Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh: CPTPP vẫn còn nguyên giá trị của một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới

Để mở cơ hội cho Mỹ quay trở lại bàn đàm phán nhưng CPTPP vẫn duy trì các tiêu chuẩn cao của TPP thể hiện quyết tâm cải cách, nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư của mỗi nước, phù hợp với yêu cầu của t

Sau kết quả đạt được tại các cuộc đàm phán bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng (Việt Nam), với sự ra đời của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các đoàn đàm phán của 11 nước thành viên tiếp tục gặp hái thêm thành công sau khi đạt được tiếng nói chung hôm 23/1 tại Nhật Bản. CPTPP sẽ chính thức được ký vào ngày 8/3 tới tại Chile.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, những vấn đề còn tồn tại sau cuộc họp tại Đà Nẵng đã được xử lý, trong đó bao gồm các nội dung liên quan đến lao động của Việt Nam, bảo lưu về văn hóa của Canada, bảo lưu về cơ chế dành cho Tập đoàn Petronas của Malaysia….

Duy trì tiêu chuẩn cao của TPP

Chia sẻ về CPTPP, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: "Với tinh thần kế thừa nội dung nền tảng của TPP-12, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay còn gọi là TPP-11 vẫn được coi là hiệp định thế hệ mới với những đòi hỏi rất cao và toàn diện. 11 quốc gia tham gia TPP-11 đều thống nhất duy trì tiêu chuẩn cao của TPP nhằm thể hiện quyết tâm cải cách nhằm thúc đẩy phát triển thương mại, đầu tư của mỗi nước phù hợp với yêu cầu của toàn cầu hóa".

Theo Bộ trưởng, nếu xét thuần về quy mô thị trường và những lợi ích mang lại cho Việt Nam, CPTPP rõ ràng không thể bằng TPP bởi Mỹ, đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam đã rút khỏi. Đây là sự mất mát trong khía cạnh thuần về kinh tế, thương mại và đầu tư.

Tuy nhiên, CPTPP vẫn còn nguyên giá trị của một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Với Việt Nam, quốc gia có độ mở kinh tế lớn, chúng ta đang rất cần những sự hoàn thiện mới về khuôn khổ pháp luật, về thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh để có thể thu hút hơn nữa những nguồn lực phục vụ phát triển, sản xuất và đầu tư.


Chúng ta cần thông qua các cải cách để hoàn thiện thể chế và tiết chế của nhà nước nhằm đảm bảo sự phát triển, đồng bộ, toàn diện của một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và vai trò của nhà nước pháp quyền. Ngoài ra, chúng ta còn có nhiều lợi ích về kinh tế, thương mại và đầu tư của các nước đối tác khác trong CPTPP.

"Quan điểm của các quốc gia khi tiếp tục đàm phán, trao đổi và chuẩn bị ký kết CPTPP là đều mở cửa cho sự trở lại của Mỹ và các quốc gia khác nếu có nguyện vọng tham gia. Có thể nói, CPTPP còn nguyên giá trị và những ý nghĩa thiết thực với Việt Nam trong tinh thần của công cuộc đổi mới, hội nhập và công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Tổng thống Trump để ngỏ khả năng quay lại TPP

Ngay sau thông tin kết thúc đàm phán CPTPP, AFP dẫn lời Thủ tướng Canada Justin Trudeau mô tả hiệp định này là "một thỏa thuận đúng đắn" và CPTPP đánh dấu "ngày của nền thương mại tiến bộ trên thế giới". Tuyên bố này rất có ý nghĩa bởi bên là Tuần lễ Cấp cao APEC tại Việt Nam, Canada là nước khiến TPP-11 lâm vào tình thế hiểm nghèo.


Trong khi đó, phát biểu bên lề Diễn đàn kinh tế thế giới 2018 đang diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ xem xét lại TPP nếu như Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận "thực sự tốt hơn".

Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã tuyên bố quay lưng với TPP và đàm phán lại một số hiệp định thương mại tự do khác nhằm bảo vệ lợi ích của nước Mỹ. Với tiêu chí "nước Mỹ là trên hết", ông Trump khiến thế giới quan ngại về sự quay trở lại của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, vốn đi ngược những nỗ lực toàn cầu hóa đang được thúc đẩy mạnh mẽ.

Sự rút lui của Mỹ khiến nhiều người cho rằng TPP đã chết lâm sàng. Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực của các nước thành viên, trong đó dẫn đầu là Nhật Bản, 11 nước còn lại đã tìm được tiếng nói chung về một hiệp định thay thế TPP nhưng vẫn kế thừa những tiêu chuẩn cao và sự tiến bộ của nó.

CPTPP vẫn giữ nguyên các nội dung của TPP cũ nhưng cho một số các nước thành viên tạm hoãn các nghĩa vụ. CPTPP là toàn diện, cân bằng lợi ích các thành viên, có tính tới lợi ích của các nước. Điều số 12 trong CPTPP nêu danh sách những điều khoản tạm hoãn, chưa được áp dụng. Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực 60 ngày sau khi ký, tức ngày 8/5/2018.



Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết Nhật Bản sẽ giải thích tầm quan trọng của CPTPP với Mỹ để thuyết phục nền kinh tế số 1 thế giới quay trở lại. Trước đó, Thủ tướng Australia Malcom Turnbull cũng khẳng định thỏa thuận mới vẫn mở cửa để chào đón sự tái nhập của Mỹ.

Hiện tại, CPTPP có 11 nước thành viên là Canada, Australia, Brunei, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.