Thủy sản Nam Việt (ANV): Thị trường nội địa thành "trụ đỡ" trong quý 2

Kết thúc quý 2/2024, Công ty Cổ phần Nam Việt (Thủy sản Nam Việt, mã cổ phiếu ANV) ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực trên thị trường nội địa; trong khi đó, kênh xuất khẩu gần như đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu cá tra
Triển vọng kinh doanh nửa cuối năm nay của Thủy sản Nam Việt hiện phụ thuộc vào mức độ phục hồi của thị trường Trung Quốc.

Công ty Cổ phần Nam Việt (Thủy sản Nam Việt, mã cổ phiếu ANV - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024 với doanh thu thuần đạt 1.193 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp tăng mạnh, gấp gần 3 lần kết quả đạt được trong quý 2/2023, đạt 143 tỷ đồng.

Doanh thu trong kỳ của Thủy sản Nam Việt chủ yếu đến từ thị trường nội địa với 510 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh thu từ hoạt động xuất khẩu đi ngang, ở mức 683 tỷ đồng.

Sau khi trừ các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh, Thủy sản Nam Việt thu về 20,7 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, cải thiện đáng kể so với mức lỗ gần 52 tỷ đồng của quý 2/2023.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Thủy sản Nam Việt đạt 2.209 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế giảm 9%, ở mức 51,2 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý 2/2024, tổng tài sản của Thủy sản Nam Việt đạt 4.912 tỷ đồng, giảm 4% so với hồi đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho có giá trị lên tới 2.127 tỷ đồng, giảm 9%.

Năm nay, Thủy sản Nam Việt đặt mục tiêu doanh thu đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 13% so với kết quả đạt được trong năm 2023 và lợi nhuận trước thuế dự kiến gấp gần 6 lần, đạt 360 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm 2024, Thủy sản Nam Việt đã hoàn thành 46% kế hoạch doanh thu và 14% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.

Mặc dù ghi nhận sự cải thiện trong quý 2/2024 nhưng tính chung nửa đầu năm nay, kết quả kinh doanh của Thủy sản Nam Việt vẫn giảm sút so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do mức giá bán cá tra xuất khẩu theo USD và sản lượng tiêu thụ đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

Đồng thời, thị trường xuất khẩu chính của công ty là Trung Quốc trong thời gian qua chưa ghi nhận sự phục hồi khi sức mua còn yếu mặc dù giá cá rô phi - mặt hàng thay thế cá tra ở thị trường này đang ở mức cao.

Giá cổ phiếu ANV Thủy sản Nam Việt
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu ANV của Thủy sản Nam Việt từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Giữ vị thế top 2 thế giới, Thủy sản Nam Việt (ANV) kỳ vọng lãi năm nay tăng gấp 8 lần" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Tuy nhiên, theo đánh giá mới đây của hãng Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), giai đoạn xấu nhất của Thủy sản Nam Việt được nhận định đã qua khi giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp này đang tăng trưởng dần theo tháng. Trong tháng 5 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của Thủy sản Nam Việt đã ghi nhận mức tăng trưởng dương lần đầu, đạt +1%, với sản lượng tăng  16% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong giai đoạn cuối năm, ban lãnh đạo Thủy sản Nam Việt kỳ vọng hoạt động kinh doanh của công ty có thể tăng trưởng tích cực nhờ tín hiệu phục hồi từ thị trường Trung Quốc.

Theo đó, Thủy sản Nam Việt đã mở rộng thành công thêm tệp khách hàng ở Bắc Kinh và Quảng Châu (Trung Quốc), bên cạnh khu vực truyền thống là Thượng Hải. Đồng thời, sau quá trình nghiên cứu thị trường, Thủy sản Nam Việt đã mở rộng thêm dòng sản phẩm cá tra xẻ bướm tẩm gia vị, đáp ứng đúng nhu cầu cao tại Trung Quốc.

Ngoài ra, với lợi thế tự chủ 100% cá nguyên liệu, công ty đã giải quyết được tình trạng thiếu hụt cá tra cỡ lớn (1,5 - 2 kg) mà toàn ngành cá tra Việt Nam gặp phải trong 9 tháng đầu năm nay; đây cũng là cỡ cá được ưa chuộng ở Trung Quốc.

Duy Quang