Công ty Cổ phần Gemadept (Tập đoàn Gemadept, mã cổ phiếu GMD - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2024 với doanh thu thuần đạt 1.181 tỷ đồng, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, doanh thu tài chính quý 2/2024 đạt 28 tỷ đồng, giảm mạnh so với kết quả 1.863 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do trong quý 2/2023, Tập đoàn Gemadept đã ghi nhận khoản lãi đột biến từ việc bán vốn tại Công ty Cổ phần Cảng Nam Hải Đình Vũ.
Sau khi trừ các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh, Tập đoàn Gemadept ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 511 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Tập đoàn Gemadept đạt 2.187 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lại giảm tới 51%, còn 1.219 tỷ đồng.
Năm nay, Tập đoàn Gemadept đặt mục tiêu doanh thu ở mức kỷ lục trong lịch sử niêm yết, dự kiến đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 4%; và lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 46%, còn 1.686 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm 2024, Tập đoàn Gemadept đã hoàn thành 54,6% kế hoạch doanh thu và 72% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Về triển vọng trong thời gian tới của Tập đoàn Gemadept, một số tổ chức đánh giá, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cảng biển này sẽ được thúc đẩy bởi sự thay đổi cấu trúc các liên minh hãng tàu trên thế giới.
Theo đó, từ năm 2025, thị trường vận tải container qua đường biển trên toàn cầu sẽ có 04 đối thủ cạnh tranh gồm 03 liên minh là Ocean gồm các hãng tàu CMA-CGM (Pháp), COSCO (Trung Quốc) và Evergreen (Đài Loan, Trung Quốc); liên minh THE Alliance gồm các hãng tàu ONE (Nhật Bản), Yang Ming (Đài Loan, Trung Quốc) và HMM (Hàn Quốc); liên minh Gemini gồm các hãng tàu Maersk (Đan Mạch) và Hapag-Lloyd (Đức) và 01 hãng tàu lớn MSC.
Trong đó, Ocean là liên minh lớn nhất trên thị trường với tổng công suất đạt 6 triệu TEU. Liên minh này hiện đang thống trị 2 tuyến hàng hải quan trọng nhất thị trường là châu Á – châu Âu và xuyên Thái Bình Dương.
Tập đoàn Gemadept là một trong những doanh nghiệp cảng biển và logistic hàng đầu tại Việt Nam với mảng kinh doanh chính là khai thác cảng. Tập đoàn này hiện đang sở hữu nhiều cảng lớn, gồm Nam Đình Vũ, ICD Nam Hải, ICD Phước Long, Gemalink và cảng hàng rời Dung Quất.
Trong đó, Gemalink là cảng nước sâu có quy mô lớn nhất Việt Nam, với khả năng đón được các siêu tàu lớn trên thế giới. Cảng được đầu tư bởi Tập đoàn Gemadept và CMA Terminals thuộc hãng tàu CMA-CGM (Pháp).
Trong thời gian tới, hãng tàu CMA-CGM cam kết tăng lượng tàu ghé cảng Gemalink. Đồng thời, nhiều hãng tàu cũng sẽ nhận nhiều tàu đóng mới trong năm 2024 nhằm mở thêm tuyến hoặc các chân cảng để tối ưu khả năng khai thác. Qua đó, cảng Gemalink có thể có thêm 1 - 2 tuyến dịch vụ mới trong năm nay.