Trong quý 2/2024, Công ty Cổ phần Container Việt Nam (mã cổ phiếu VSC - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần đạt 717,5 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, lợi nhuận gộp tăng 49%, đạt 221 tỷ đồng.
Kết quả, Container Việt Nam ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 91,5 tỷ đồng, tăng 167% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp cảng biển này ghi nhận 1.304 tỷ đồng doanh thu và 161,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 31% và 109% so với cùng kỳ năm trước.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Container Việt Nam tại ngày 30/6/2024 đạt 6.489 tỷ đồng, tăng 25% so với hồi đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn cao gấp gần 6 lần đầu năm, đạt 2.745 tỷ đồng, chủ yếu do công ty ghi nhận thêm khoản đặt cọc thực hiện nhận chuyển nhượng cổ phần tại Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ.
Liên quan đến thương vụ trên, Container Việt Nam vừa qua đã có thông báo về việc hoàn tất giao dịch nhận chuyển nhượng vốn góp tại Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ. Bên bán là Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Đoàn Huy (Công ty Đoàn Huy) và Công ty TNHH Thương mại Kim khí Xuất nhập khẩu Huy Hoàng (Công ty Huy Hoàng).
Sau thương vụ trên, tỷ lệ sở hữu của Container Việt Nam tại Cảng Nam Hải Đình Vũ đã tăng từ 35% lên 99,99%. Với giá trị mỗi cổ phần tại Cảng Nam Hải Đình Vũ hiện ở mức 83.800 đồng/đơn vị, ước tính Container Việt nam đã chi ra vụ gần 2.179 tỷ đồng cho thương vụ trên.
Như vậy, thông qua việc sở hữu gần 100% vốn điều lệ tại Cảng Nam Hải Đình Vũ, Container Việt Nam đã trở thành doanh nghiệp cảng biển lớn nhất Hải Phòng với công suất khoảng 2,6 triệu TEU (tăng 36% so với năm 2022) và chiếm 30% thị phần khu vực.
Theo kế hoạch năm 2024, Cảng Nam Hải Đình Vũ dự kiến sẽ đem về cho Container Việt Nam khoản lợi nhuận 100 tỷ đồng.
Đây được xem là thương vụ M&A mang tính chiến lược, quyết định động lực tăng trưởng của Container Việt Nam trong trung và dài hạn. Ông Tạ Công Thông - Tổng giám đốc Container Việt Nam cho biết, tại cụm cảng Hải Phòng, xu hướng các cảng tại trung tâm nội đô trong tương lai sẽ bị di dời để thực hiện phát triển đô thị hóa thành phố. Cảng Hoàng Diệu của Container Việt Nam nằm trong số đó, buộc công ty phải lựa chọn mua một cảng biển khác tại khu vực hạ lưu.
Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, với hệ thống cảng như hiện nay trên cùng một khu vực, việc sở hữu Cảng Nam Hải - Đình Vũ giúp Container Việt Nam tạo ra một hệ thống cầu cảng liền mạch dài 800 m, gồm Cảng Nam Hải - Đình Vũ và cảng Green VIP (Container Việt Nam sở hữu 74%); và hệ thống cầu cảng này có thể lên đến 1.500 m nếu tính cả cảng VIMC Đình Vũ (Container Việt Nam sở hữu 36%).
Qua đó, Container Việt Nam sẽ giảm đáng kể chi phí vận hành các cầu cảng, giảm chi phí thuê ngoài, linh hoạt hơn trong việc tiếp nhận tàu, và gần như sẽ không còn phải chuyển tàu ra các cảng khác khi phát sinh tình huống trùng lịch tàu vào mùa cao điểm.