Thấp thỏm chất lượng lao động Việt
Trong Hội thảo “Giải pháp mới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước thềm CPTPP” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào ngày 5/4/2018, nhiều chuyên gia nhận định, trong những năm qua, các doanh nghiệp FDI không chỉ tạo ra một khối lượng sản phẩm dịch vụ lớn mà còn tạo thêm nhiều việc làm cho lao động và nâng cao năng lực công nghệ, năng lực quản lý cho đội ngũ lao động trong các doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, lực lượng lao động cấp trung trong các doanh nghiệp chưa thực sự nắm bắt được cơ hội do doanh nghiệp FDI tạo ra, chưa đủ năng lực để nắm bắt công nghệ sản xuất và quản lý tiên tiến từ nước ngoài. Bên cạnh đó, lực lượng lao động phổ thông tại Việt Nam khá dồi dào nhưng lao động có kỹ năng, tay nghề lại rất thiếu.
Hội thảo “Giải pháp mới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước thềm CPTPP” nhằm tháo gỡ những khó khăn trong vấn đề nhân sựÔng Nguyễn Đăng Trình, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Denken Việt Nam (100% vốn Nhật Bản) chia sẻ, Công ty tuyển chọn được hai sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi ở một trường Đại học danh tiếng vào vị trí cán bộ phụ trách kỹ thuật. Nhưng để sử dụng được, Công ty đã phải mất hơn một năm gửi họ đi đào tạo về chuyên môn với kinh phí đầu tư khoảng 10.000 USD/người.
“Điều đáng nói, chỉ một sinh viên sau đó đạt yêu cầu trở thành cán bộ kỹ thuật về sản xuất tủ điện điều khiển tự động”, ông Trình cho biết.
Không chỉ là câu chuyện của Denken, bài toán nhân lực cũng khá nan giải với một doanh nghiệp có ngành nghề đặc thù như Canon. “Các trường Đại học, dạy nghề của Việt Nam hiện nay vẫn chưa cập nhập chuyên ngành in, sản xuất đáp ứng yêu cầu của Công ty. Các kỹ sư Công ty tuyển dụng mới chỉ đáp ứng được kiến thức căn bản. Để có thể biết việc, làm được thì Công ty mất ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm đào tạo kiến thức chuyên ngành với chi phí rất cao”, bà Đào Thị Thu Huyền, Phó Giám đốc - Văn phòng Tổng Giám đốc Công ty TNHH Canon Việt Nam chia sẻ.
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia nhận định lao động Việt Nam chưa đủ năng lực để nắm bắt công nghệ sản xuất và quản lý tiên tiến từ nước ngoàiThêm vào đó, Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 công bố mới đây cũng chỉ ra, 69% doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cho biết đang “vấp” phải khó khăn trong việc tuyển dụng được các cán bộ kỹ thuật có tay nghề để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Theo đó, doanh nghiệp FDI đánh giá chất lượng đào tạo và hiệu quả của lao động Việt Nam năm 2017 chỉ đạt 3,8 điểm. Điều này dẫn tới doanh nghiệp phải chi nhiều tiền hơn cho hoạt động đào tạo khi tuyển dụng nhân sự mới.
“Thậm chí, các doanh nghiệp được cho là thành công trong công tác phát triển nguồn nhân lực phải chi đến 8% doanh thu cho đào tạo nhân sự”, bà Angeline Teo - Giám đốc Công ty Tư vấn nguồn nhân lực dOz International (Singapore) cho biết.
Kết nối nhà trường - doanh nghiệp đào tạo nhân lực
Ông Stephan Ulrich cho rằng, Việt Nam cần mở rộng đào tạo, thúc đẩy học sinh tham gia 4 bộ môn: khoa học, công nghệ, toán và kỹ thuật để tìm kiếm công việc có thu nhập cao hơnChia sẻ giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trước thềm CPTPP, ông Stephan Ulrich - Quản lý Vùng Dự án Phát triển Doanh nghiệp bền vững của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho rằng, Việt Nam cần mở rộng đào tạo, phổ cập giáo dục, thúc đẩy học sinh tham gia 4 bộ môn: khoa học, công nghệ, toán và kỹ thuật để tìm kiếm công việc có thu nhập cao hơn trong tương lai. Bên cạnh đó, giáo dục đào tạo và khởi nghiệp cần cải cách. Sự kết nối giữa khu vực công và tư trong lĩnh vực đào tạo để làm sao lĩnh vực tư có thể đưa phản ứng, thúc đẩy cho lĩnh vực công thay đổi, cải tiến.
Việt Nam cần đổi mới tư duy và phương thức tổ chức giáo dục dạy nghề theo 6 hướng đồng hành, hợp tác - ông Vũ Tiến Lộc nhận địnhCòn ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI nhận định, cải cách hệ thống giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng lao động là yêu cầu quan trọng hiện nay. Trong việc cải cách đào tạo nguồn nhân lực thì vai trò doanh nghiệp rất quan trọng. Doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay không phải chỉ là người đặt hàng, khách hàng của ngành giáo dục còn phải là chủ nhân, nhà đầu tư của hệ thống giáo dục.
Theo ông Lộc, Việt Nam cần đổi mới tư duy và phương thức tổ chức giáo dục dạy nghề theo 6 hướng đồng hành, hợp tác. Một là, doanh nghiệp là người dự báo nhu cầu và đặt hàng với cơ sở đào tạo. Hai là doanh nghiệp tham gia xây dựng giáo trình cùng các cơ sở. Ba là doanh nghiệp tham gia giảng dạy. Bốn là nơi học viên thực tập, thực hành trong quá trình đào tạo. Năm là doanh nghiệp cùng cơ sở đào tạo kiểm định chất lượng của giáo dục đào tạo. Sáu là, doanh nghiệp là nơi iếp nhận và sử dụng nguồn lao động.
Đồng quan điểm với ông Vũ Tiến Lộc, bà Nguyễn Thị Nhàn - Giám đốc dự án CLS (Cloud Learning System) nhận định, để thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của bài toán nguồn nhân lực, các doanh nghiệp cần phải chủ động thay đổi, đưa ra giải pháp cải thiện chứ không nên chờ đợi từ thị trường một cách bị động như trước.
Cùng với đó, cần ứng dụng công nghệ để cải thiện chất lượng lao động ngay từ khâu giáo dục phổ thông, đào tạo nghề và đào tạo nội bộ từ chính doanh nghiệp. Bởi chất lượng lao động thấp không chỉ làm giảm hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam mà còn làm cho thu nhập của người lao động không cao.