Để đảm bảo kết cấu, nội dung dự thảo Nghị định được đầy đủ, chặt chẽ và khả thi khi thực hiện, ngày 12 tháng 8 năm 2016, Cục Hóa chất – Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất. Hội thảo do ông Lưu Hoàng Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất chủ trì.
Những bất cập và hạn chế
Sau gần 8 năm Luật Hoá chất có hiệu lực, Nghị định số 108/2008/NĐ-CP và Nghị định số 26/2011/NĐ-CP đã bộc lộ một số hạn chế, chưa đáp ứng được những đòi hỏi của công tác quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất như: Thời gian xác nhận khai báo hóa chất nhập khẩu còn dài, đôi khi chậm trễ ảnh hưởng đến cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp và tăng chi phí lưu kho tại cửa khẩu; Quy định về Điều kiện sản xuất, kinh doanh hoá chất áp dụng chung cho cả 2 đối tượng sản xuất và kinh doanh hoá chất trong khi 2 loại hình doanh nghiệp này rất khác biệt nhau, yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực cần được quy định riêng để phù hợp với từng loại hình hoạt động; Hoạt động sử dụng, san chiết, đóng gói các hoá chất hạn chế sản xuất, kinh doanh và hoá chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện vốn tiềm ẩn các nguy cơ rủi ro cao lại chưa có quy định để ngăn ngừa, hạn chế tác động đến sức khoẻ con người và môi trường, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội; Quy định xác định khoảng cách an toàn theo ngưỡng định lượng không phù hợp với yêu cầu xác định khoảng cách an toàn xây dựng của Luật Hóa chất, dẫn đến quy chuẩn kỹ thuật về khoảng cách an toàn chưa thể được ban hành; Các Danh mục hóa chất trong thực tế thực thi quy định pháp luật đã phát hiện một số bất cập cần có sự rà soát, sửa đổi các danh mục như: trùng lặp một số hoá chất giữa các danh mục; tên hoá chất và mã số CAS (Chemical Abstracts Service), mã số HS (Harmonized System), mã số UN ((United Nations) ký hiệu gắn với một số hoá chất chưa đủ; không có ngưỡng giới hạn về nồng độ, khối lượng đối với một số danh mục cần có...
Những
nội dung cần sửa đổi
Các quy định tại dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở rà soát, kế thừa các quy định phù hợp cũng như sửa đổi, bổ sung các quy định đã bộc lộ bất cập của Nghị định 108/2008/NĐ-CP, Nghị định 26/2011/NĐ-CP. Đồng thời, các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính trước đây được quy định tại các Thông tư hướng dẫn cũng được nghiên cứu để xây dựng quy định chi tiết tại dự thảo Nghị định để đảm bảo phù hợp với quy định về thẩm quyền quy định điều kiện đầu tư, kinh doanh của Luật Đầu tư và quy định về thẩm quyền quy định thủ tục hành chính của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Theo
quy định của Luật Hoá chất, của Nghị định số 108/2009/NĐ-CP, Nghị định số
26/2011/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hóa chất hiện nay
các hoá chất nguy hiểm được chia thành 8 danh mục với yêu cầu quản lý khác
nhau. Dự thảo Nghị định Ban hành các danh mục hoá chất trên cơ sở rà soát vừa đảm
bảo tính khoa học và thực tế để giảm số lượng các hoá chất (loại bỏ một số hoá
chất khỏi các danh mục cần kiểm soát đối với các hoá chất ít nguy hiểm), tránh
trùng lặp giữa các danh mục hóa chất. Cụ thể: Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh đã được xây dựng
lại trên cơ sở tham khảo có chọn lọc danh mục hóa chất quản lý đặc biệt của
châu Âu và danh mục hóa chất hạn chế của Trung Quốc, hai thị trường cung cấp
hóa chất chính của Việt Nam, đồng thời bổ sung các hóa chất thuộc Công ước Rotterdam
mà Việt Nam là thành viên.
Số lượng hóa chất của Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh đã giảm từ 212 chất và nhóm chất xuống 123 chất và nhóm chất. Đối với, danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành công nghiệp đã được rà soát lại theo hướng loại bỏ hóa chất đã có tên trong Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh và các hóa chất ít nguy hiểm, giữ lại các hóa chất có tối thiểu một trong các tính chất nguy hiểm như sau: độc cấp tính đối với sức khỏe cấp 1, 2, 3; các chất dễ cháy, nổ cấp 1, 2, 3; các chất độc hại với môi trường cấp 1; các chất gây ung thư, biến đổi gen, bổ sung thêm các hóa chất là tiền chất công nghiệp và một số hóa chất khác. Số lượng hóa chất trong Danh mục giảm xuống còn hơn 800 chất và nhóm chất.
Riêng đối với Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, Dự thảo Nghị định bỏ Danh mục hóa chất phải xây dựng Biện pháp và quy định tất cả hóa chất nguy hiểm không thuộc Danh mục hóa chất phải xây dựng Kế hoạch thì đều phải xây dựng Biện pháp để đảm bảo phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 36 của Luật Hóa Chất: chủ đầu tư các dự án hoạt động hóa chất nguy hiểm không thuộc Danh mục hóa chất phải xây dựng Kế hoạch thì phải xây dựng Biện pháp. Danh mục hóa chất phải xây dựng kế hoạch gồm 275 chất và nhóm chất đã được rà soát lại trên cơ sở tham khảo, đối chiếu với danh mục hóa chất quy định tại Chỉ thị 2012/18/EU của Hội đồng châu Âu về kiểm soát sự cố liên quan đến hóa chất nguy hiểm (Seveso III), theo đó, ngưỡng khối lượng hóa chất phải xây dựng Kế hoạch nhìn chung đã được điều chỉnh tăng lên khá nhiều so với Danh mục cũ.
Quy định về khai báo hóa chất tại dự thảo Nghị định đã có nhiều thay đổi cơ bản so với quy định hiện hành nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo mục đích và hiệu quả của công tác quản lý: giảm thời hạn xác nhận khai báo sản xuất còn 04 ngày làm việc; khai báo hóa chất và xác nhận khai báo hóa chất nhập khẩu được thực hiện hoàn toàn qua hệ thống khai báo trực tuyến điện tử với thời hạn xác nhận giảm còn 03 ngày làm việc.
Danh mục hoá chất phải khai báo đã được rà soát, loại bỏ hóa chất không phải là hoá chất nguy hiểm, không ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người, động vật và môi trường.
Dự thảo Nghị định cũng quy định các trường hợp miễn trừ khai báo đối với hóa chất được sản xuất, nhập khẩu một lần phục vụ an ninh, quốc phòng, ứng phó các sự cố thiên tai, dịch bệnh khẩn cấp; hóa chất sản xuất, nhập khẩu dưới 10 kg một lần nhập khẩu không thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh; hóa chất là tiền chất ma túy, tiền chất thuốc nổ và vật liệu nổ công nghiệp, hóa chất bảng đã được cấp phép cũng không cần phải khai báo khi nhập khẩu.
Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương và các Bộ ngành hữu quan luôn: Kế thừa những quy định phù hợp tại Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 26/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2008/NĐ-CP; Đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có hoạt động hoá chất; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp hóa chất, trong khi vẫn đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động hóa chất, đảm bảo an toàn, môi trường hướng đến phát triển bền vững; Đảm bảo tuân thủ các quy định của Luật Hóa chất và sự phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành; đảm bảo sự phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của các Bộ chuyên ngành, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành có liên quan.