Điều gì khiến lãi ròng quý 2 của Tổng Công ty Viglacera (VGC) “bốc hơi” 73%?

Tổng Công ty Viglacera (mã cổ phiếu VGC) nhận định mảng vật liệu xây dựng có thể không có lợi nhuận trong năm nay.
Tổng công ty Viglacera
Doanh thu từ cho thuê đất khu công nghiệp của Tổng Công ty Viglacera trong nửa đầu năm nay giảm tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng Công ty Viglacera - CTCP (mã cổ phiếu VGC - sàn HoSE) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2/2024 với doanh thu thuần đạt 2.712 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp trong kỳ cũng giảm tới 46%, còn 654 tỷ đồng. Qua đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 31% còn 24%.

Sau khi trừ các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh, Tổng Công ty Viglacera thu về 171 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 58% so với quý 2/2023.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Tổng Công ty Viglacera đạt 5.351 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 365 tỷ đồng, lần lượt giảm 20% và 54% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, doanh nghiệp này đã hoàn thành 40% kế hoạch doanh thu và 52% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.

Bóc tách dữ liệu cho thấy, mảng cho thuê đất khu công nghiệp đóng góp phần lớn trong cơ cấu doanh thu nửa đầu năm của Tổng Công ty Viglacera với tỷ trọng 30%, đạt 1.627 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này lại giảm tới 40% so với cùng kỳ năm trước.

Mảng kinh doanh vật liệu xây dựng của Tổng Công ty Viglacera cũng ghi nhận kết quả kém tích cực khi thị trường bất động sản và hoạt động xây dựng chưa hồi phục rõ ràng.

Cụ thể, doanh thu từ sản phẩm gạch ốp lát đi ngang so với 6 tháng đầu năm 2023, đạt 1.548 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu từ gương, kính, gạch ngói, sứ, sen vòi,... tiếp tục giảm.

Đánh giá về tình hình thị trường vật liệu xây dựng trong thời gian tới, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viglacera nhận định, ngành này mặc dù chưa khởi sắc nhưng sẽ có triển vọng tốt hơn khi ba luật liên quan đến bất động sản dự kiến có hiệu lực chính thức từ ngày 1/8 tới đây.

Đồng thời, ngành vật liệu xây dựng cũng được kỳ vọng tăng trưởng trong bối cảnh tình hình thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi khi Chính phủ có kế hoạch dùng vốn đầu tư công để xây nhà ở xã hội cho thuê và dự kiến thí điểm nhà ở thương mại sử dụng đất khác.

Riêng mảng kính xây dựng, do đặc tính phụ thuộc rất nhiều vào thị trường, lượng cung vượt cầu dẫn đến cạnh tranh về giá nên được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt khó khăn trong thời gian tới. Theo đó, ban lãnh đạo Tổng Công ty Viglacera đánh giá mảng vật liệu xây dựng dự kiến không có lợi nhuận trong năm nay.

Giá cổ phiếu VGC Tổng Công ty Viglacera
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu VGC của Tổng Công ty Viglacera từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Kế hoạch thoái vốn nhà nước tại Tổng Công ty Viglacera (VGC) diễn ra chậm hơn so với dự kiến" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Tổng Công ty Viglacera tại thời điểm cuối quý 2/2024 đạt 23.641 tỷ đồng. Trong đó, chiếm phần lớn là chi phí xây dựng cơ bản dở dang (6.643 tỷ đồng), chủ yếu nằm tại các dự án như: Khu công nghiệp Thuận Thành Giai đoạn 1 (1.948 tỷ đồng); Khu du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải (954 tỷ đồng); Khu công nghiệp Phú Hà Giai đoạn 1 (928 tỷ đồng),...

Ở phía đối ứng, tổng nợ phải trả của Viglacera tính đến ngày 30/6/2024 đạt 13.898 tỷ đồng, giảm gần 5% so với đầu năm. Trong đó, tổng dư nợ vay là 5.144 tỷ đồng.

Về tình hình thoái vốn nhà nước tại Tổng Công ty Viglacera, thời hạn để tổng công ty kiểm kê quỹ đất, nợ và tài sản theo lộ trình thoái vốn nhà nước là ngày 30/6/2024. Tuy nhiên, kế hoạch không được hoàn thành đúng tiến độ nên thời hạn định giá được lùi đến ngày 30/9/2024. Tổng Công ty Viglacera dự kiến trình phương án thoái vốn lên Bộ Xây dựng trong quý 1/2025.

Hiện Viglacera đang có hai cổ đông lớn, trong đó có Bộ Xây dựng với tỷ lệ sở hữu là 38,58% vốn điều lệ. Việc thoái vốn của Bộ Xây dựng tại tổng công ty dự kiến sẽ được thực hiện trong năm 2024 - 2025.

Duy Quang