Cuối tháng 3 rồi: Săn "lộc nước" đi thôi!

Đến xóm Tân Châu, thành phố Hưng Yên vào những ngày này, chỉ có trẻ con chơi với nhau. Hỏi ra mới biết, người dân nơi đây rủ nhau đi săn "lộc nước" hay còn gọi là cá mòi.

Sự tích cá mòi …

Những người già trong làng kể rằng cá mòi là hóa thân của chim ngói. Ngay từ khi nhận thức được, trẻ con trong xóm đã biết tới câu chuyện về nguồn gốc của cá mòi. Tuy nhiên, không hiểu sao mỗi vụ cá về, chúng đều háo hức nghe người lớn nhắc lại câu chuyện tưởng như đã cũ.

Ai đã từng thưởng thức hay chế biến cá mòi sẽ biết cá mòi có mề giống mề chim ngói. Có lẽ vì vậy mà bao thế hệ ngư dân nơi đây vẫn truyền tai nhau nghe sự tích chim ngói hóa cá mòi. Hằng năm, khi trời vào thu, khí hậu mát mẻ, chim ngói bay theo đàn từ rừng ra cửa biển rồi hóa cá. Đến mùa xuân, đặc biệt là từ tháng ba trở ra, cá mòi lại từ biển bơi ngược về sông. Cá mòi xuất hiện ở nhiều con sông như sông Thu Bồn, sông Lam…. Tuy nhiên, những người sành về ẩm thực đều khẳng định cá mòi ở sông Hồng là thơm ngon nhất.

Một sự tích khác khiến cho cá mòi sông Hồng đặc biệt hơn và chỉ lưu truyền ở Phố Hiến bởi nó gắn liền với lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Điểm đặc biệt của lễ hội này là thường được tổ chức, rước nước trên sông Hồng. Thời điểm tổ chức lễ hội trùng với thời điểm cá mòi vượt biển về sông Hồng. Người dân cho rằng cá mòi tự hiến thân mình để cúng Chử Đồng Tử- cũng chính là ông tổ của nghề chài lưới. Bởi vậy, vàongày lễ, nhân dân thường chọn những con cá to nhất để dâng lên. Cá mòi được xem là lộc trời cho của ngư dân vùng cửa sông.

Ông Thắng, người có hơn 20 năm đánh bắt cá mòi trên sông kể rằng, bao lần các nhà khoa học đến đây khảo sát, mua cá mòi còn giãy đành đạch để bóp trứng, nghiên cứu khả năng sinh sản nhân tạo của loại cá đặc biệt này.

Những nhà nghiên cứu thì lí giải sự xuất hiện của cá mòi ở dòng sông này bởi nơi đây gần cửa sông Ba Lạt, nhiệt độ nồng độ nước thích hợp cho việc trú ngụ và sinh sản của cá mòi. Cũng vì vậy mà sản lượng cá ở Tân Châu thường lớn nhất và ngư dân bắt được những con to nhất, ngon nhất. Người dân Tân Châu không quan tâm lắm về điều này. Thậm chí không cần nhìn lịch, chỉ cần khi những bông hoa gạo đầu tiên trên triền đê rụng xuống, người dân lại bắt đầu mùa săn cá mòi.

Săn cá mòi kiếm bạc triệu

Tân Châu có tới hơn 20 hộ làm nghề chài lưới. Mùa cá mòi được coi là mùa thu hoạch của cả năm. Đến Tân Châu vào vụ cá mòi có lẽ hiếm khi thấy người dân ở nhà bởi họ ra sông gần như cả ngày, thậm chí nhiều gia đình ởluôn trên thuyền trong một tháng vụ.

Cá mòi vượt biển vào sông để đẻ trứng từ tháng giêng trở ra. Tuy nhiên, thời điểm này, lượng cá qua sông Hồng còn khá thưa, cá vẫn còn khá nhỏ và mỏng mình. Thời điểm lí tưởng để đánh bắt cá mà không ảnh hưởng tới nguồn giống cũng như có được con cá béo, dày mình là cuối tháng ba, đầu tháng tư. Chính vì cá chỉ rộ trong một tháng nên người dân đều chuẩn bị kĩ và tập trung để thả lưới, kiếm được một khoản kha khá.

Ông Thắng, một người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong đánh bắt cá mòi chia sẻ: “Chỉ cần nhìn hướng gió và thời tiết thay đổi là có thể biết được cá mòi đang rộ”.

