Thép Nam Kim (NKG): Xuất khẩu tăng tốc, lãi ròng nửa đầu năm cao gấp 5 lần

Hoạt động xuất khẩu thép năm nay của Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG) đang hướng đến mức cao kỷ lục thiết lập vào năm 2021.
Xuất khẩu thép Thép Nam Kim
Doanh thu trong nửa đầu năm nay của Thép Nam Kim chủ yếu đến từ thị trường nước ngoài.

Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG - sàn HoSE) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2024 với doanh thu thuần đạt 5.660 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, doanh thu tài chính trong kỳ tăng đột biến 124,5%, đạt 113,6 tỷ đồng.

Sau khi trừ các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh, Thép Nam Kim thu về 272 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 63% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Thép Nam Kim ghi nhận doanh thu đạt 10.952 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế gấp gần 5 lần cùng kỳ, đạt 460 tỷ đồng. Qua đó, hoàn thành 110% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.

Bóc tách dữ liệu cho thấy, doanh thu trong nửa đầu năm nay của Thép Nam Kim chủ yếu đến từ thị trường nước ngoài khi kênh xuất khẩu chiếm tới 68% tổng doanh thu, đạt gần 7.500 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, doanh thu từ thị trường nội địa giảm 16%, còn hơn 3.500 tỷ đồng.

Trước đó, như Tạp chí Công Thương đã thông tin, ban lãnh đạo Thép Nam Kim chia sẻ, công ty đã bảo đảm được lượng hàng xuất khẩu cho quý 2/2024 ngay từ giữa quý 1/2024. Mặc dù giá bán có thể thấp hơn quý 1/2024 nhưng sản lượng bán hàng cao được kỳ vọng sẽ mang lại nguồn thu tốt cho công ty.

Đánh giá về triển vọng kinh doanh của Thép Nam Kim trong thời gian tới, nhiều tổ chức tài chính kỳ vọng nhu cầu tại thị trường nước ngoài sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của công ty.

Giá cổ phiếu NKG Thép Nam Kim
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Thép Nam Kim (NKG)… hưởng lợi như nào nếu tôn mạ Trung Quốc bị áp thuế?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Theo đó, hai thị trường trọng điểm của Thép Nam Kim là Bắc Mỹ và châu Âu đang bước vào chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ kể từ nửa cuối năm nay, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ từ ngành bất động sản và xây dựng. Hồi đầu tháng 6 năm nay, Ngân hàng trung ương của Canada, Liên minh châu Âu, Thuỵ Sĩ và Thuỵ Điển đã thực hiện giảm lãi suất.

Bên cạnh đó, giá thép tại Việt Nam vẫn đang thấp hơn đáng kể so với giá thép tại các thị trường lớn, tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn cho các doanh nghiệp thép Việt Nam, trong đó có Thép Nam Kim; đồng thời kích thích các đối tác gia tăng nhập, tích trữ hàng.

Với những tín hiệu tích cực ở thời điểm hiện tại, hãng Chứng khoán DSC dự báo, sản lượng xuất khẩu năm nay của Thép Nam Kim có thể tăng tới 25% so với năm 2023, đạt 640.000 tấn, tiến sát tới mức cao kỉ lục của năm 2021.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Thép Nam Kim tại ngày 30/6/2024 đạt 12.899 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 46%, đạt 2.814 tỷ đồng; hàng tồn kho hầu như không biến động, giữ ở mức 5.743 tỷ đồng.

Về phần nguồn vốn, tính đến cuối quý 2/2024, nợ phải trả của Thép Nam Kim đạt 7.111 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm, chủ yếu là nợ ngắn hạn với 4.791 tỷ đồng.

Duy Quang