Cụ thể, đối phó dịch Covid -19 leo thang, Ủy ban Châu Âu có động thái quyết liệt chưa từng thấy, tuyên bố xem xét đóng cửa biên giới với phần còn lại của thế giới trong 1 tháng. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và cũng là yếu tố để giải phóng nguồn quỹ quốc gia nhằm đẩy nhanh các biện pháp phòng chống dịch Covid -19.
Trong bối cảnh này, các chuyên gia nhận định, ngành Giấy đứng trước nguy cơ khủng hoảng nguyên liệu giấy thu hồi, bởi việc đóng cửa Châu Âu sẽ tạo ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều hoạt động kinh tế xã hội.
Hiện, ngành Giấy Việt Nam nói riêng và Châu Á nói chung đang nhập khẩu giấy thu hồi (OCC, SOP, ONP…) chủ yếu từ Mỹ và các nước Châu Âu… Khi các khu vực này đóng cửa, đồng nghĩa sẽ kéo theo tình trạng thiếu nguyên liệu của các nước nhập khẩu tại Châu Á và Việt Nam.
Cụ thể, Hãng tàu CMA cho biết đã giảm 23 tàu, hãng tàu Maersk và các hãng khác cũng áp dụng biện pháp tương tự. Một số hãng từ chối vận chuyển giấy thu hồi và tăng cước vận chuyển từ châu Âu về Đông Nam Á lên tới 2.500USD, thậm chí 4.000USD/cont 40’, (giá cước rất khó khăn để xuất khẩu giấy thu hồi). Chưa kể nguồn cung cũng sụt giảm do việc thu gom và lưu thông khó khăn vì dịch Covid - 19.
Cập nhật từ Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), từ đầu tháng 3 tới nay đã xuất hiện tình trạng tranh mua giấy thu hồi nội địa làm cho giá lề OCC tăng liên tục sau mỗi 2-3 ngày/lần và hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp phía Bắc phải mua tới giá 4.000.000đ/tấn, tăng gần 1.000.000đ/tấn so với cuối năm 2019.
Trong khi giá giấy thành phẩm chỉ mới tăng khoảng 200.000 – 300.000 đ/tấn. Thực trạng này tạo áp lực rất lớn cho các nhà sản xuất giấy, làm giá giấy thành phẩm (chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới), khi mà thị trường Trung Quốc vẫn có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu giấy và giấy lớn.
Các công ty lớn, có hàng tồn kho nguyên liệu đủ cho một quý trở lên và/hoặc có hệ thống thu gom trong nước tốt sẽ ít bị ảnh hưởng hơn, trong khi các công ty nhỏ hoặc có mức tồn kho nguyên liệu thấp sẽ bị tác động bất lợi, có thể dẫn đến phải dừng hoạt động.
Mối lo của nhiều doanh nghiệp giấy hiện nay ngoài việc thiếu nguyên liệu, phải tạm dừng máy, khả năng thừa lao động, phải tạm cho nghỉ việc, nguồn chi phí cho nhân công tăng …
Trước thực tế trên, VPPA khuyến cáo đến các nhà máy giấy Việt Nam cần bình tĩnh theo dõi diễn biến thị trường, tránh đua nhau đẩy giá nguyên liệu lên quá cao. Đồng thời cần tích cực phối hợp với Hiệp hội để đàm phán thêm với các nhà cung cấp lớn, uy tín giữ cam kết, nhằm đảm bảo ổn định nguồn cung ứng nguyên liệu cho nhu cầu sản xuất giấy trong nước.
Theo VPPA, dịch Covid -19 đã để lộ hạn chế của việc không đảm bảo được nguồn nguyên liệu giấy thu hồi trong nước, vốn là nguyên liệu thứ cấp. Tuy nhiên ngành Giấy là ngành công nghiệp liên quan đến hầu hết các ngành khác (dệt may, dược phẩm, thực phẩm, điện tử, thủy sản, lâm nghiệp, ô-tô…) có chi phí đầu tư lớn, nhân công đông nên khi Ngành bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp này cũng chịu tác động lớn.
VPPA đề xuất Chính phủ cần ban hành các chính sách phù hợp, thúc đẩy, khuyến khích việc thu gom giấy thu hồi trong nước (để tăng nguồn nguyên liệu) cũng như có các biện pháp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu…; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong nhập khẩu (góp phần giảm chi phí, thủ tục nhập khẩu)...
Đặc biệt, sớm xây dựng và ban hành các quy định, quy chuẩn coi nguyên liệu giấy thu hồi là loại hàng hóa thông thường, là tài nguyên, nguyên liệu thứ cấp cho sản xuất… như các nước tiên tiến đang thực hiện…
Cũng như kịp thời có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ngành giấy trong việc vay vốn, giãn nợ, giảm lãi suất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT, miễn lãi các loại thuế nộp chậm, miễn đóng bảo hiểm xã hội...