Chủ động đón đầu cơ hội từ CPTPP

Chỉ còn vài ngày nữa, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết chính thức vào ngày 8/3 tại Chile. Đây là Hiệp định hứa hẹn sẽ mang lại nhiều cơ hội cho người dâ

Trước khi lên đường sang Chile, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã dành thời gian trả lời phỏng vấn báo chí xung quanh những cơ hội và thách thức do CPTPP mang lại.

Dưới đây là toàn bộ nội dung buổi phóng vấn đã được phóng viên Tạp chí Công Thương ghi lại:

Phóng viên: Kính thưa Bộ trưởng, ngày 8/3 tới đây, CPTPP chính thức được ký kết. Vậy, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có những cơ hội nào và doanh nghiệp ngành nào sẽ được hưởng lợi nhiều nhất?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Đối với Việt Nam, những tác động tích cực của CPTPP là tương đối toàn diện. Tất cả những khuôn khổ hội nhập đều hàm chứa những tác động tích cực và cả những điều ngược lại.

Khi chúng ta thực thi những cam kết hội nhập CPTPP thì những năng lực cạnh tranh, thông qua một môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được hoàn thiện theo hướng công khai, minh bạch và thuận lợi hóa, thể chế được hoàn thiện, thì chắc chắn rằng, năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế và các ngành nghề, doanh nghiệp và sản phẩm được cải thiện và nâng cao hơn nữa. Như vậy, những điều kiện của Việt Nam trong công cuộc tiếp cận thị trường thế giới, cũng như việc hưởng lợi từ những thị trường này, là những thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Hiệp định CPTPP mang lại cả những cơ hội và thách thức, thậm chí cả nguy cơ cho các doanh nghiệp và người dân Việt Nam

Thứ hai, với một môi trường liên tục được hoàn thiện những cải cách về thể chế cũng như từng lĩnh vực cụ thể của quản lý Nhà nước, đặc biệt là môi trường đầu tư kinh doanh, thì điều kiện để chúng ta thu hút đầu tư, có những nguồn lực từ bên ngoài, sẽ được cải thiện nhanh chóng trong thời gian tới.

Riêng năm 2017, thu hút đầu tư của Việt Nam đã đạt con số kỷ lục là 36 tỷ USD. Dự đoán, nếu như Hiệp định CPTPP hay những khuôn khổ hội nhập khác, trong đó có EVFTA được thông qua, ký kết và đi vào cuộc sống thì sẽ có những sự tăng trưởng đột biến về hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Đây chính là điều kiện nữa để chúng ta tiếp tục tăng cường nguồn lực phục vụ cho đầu tư – phát triển, tiếp tục tăng cường hơn nữa năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và đặc biệt là trong việc tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng cạnh tranh có hiệu quả và gắn với những chuỗi cung ứng của toàn cầu.

Những lĩnh vực, ngành hàng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất và trực tiếp từ Hiệp định, có thể kể đến như: dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đặc biệt là các ngành đồ uống, bánh kẹo, thuốc lá, rượu bia… Còn những ngành khác, không phải không có lợi ích, mà nó phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị, cho việc tái cơ cấu lại nền kinh tế, đảm bảo được hiệu quả cao hơn về cơ hội của Hiệp định này.

Phóng viên: Theo Bộ trưởng, các doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để tận dụng các cơ hội đó?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Để tận dụng được các lợi ích nêu trên, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.

Để tận dụng những cơ hội do CPTPP mang lại, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh

Doanh nghiệp cần có cái nhìn bao quát đối với Hiệp định, không chỉ tìm hiểu thông tin về lĩnh vực trực tiếp liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Hiện nay, toàn bộ văn kiện tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt của Hiệp định CPTPP đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của Bộ Công Thương. Đây là kênh thông tin hữu ích cho tất cả các đối tượng quan tâm đến Hiệp định CPTPP.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng nêu trên.

Cuối cùng, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác nêu trên để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đồng thời, đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp của ta tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, bên cạnh những cơ hội mà CPTPP mang lại thì những thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam là gì?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Thách thức, khó khăn, thậm chí cả nguy cơ, không chỉ đặt ra cho các doanh nghiệp mà còn cả đối với người dân.

