Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, Công ty Cổ phần Tập đoàn Container Việt Nam (mã cổ phiếu VSC - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu 1.230 tỷ đồng và lãi ròng 219 tỷ đồng, lần lượt giảm 9% và 19% so với cùng kỳ nâm 2022; tương ứng hoàn thành 79% mục tiêu doanh thu và 91% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.
Container Việt Nam hiện đang khai thác 5 cảng biển, tất cả đều nằm tại khu vực Hải Phòng. Trong đó, cảng trọng điểm Green nằm ở thượng nguồn sông Cấm, cảng trọng điểm còn lại là cảng VIP Green và ba cảng liên kết khác nằm ở hạ lưu sông Cấm.
Theo đánh giá của một số tổ chức tài chính, hoạt động kinh doanh của Container Việt Nam trong thời gian tới sẽ hưởng lợi trực tiếp từ tăng trưởng giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam, và khả năng thâu tóm hoàn toàn cảng Nam Hải - Đình Vũ.
Container Việt Nam hưởng lợi trực tiếp từ tăng trưởng thương mại Việt - Trung
Dữ liệu cho thấy thông lượng qua các cảng tại khu vực Hải Phòng trong quý 3/2023 đã được cải thiện mạnh, đạt 43 triệu tấn hàng hoá các loại, tăng 32% so với quý 2/2023 và tăng 6% so với quý 3/2022.
Mức tăng trưởng này chủ yếu đến đến từ hoạt động thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc chuyển biến tích cực. Mặc dù Trung Quốc đã chấm dứt chính sách “zero-Covid” từ tháng 1/2023, nhưng hoạt động thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc gần đây mới bắt đầu phục hồi trở lại.
Cụm cảng Hải Phòng được hưởng lợi lớn nhất từ sự phục hồi này do có vị trí chiến lược gần Trung Quốc và là cửa ngõ giao thương đường biển duy nhất của các trung tâm công nghiệp phía Bắc Việt Nam.
Trong quý 3/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 46,1 tỷ USD, tăng 11,1% so với quý 2/2023 và tăng 2,4% so với quý 3/2022.
Nhiều tổ chức tài chính nhận định hoạt động thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc sẽ tiếp tục cải thiện trong những tháng tới, đặc biệt tăng tốc trong nửa đầu năm 2024 do nhu cầu tiêu dùng cao trong mùa lễ hội tại Trung Quốc và nhu cầu nguyên liệu thô từ Trung Quốc cao dành cho sản xuất các đơn hàng mới của doanh nghiệp Việt Nam. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của cụm cảng Hải Phòng, bao gồm các cảng của Container Việt Nam.
Theo Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA), khu cảng Hải Phòng chiếm 27% tổng thông lượng qua cảng biển của Việt Nam vào năm 2022. Trong đó, sản lượng container thông qua khu vực Hải Phòng đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 11% trong giai đoạn 2018 - 2022, theo Tổng cục Thống kê Hải Phòng.
Dự kiến cụm cảng Hải Phòng sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian tới nhờ dòng vốn FDI đang chảy mạnh vào Việt Nam. Miền Bắc hiện dẫn đầu về đăng ký vốn FDI đầu tư vào Việt Nam kể từ năm 2021 nhờ hệ thống giao thông phát triển.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, miền Bắc đã thu hút 15 tỷ USD vốn FDI đăng ký, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 60% tổng vốn FDI của Việt Nam. Ngoài ra, với vị trí thuận lợi gần Trung Quốc, các khu công nghiệp phía Bắc đang là điểm đến sản xuất thay thế chính theo chiến lược “Trung Quốc +1” của nhiều tập đoàn đa quốc gia.
Ngoài ra, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, Chính phủ sẽ chú trọng xây dựng các tuyến giao thông mới kết nối với cụm cảng Hải Phòng nhằm tối ưu thời gian và chi phí vận chuyển đường bộ từ Hải Phòng đến các khu công nghiệp ở khu vực phía Bắc. Qua đó, giúp gia tăng thông lượng tại cụm cảng Hải Phòng.
Cảng Nam Hải - Đình Vũ dẫn dắt tăng trưởng trong dài hạn
Động lực tăng trưởng trong dài hạn của Container Việt Nam còn đến từ thương vụ hợp nhất cảng Nam Hải Đình Vũ. Container Việt Nam đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu vào tháng 9/2023 nhằm huy động 1.300 tỷ đồng để mua thêm 44% cổ phần tại cảng Nam Hải Đình Vũ, nhằm nâng tỷ lệ sở hữu tại cảng này lên mức 79%.
Công ty Cổ phần Gemadept (mã cổ phiếu GMD) đã thoái toàn bộ 85% cổ phần tại cảng Nam Hải - Đình Vũ từ tháng 5/2023. Cơ cấu sở hữu hiện tại tại cảng này như sau: Container Việt Nam với 35% cổ phần, Công ty Thương mại và Đầu tư Đoàn Huy với 36,7% cổ phần, và Công ty Cổ phần TNHH Thương mại Kim khí XNK Huy Hoàng với 28,3% cổ phần.
Đáng chú ý, Đầu tư Đoàn Huy và XNK Huy Hoàng thuộc quyền sở hữu của ông Đoàn Quang Huy, thành viên nhóm cổ đông lớn tại Container Việt Nam - từng nắm giữ 30% cổ phần tại Container Việt Nam trước khi thoái vốn đầu tư vào năm 2022.
Nếu quá trình hợp nhất cảng Nam Hải - Đình Vũ diễn ra thành công, Container Việt Nam sẽ trở thành nhà vận hành cảng lớn nhất Hải Phòng với tổng công suất thiết kế ước đạt 2,6 triệu TEU/năm. Qua đó, chiếm 24% tổng công suất thiết kế cụm cảng Hải Phòng và cao hơn đáng kể so với nhà khai thác cảng lớn thứ hai tại Hải Phòng là Gemadept với tổng công suất 1,4 triệu TEU/năm.
Việc mua lại cảng Nam Hải - Đình Vũ còn giúp Container Việt Nam đạt mức tăng trưởng doanh thu cao hơn trong bối cảnh các cảng Green và VIP Green đã hoạt động hết công suất trong khi không còn nhiều dư địa để tăng phí dịch vụ cảng do cạnh tranh gay gắt tại các cụm cảng Hải Phòng.
Cảng Nam Hải - Đình Vũ nằm sát cạnh hai cảng khác của Container Việt Nam là VIMC Đình Vũ và VIP Green, tạo thành tổng chiều dài bến là 1,6 km. Bến cảng dài hơn sẽ giúp doanh nghiệp này tối ưu chi phí vận hành. Đồng thời, Container Việt Nam cũng sẽ không phải di chuyển tàu ra cảng thuê ngoài nếu trùng lịch trình, giúp cắt giảm chi phí thuê ngoài (hiện chiếm trung bình 27% doanh thu trong giai đoạn 2020 - 2022).
[Quảng cáo]