Tham dự các kỳ họp có đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Hải quan. Về phía Hàn Quốc có đại diện các đơn vị thuộc Bộ Thương mại, Công nghiệp, Năng lượng Hàn Quốc, Ủy ban Thương mại Hàn Quốc, đại diện Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc, Tổng cục Hải Quan Hàn Quốc và một số doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng.
Các kỳ họp Ủy ban hỗn hợp giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp, Năng lượng Hàn Quốc tổ chức tại Hà Nội lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm cụ thể hóa nội hàm Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện mà Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Hàn Quốc vừa tuyên bố nâng cấp vào đầu tháng 12/2022.
Kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng
Tại kỳ họp, hai Bộ trưởng bày tỏ hài lòng về những kết quả thực hiện các thỏa thuận giữa hai Bộ tại Kỳ họp Ủy ban hỗn hợp lần thứ 11 và vui mừng nhận thấy những bước phát triển tích cực trong quan hệ hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng. Kim ngạch thương mại song phương cả năm 2022 dự kiến đạt gần 90 tỷ USD, tăng 12,3% so với năm 2021.
Trong lĩnh vực thương mại, hai Bộ trưởng đã nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thực hiện hiệu quả chương trình hành động đã thống nhất nhằm hoàn thành mục tiêu kim ngạch song phương 100 tỷ USD vào năm 2023. Hai Bên cũng thống nhất tăng cường tạo thuận lợi hóa thương mại, mở cửa thị trường, tháo gỡ khó khăn cho hàng nông sản, thực phẩm của nhau.
Thúc đẩy hỗ trợ lẫn nhau tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, các hội thảo giao thương, các đoàn tham dự Hội chợ tổ chức ở mỗi nước; Thiết lập một khuôn khổ hợp tác trong lĩnh vực Thương mại điện tử và Kinh tế số.
Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực phòng vệ thương mại; Nghiên cứu chung để thiết kế một dự án hỗ trợ của Hàn Quốc dành cho Việt Nam nâng cao năng lực trong lĩnh vực dịch vụ phân phối; Hợp tác chặt chẽ trong các khuôn khổ đa phương và hợp tác thực thi hiệu quả các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực.
Đặc biệt, sau khi Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên có ý kiến với Đại sứ Hàn Quốc ngày 30 tháng 11 năm 2022 về việc dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu tạm thời cà rốt của Việt Nam và sau khi các cơ quan liên quan hai nước đã hợp tác xử lý, Bộ Thương mại, Công nghiệp, Năng lượng Hàn Quốc thông báo Cơ quan Kiểm dịch Động Thực vật Hàn Quốc (KAPQA) đã dỡ bỏ lệnh cấm này từ ngày 21/12/2022.
Trong lĩnh vực công nghiệp, hai Bộ trưởng nhất trí giao cấp kỹ thuật hai Bên sớm thảo luận, thống nhất kế hoạch hành động triển khai Biên bản ghi nhớ về Hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản thiết yếu được Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc ký ngày 05/12/2022.
Hai Bên cũng đã thảo luận, thống nhất các hoạt động thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nguyên vật liệu và linh kiện trong trung và dài hạn thông qua hoạt động vận hành Trung tâm tư vấn công nghệ và giải pháp Việt Nam (VITASK); Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực chuyển giao nhân lực ngành đóng tàu trong bối cảnh Hàn Quốc đang thiếu hụt lao động trong ngành này.
Tăng cường kết nối đầu tư và hợp tác trong lĩnh vực dệt may, công nghiệp ô tô v.v... nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, tạo cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Hàn Quốc cũng như toàn cầu. Hàn Quốc cũng nhất trí kéo dài thời gian cử chuyên gia tư vấn, hỗ trợ Việt Nam xây dựng Luật Phát triển công nghiệp.
Trong lĩnh vực năng lượng, các nội dung hợp tác phát triển điện lực, tài nguyên năng lượng và hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và an toàn năng lượng cũng cũng được hai Bộ trưởng thảo luận và thống nhất tại Kỳ họp.
Theo đề nghị của phía Việt Nam, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc nhất trí phối hợp chặt chẽ triển khai các hoạt động hợp tác gồm hỗ trợ chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và thúc đẩy chuyển giao công nghệ như thu hồi các bon, công nghệ pin năng lượng hydrogen, công nghệ đồng đốt a-mô-ni-ắc v.v... nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam; Tiếp tục cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam nâng cao năng lực về quản lý an toàn năng lượng, tiết kiệm năng lượng, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về khí thiên nhiên hóa lỏng, về cơ sở hạ tầng LNG.
Kỳ họp lần thứ 6 của Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc
Tại kỳ họp này, hai đồng Chủ trì hoan nghênh việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc được triển khai thuận lợi trong bảy năm qua. Đánh dấu sự phát triển đáng kể và ổn định của thương mại hàng hóa hai chiều bất chấp những bấn ổn của kinh tế thế giới, hai Bên tái khẳng định tầm quan trọng của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc đối với việc mở rộng thương mại và đầu tư, góp phần hoàn thành mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 100 tỷ USD vào năm 2023.
Hai Bộ trưởng đã trao đổi và nhất trí về phương hướng triển khai các nội dung hợp tác trong các lĩnh vực như hải quan và xuất xứ hàng hóa, hợp tác kinh tế, các biện pháp phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật thương mại, thiết lập Hệ thống trao đổi dữ liệu xuất xứ điện tử (EODES) v.v... nhằm tháo gỡ các khó khăn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc thực thi và tận dụng tối đa những lợi ích mà Hiệp định VKFTA mang lại.
Kết thúc hai kỳ họp, hai Bộ trưởng đã cùng ký kết 5 văn kiện bao gồm Biên bản kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng Việt Nam-Hàn Quốc; Tuyên bố chung của Kỳ họp lần thứ 6 Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc.
Ngoài ra, hai Bộ trưởng cũng đã chứng kiến lễ trao Biên bản ghi nhớ về tư vấn năng lượng giữa Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo với Công ty Hanwha Energy; Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng sạch tại Việt Nam giữa Viện Năng lượng, Bộ Công Thương Việt Nam với Công ty Doosan Enerbility và Viện Công nghệ điện tử Hàn Quốc; Biên bản ghi nhớ về hợp tác về nghiên cứu, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức trong lĩnh vực điện hạt nhân giữa Viên Năng lượng, Bộ Công Thương và Hiệp hội Hạt nhân Hàn Quốc.