Người dân phụ thuộc vào chính sách của Chính phủ, nhà nước… Tôi cho rằng, nhãn tiền từ thực tiễn của hội nhập cho thấy từ năm 1995 đến nay với tổ chức thương mại thế giới WTO, BTA với Hoa Kỳ, CPA với Nhật Bản… đã cho chúng ta thấy, nếu tổ chức tốt các cơ hội khai thác thị trường, thực thi cam kết hội nhập, gắn với nền kinh tế một cách chủ động thì tác động tiêu cực sẽ bị hạn chế.

Ví dụ, ngành dịch vụ đang có tăng trưởng đột biến như ngành viễn thông, bưu chính, thương mại điện tử... phát triển rất nhanh chóng; sự đột biến của dệt may, da giày... Nhưng ngược lại chúng ta đã thấy trong lĩnh vực nông nghiệp như canh tác mía và ngành công nghiệp mía đường, chúng ta đã rất chậm trong đổi mới và tái cơ cấu ngành này.

Điều đó cho thấy, những tác động rất nhiều chiều và có cả những tác động tiêu cực, nguy cơ đe dọa đối với một số ngành kinh tế, cũng như tác động đến lợi ích của người nông dân, người tiêu dùng và của những bộ phận dễ bị tổn thương, yếm thế trong xã hội.

Phóng viên: Vâng, vậy từ những thách thức nêu trên, Bộ Công Thương đã có những kế hoạch ngắn hạn và dài hạn như thế nào để giúp doanh nghiệp và người dân nắm bắt được những cơ hội mà CPTPP mang lại?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Việc đầu tiên đối với Hiệp định CPTPP, cũng như các hiệp định khác đã ký kết và phê chuẩn thời gian tới, yếu tố quan trọng nhất, đó là phải có một chương trình hành động mang tính tổng thể của đất nước, của nền kinh tế, để chuẩn bị cho việc thực thi các cam kết hội nhập.

Với nỗ lực chung của Chính phủ và các bộ ngành, chắc chắn sẽ có biện pháp ngăn chặn và giảm thiểu tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp khi CPTPP chính thức được ký kết - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định

Với CPTPP, sắp tới chúng tôi sẽ trình kế hoạch hành động cụ thể lên Chính phủ để ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, người dân và doanh nghiệp Việt Nam sẽ tận dụng tốt các cơ hội mà CPTPP mang lại. Chương trình hành động tổng thể và toàn diện này có sự tham gia của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, địa phương, hiệp hội và người dân.

Thứ hai, yếu tố rất then chốt và quan trọng là việc rà soát, pháp lý về “nội luật hóa” những cam kết hội nhập của chúng ta trong khuôn khổ Hiệp định này, có thể nói là rất nặng nề, bởi nó có tính toàn diện, động chạm tới toàn bộ nền kinh tế, xã hội. Chúng ta sẽ phải làm liên tục ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.

Thứ ba, công tác tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin về Hiệp định cũng như về chương trình hành động, xác định rõ nhiệm vụ để có sự tham gia, mang tính chủ động. Yếu tố tham gia mang tính chủ động là then chốt cho sự thành công của cộng đồng doanh nghiệp, và cả đảm bảo cho sự thành công của nền kinh tế khi hội nhập.

Thứ tư, những nỗ lực của Chính phủ để tiếp tục cải cách, cải cách thể chế, khuôn khổ luật pháp liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh, XNK, cũng như các hoạt động về dịch vụ cho xã hội.

Năm 2018, chúng ta sẽ chứng kiến Hiệp định được ký kết và sẽ sớm được thông qua vào dịp giữa năm hoặc cuối năm. Như vậy, Hiệp định này sẽ phát huy được ý nghĩa, vai trò của nó, tạo động lực cho phát triển, phát triển bền vững và thực hiện được mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển 5 năm 2016-2021.

Với nỗ lực chung của Chính phủ và các bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương, chắc chắn sẽ tạo ra những tiền đề để cho người dân và doanh nghiệp thụ hưởng được những thuận lợi, cũng như có biện pháp ngăn chặn và giảm thiểu tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp.


Hoàng Hòa