Nửa đầu năm 2024, BCG Energy ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 689,8 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Tăng trưởng doanh thu chủ yếu được thúc đẩy bởi sự vận hành thương mại của Nhà máy Phù Mỹ Giai đoạn 2 với công suất 114 MW từ tháng 6/2023.
Bên cạnh đó, các dự án điện mặt trời khác của công ty đã đi vào hoạt động thành công với tổng công suất 594,4 MW, bao gồm các nhà máy như: BCG Long An 1(40,6 MW), BCG Long An 2(100,5 MW), BCG Phù Mỹ (330 MW), BCG Vĩnh Long (49,3 MW).
Đại diện BCG Energy cũng cho biết, các dự án điện mặt trời áp mái của công ty với tổng công suất 74 MW cũng đạt hiệu suất hoạt động tốt trong nửa đầu năm nay.
Theo đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của BCG Energy đạt 290,7 tỷ đồng, tăng 33 lần so với cùng kỳ năm 2023. Sự tăng trưởng ấn tượng này chủ yếu được thúc đẩy bởi hiệu quả trong việc tiết kiệm chi phí tài chính, đặc biệt là sự giảm mạnh của chi phí lãi vay. Với kết quả này, BCG Energy đã hoàn thành được 59% kế hoạch lợi nhuận năm 2024.
Dự báo trong nửa cuối năm nay, kết quả kinh doanh của BCG Energy sẽ tiếp tục ở mức tích cực nhờ việc hoàn tất thủ tục công nhận ngày vận hành thương mại cho Dự án điện mặt trời Krông Pa 2 với công suất 21 MW/49 MW tại Gia Lai, cùng với sự đóng góp từ các dự án điện mặt trời áp mái đang thi công.
Tính đến ngày 30/06/2024, tổng tài sản hợp nhất của BCG Energy đạt gần 19.965 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Sự gia tăng này chủ yếu do các khoản đầu tư mới, đáng chú ý nhất là khoản đầu tư vào Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh.
Tổng nợ phải trả cũng tăng lên khoảng 9.944 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 7%. Mức tăng này chủ yếu đến từ các khoản nợ phải trả liên quan đến việc mua cổ phần của BCG Energy từ Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa đối với các cổ đông cũ.
Đáng chú ý, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của BCG Energy đã có sự cải thiện đáng kể và duy trì ở mức ổn định qua các năm, với tỷ lệ 1,9 tại ngày 31/12/2022, giảm xuống 0,96 tại ngày 31/12/2023 và đạt 0,99 tại ngày 30/06/2024.
Đồng thời tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu đã có xu hướng giảm rõ rệt với tỷ lệ 1,25 tại ngày 31/12/2022, giảm xuống 0,66 tại ngày 31/12/2023 và còn 0,64 tại ngày 30/06/2024.
Điều này không chỉ giúp BCG Energy giảm thiểu tối đa các rủi ro từ tác động của nền kinh tế và thị trường, mà còn tạo lợi thế về năng lực tài chính, giúp sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn cho các hoạt động M&A nhằm mở rộng danh mục dự án.
Báo cáo tài chính riêng lẻ của công ty mẹ BCG Energy ghi nhận doanh thu và lợi nhuận thuần giảm so với cùng kỳ 2023. Nguyên nhân do công ty chưa có khoản doanh thu tài chính đến từ cổ tức chia về từ các công ty con trong nửa đầu năm nay.
Với sự tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ từ các dự án năng lượng tái tạo và việc các dự án này dự kiến đi vào hoạt động hiệu quả trong thời gian tới, kỳ vọng dòng cổ tức chia về cho công ty mẹ sẽ tiếp tục tăng trưởng, đem lại hiệu quả sinh lợi lớn cho cổ đông.
Thời gian qua, BCG Energy được tạo dựng nhờ 3 năng lực lõi vững vàng. Đó là khả năng phát triển, quản lý, vận hành dự án; khả năng M&A các dự án tiềm năng và tái cấu trúc thành công hậu M&A; và cuối cùng là khả năng huy động vốn để triển khai dự án. Ngoài việc xây dựng mối quan hệ với các tổ chức tín dụng và ngân hàng lớn, BCG Energy cũng chú trọng việc hợp tác với các đối tác quốc tế.
Tháng 2/2024, BCG Energy đã ký kết thỏa thuận hợp tác với SUS Vietnam Holding Pte. Ltd., trong việc triển khai các dự án của Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa. Việc kêu gọi thành công nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh mẽ và kinh nghiệm trong triển khai các dự án điện rác không chỉ giúp đảm bảo khả năng thành công của công ty khi bước vào lĩnh vực mới mà còn hứa hẹn sẽ mang lại nguồn lực tài chính mới.
BCG Energy được thành lập vào năm 2017, là công ty phụ trách mảng năng lượng của Tập đoàn Bamboo Capital (mã cổ phiếu BCG). Ngày 31/7 tới đây, BCG Energy sẽ chính thức giao dịch 730 triệu cổ phiếu trên sàn UPCoM với mã cổ phiếu là BGE và giá tham chiếu ở mức 15.600 đồng/cổ phiếu.