Công ty Cổ phần Container Việt Nam (mã cổ phiếu VSC - sàn HoSE) và Công ty TNHH HanExpress Việt Nam vừa ký kết hợp đồng thành lập liên doanh hoạt động trong lĩnh vực logistic.
Trong đó, HanExpress Việt Nam là chi nhánh của HanExpress - công ty được thành lập vào năm 1979 và hiện trong top 5 hãng logistics lớn nhất Hàn Quốc. HanExpress hiện có thế mạnh vượt trội trong vận chuyển nhiên liệu và hàng đông lạnh tại Hàn Quốc. Hiện HanExpress đang niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc và Chính phủ Hàn Quốc có sở hữu cổ phần tại doanh nghiệp này.
Liên doanh Container Việt Nam - HanExpress Việt Nam sẽ hoạt động trong lĩnh vực khai thác kho bãi, vận chuyển logistic, bắt đầu khai thác thị trường TP.Hồ Chí Minh sau đó mở rộng ra các địa phương khác tại phía Nam và phía Bắc.
Đại diện Container Việt Nam cho biết, liên doanh sẽ chủ yếu cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam, bao gồm các nhà sản xuất lớn của Hàn Quốc.
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, tổng vốn đăng ký đầu tư của Hàn Quốc trong năm 2023 đạt hơn 4,4 tỷ USD với 472 dự án mới; chiếm 12% tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và điều chỉnh vào Việt Nam trong năm 2023. Qua đó, quốc gia này xếp thứ 4 về quy mô đầu tư trong số 111 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam trong năm ngoái.
Tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng gần 2 lần chỉ sau 8 năm, từ 43,7 tỷ USD năm 2015 lên trên 84 tỷ USD năm 2023 (tính đến tháng 11/2023). Hiện Hàn Quốc đã có 10.000 dự án tại Việt Nam. Trong đó, hàng chục dự án có quy mô hàng tỷ USD đã và đang chuẩn bị đi vào hoạt động, như các dự án của tập đoàn Samsung, LG, Posco, Huyndai, Lotte…
Dữ liệu của Hiệp hội Văn hóa Kinh tế Hàn-Việt (KOVECA) cho thấy, trong khu vực ASEAN, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Hàn Quốc bằng tổng kim ngạch thương mại song phương của Hàn Quốc với 9 quốc gia còn lại. Về đầu tư sản xuất, các doanh nghiệp Hàn Quốc đóng góp khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Hiện Hàn Quốc đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỉ USD vào năm 2023 và 150 tỉ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng, bền vững, trong đó tăng lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Hàn Quốc.
Những yếu tố trên mở ra dư địa lớn cho Liên doanh Container Việt Nam - HanExpress Việt Nam trong việc khai thác tệp khách hàng là các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Về phía Container Việt Nam, doanh nghiệp này đang tiến gần tới mục tiêu chiếm thị phần lớn nhất cụm cảng khu vực Hải Phòng thông qua việc hoàn tất thương vụ thâu tóm Cảng Nam Hải Đình Vũ. Nếu thương vụ này diễn ra thành công, tổng công suất của Container Việt Nam sẽ đạt khoảng 2,6 triệu TEU, chiếm 30% thị phần khu vực.
Đáng chú ý, theo đánh giá của một số tổ chức tài chính, với việc gia tăng đáng kể thị phần tại khu vực cụm cảng Hải Phòng, Container Việt Nam sẽ là doanh nghiệp trực tiếp hưởng lợi từ tăng trưởng thương mại Việt Nam - Trung Quốc và dòng vốn FDI đổ mạnh vào Hải Phòng. Cụm cảng Hải Phòng đang chiếm khoảng 27% tổng lượng container lưu thông qua các cảng biển ở Việt Nam.