Dệt may TNG: Tập trung làm đơn hàng “khó”, báo lãi cao nhất gần 2 năm

Dệt may TNG (mã cổ phiếu TNG) vừa cho biết kết quả kinh doanh quý 2/2024 ở mức cao kỷ lục nhờ tập trung làm các đơn hàng khó, phức tạp.
Dệt may TNG
Kết thúc quý 2/2024, Dệt may TNG đã hoàn thành 42% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Dệt may TNG, mã cổ phiếu TNG - sàn HNX) vừa công bố kết quả kinh doanh riêng quý 2/2024 với doanh thu thuần đạt 2.174 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức doanh thu theo quý cao nhất từ trước đến nay của Dệt may TNG.

Ban lãnh đạo Dệt may TNG cho biết, mức tăng trưởng doanh thu trong kỳ chủ yếu là nhờ việc tập trung vào khai thác các dòng hàng khó, phức tạp; đồng thời  mở rộng thị trường xuất khẩu cũng giúp gia tăng số lượng đơn hàng.

Trong kỳ, giá vốn hàng bán tăng nhẹ 3% so với quý 2/2023, giúp lợi nhuận gộp tăng tới 48%, đạt 358 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cũng cải thiện từ 12% lên 16,5%.

Sau khi trừ các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh, Dệt may TNG ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 86,4 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận cao nhất của Dệt may TNG trong vòng gần 2 năm qua.

Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu của Dệt may TNG đạt 3.527 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 129 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và 37% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, hoàn thành 42% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Dệt may TNG tính đến cuối quý 2/2024 đạt 5.895 tỷ đồng, tăng 14,5% so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng đạt 1.070 tỷ đồng, tăng 43,6%; hàng tồn kho đạt 1.344 tỷ đồng, tăng 51%.

Ở phía đối ứng, nợ phải trả của Dệt may TNG tại ngày 30/6/2024 đạt 4.090 tỷ đồng, tăng 19,6% so với đầu năm, chủ yếu là vay ngắn hạn với 2.185 tỷ đồng.

Giá cổ phiếu TNG Dệt may TNG
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu TNG của Dệt may TNG trong vòng 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Dệt may TNG: Hé lộ “Át chủ bài” giúp gia tăng mạnh đơn hàng" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Về tình hình đơn hàng trong giai đoạn nửa sau năm 2024, theo dữ liệu từ hãng Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Dệt may TNG đã có đủ đơn hàng cho đến quý 4/2024. Trong đó, phần lớn là các đơn hàng từ Bangladesh do hàng loạt nhà máy tại đây ngưng hoạt động khi công nhân ngành dệt may tổ chức đình công kéo dài từ hồi cuối năm 2023 nhằm đòi nâng lương cơ bản và cải thiện điều kiện làm việc.

Hiện một số tổ chức quốc tế nhận định các cuộc đình công đang nhen nhóm bùng phát trở lại. Những yếu tố này đã thúc đẩy một số hãng thời trang như Zara và H&M chuyển đơn hàng đến các đối tác sản xuất khác ngoài Bangladesh.

Giá bán cho đơn hàng đến hết quý 3/2024 của Dệt may TNG hiện cũng đã tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhằm đáp ứng nhu cầu đơn hàng tăng cao, Dệt may TNG hiện có kế hoạch mở rộng thêm 45 chuyền may trong năm 2024, tương đương với tăng trưởng tổng công suất thêm khoảng 15%. Chuyền may mới sẽ tập trung tại nhà máy Việt Thái - Sơn Cẩm, Việt Đức - Sơn Cẩm, và Đồng Hỷ.

Hiện Chứng khoán Rồng Việt ước tính lợi nhuận sau thuế công ty mẹ của Dệt may TNG trong cả năm nay sẽ tăng 37% so với năm 2023, đạt 299 tỷ đồng. Đây sẽ là mức doanh thu và lợi nhuận sau thuế cao nhất lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.

Duy Quang