷ lệ tham gia 50%; phần còn lại thuộc các bên nước ngoài gồm Công ty Dầu khí Perenco, Tổng Công ty Dầu khí Quốc gia Hàn Quốc KNOC, Tập đoàn SK Earth On và Công ty Geopetrol Việt Nam. Công ty Liên doanh Điều hành Cửu Long là đơn vị được thành lập theo Hợp đồng Dầu khí (PC) Lô 15-1, có nhiệm vụ thực hiện các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, thẩm lượng, phát triển và khai thác dầu khí tại khu vực này.
Trong quá trình phát triển cùng ngành Dầu khí Việt Nam, tập thể lao động quốc tế Cửu Long JOC đã không ngừng nỗ lực phấn đấu với liên tiếp 6 dự án phát triển mỏ được thực hiện. Trong đó, mỏ Sư Tử Đen là mỏ được phát hiện đầu tiên và công bố thương mại vào năm 2001, đưa vào khai thác từ quý III/2003, với sản lượng khai thác khoảng 70 nghìn thùng dầu/ngày. Đây chính là mỏ đứng vị trí đầu tiên về sản lượng khai thác trong số các mỏ mà Cửu Long JOC vận hành và cũng là mỏ khai thác dầu có sản lượng đứng thứ 2 tại Việt Nam, sau mỏ Bạch Hổ.
Các phát hiện tiếp theo sau mỏ Sư Tử Đen tại Lô 15-1 lần lượt là mỏ Sư Tử Vàng (năm 2001), Sư Tử Trắng (năm 2003) và gần nhất là mỏ Sư Tử Nâu (năm 2005). Mỏ Sư Tử Vàng bắt đầu được khai thác năm 2008; Sư Tử Nâu năm 2014; riêng mỏ khí và condensate Sư Tử Trắng bắt đầu khai thác thử vào quý IV/2012, khai thác giai đoạn 1 từ quý IV/2016 và khai thác giai đoạn 2A từ quý II/2021.
Nngày 11/11/2022, Cửu Long JOC đã cán mốc sản lượng khai thác 400 triệu thùng dầu được khai thác tại cụm mỏ Sư Tử. Đây là một mốc lịch sử mang ý nghĩa to lớn cả về kinh tế, xã hội mà không nhiều nhà điều hành dầu khí có thể đạt được; đưa Cửu Long JOC trở thành nhà điều hành dầu khí thứ 2 tại Việt Nam đạt mốc sản lượng này. Sự kiện này không những có ý nghĩa quan trọng với Petrovietnam, PVEP và các đối tác nước ngoài, mà còn đánh dấu hành trình 25 năm lao động bền bỉ, nỗ lực, đầy tự hào của các thế hệ lãnh đạo và người lao động tại Cửu Long JOC.
Sau 25 năm hình thành, phát triển, từ chỗ chỉ có một giàn khai thác mỏ Sư Tử Đen vào năm 2003, đến nay, Cửu Long JOC đã vươn lên trở thành một trong những đơn vị hàng đầu tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, đứng thứ 2 về sản lượng khai thác toàn ngành với tổng sản lượng khai thác 410 triệu thùng dầu, xấp xỉ 600 tỉ bộ khối khí.
Hiện nay, dự án phát triển mỏ khí Sư Tử Trắng giai đoạn 2B, Lô 15-1 đang là một trong những dự án quan trọng của Petrovietnam, nhằm ổn định và gia tăng nguồn cung cấp khí cho khu vực Đông Nam Bộ, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về khí và các sản phẩm khí của vùng kinh tế trọng điểm năng động nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, Hợp đồng Lô 15-1 sẽ kết thúc vào tháng 9/2025, dẫn đến những hạn chế trong công tác đầu tư phát triển khai thác của các bên tham gia hợp đồng dầu khí. Trong 2 năm tới đây, Cửu Long JOC sẽ phải đối mặt với áp lực suy giảm sản lượng khai thác ngày càng lớn trước khi Dự án Sư Tử Trắng giai đoạn 2B đi vào hoạt động.
Trong điều kiện hạn chế đầu tư, hệ thống công trình khai thác ngày một tiềm ẩn nhiều nguy cơ sau nhiều năm hoạt động, cũng như các mỏ hiện hữu đang trên đà suy giảm sản lượng…, tập thể lao động quốc tế Cửu Long JOC vẫn luôn không ngừng nỗ lực, chắt chiu từng cơ hội, cố gắng triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao sản lượng khai thác dầu khí tại cụm mỏ Sư Tử. Đó là những giải pháp nhằm duy trì thời gian hoạt động liên tục tại các giàn cao nhất có thể; bảo đảm an toàn hoạt động, tối ưu kế hoạch bảo dưỡng thiết bị, đặc biệt là những thiết bị có ảnh hưởng đến sản lượng khai thác; thực hiện công tác bảo đảm năng lượng cho mỏ; rà soát các đối tượng có thể áp dụng và triển khai hiệu quả các giải pháp để gia tăng sản lượng như can thiệp giếng, xử lý vùng cận đáy giếng, lắp đặt bơm điện chìm ESP... Bằng những giải pháp này, Cửu Long JOC dự kiến sẽ gia tăng được thêm 0,47 triệu thùng dầu, hướng tới đạt mục tiêu sản lượng 13 triệu thùng dầu trong năm 2023.
Với những đóng góp đặc biệt quan trọng của Cửu Long JOC vào hoạt động thăm dò khai thác dầu khí trong nước trong suốt 25 năm qua, cùng với Luật Dầu khí 2022 đã có hiệu lực từ tháng 7/2023, Petrovietnam đang đặt ra kỳ vọng hiện thực hóa mục tiêu có Hợp đồng Dầu khí mới cho Lô 15-1 trong năm nay, qua đó mở ra triển vọng phát triển mỏ Sư Tử Trắng giai đoạn 2B. Đó cũng chính là vận hội mới để tập thể lao động quốc tế Cửu Long JOC tiếp tục giữ vững niềm tin, đồng lòng đoàn kết, nỗ lực vượt mọi khó khăn, triển khai sáng tạo, hiệu quả các giải pháp và kế hoạch điều hành sản xuất, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển trong giai đoạn tiếp theo, đem lại lợi ích lâu dài, bền vững cho đất nước cũng như các bên tham gia dự án, tiếp tục góp phần bảo vệ chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam./.