Loài cá này rất tinh nhưng vì gắn bó từ nhỏ nên ông có thể nắm bắt hết đặc tính sinh sản cũng như dòng di cư của chúng. Chính vì có bí quyết riêng nên trong số nhiều hộ đánh cá mòi tại đây, ông Thắng là người có sản lượng cá cũng như thu nhập cao hơn hẳn.

Những ngày này, bến đò Tân Châu đông vui và nhộn nhịp hơn hẳn. Theo chân ông Thắng, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình săn lộc trời nước. Nhìn công tác chuẩn bị người ta có thể đoán được đánh bắt cá mòi, thậm chí để kiếm được tiền triệu một ngày từ cá mòi không phải là điều đơn giản.

Lưới đánh bắt cá mòi là lưới đặc chủng, được thiết kế riêng. Trước đây, người dân sử dụng lưới quân, làm từ sợi tơ tằm, sợi mảnh để đánh bắt cá mòi. Tuy nhiên, chất liệu tơ tằm rất nhanh hỏng do nước cá tanh ăn mòn sợi. Sau này, ông Thắng cùng ngư dân ở đây đặt lưới bắt riêng, tiết kiệm được nhiều thời gian khi không phải thường xuyên đan lưới tơ tằm.

Các ngư dân đánh cá mòi có đặc điểm ngoại hình dễ dàng là là nước da rám nắng, chân tay gân guốc. Công việc đánh bắt cá mòi khiếnhọ phải thường xuyên đối diện với nắng gió, sương đêm. Thêm vào đó, đặc tính tinh nhanh của loài cá này khiến việc bắt cá vừa khéo léo vừa nhanh chóng. Đôi bàn chânthoăn thoắt đẩy hai mái chéo, đôi tay ông Thắng nhẹ nhàng thả lưới xuống dưới nước.

Trung bình mỗi mẻ cá cho thu từ 5-7kg, có mẻ lên đến 20kg. Mấy năm gần đây, số hộ đánh bắt cá mòi vào vụ nhiều hơn. Vì vậy, để duy trì lượng cá đánh bắt, ban ngày người dân Tân Châu phải thay phiên nhau đi. Nhà này thu lưới về thì nhà kia buông lưới. Trung bình, mỗi thuyền ra sông từ 4- 5 lần. Với giá bán buôn khoảng 30.000 d/1kg đây là một khoản thu nhập không nhỏ cho các hộ gia đình.

Thành quả từ mẻ lưới đầu tiên của ông Thắng

Ông Thắng chia sẻ: “Trung bình, mỗi vụ cá mòi, gia đình tôi kiếm được khoảng 20 triệu. Nếu thời tiết thuận và ấm hơn thì có thể được nhiều hơn”.

“Nhiều gia đình ngư dân xây dựng nhà cửa, sắm sửa đồ đạc nhờ vào đánh bắt cá mòi... Ngư dân nơi đây gọi mùa đánh bắt cá mòi là mùa thu nhập của năm.” Bà Khánh, đang gỡ cá ở thuyền bên nghe chúng tôi nói chuyện cũng góp vui vào một hai câu.

Rảo tay thu lưới về, ông Thắng hớn hở khoe mẻ cá mòi nặng trịch. Giống cá mòi rất yếu, chỉ cần lên cạn khoảng 15 phút là chúng chết. Chính vì vậy, người gỡ phải nhanh tay, sau đó đưa luôn vào thùng xốp đá bảo quản để cá giữ được độ tươi ngon. Những con mòi dài độ 10-15 cm, vảy li ti, lóng lánh như bạc, mắt trong veo, xoe tròn, giãy thay lảymột hồi rồi hết ngáp.

Cùng gặp nhau đánh cá trên một khúc sông, những người chài lưới lại chào nhau bằng những nụ cười và hỏi han xem hôm nay kết quả đánh bắt thế nào. Mùa cá mòi diễn ra ngắn ngủi, chỉ rộ hơn một tháng nhưng cũng đem lại thu nhập khá cho bà con làng chài.

Bao nhiêu năm qua, sông Hồng vào vụ cá mòi chưa bao giờ chìm trong bóng đêm. Hình ảnh con sông lấp lánh ánh đèn pha trong đêm đã trở thành một phần kí ức quen thuộc của những ngư dân bến đò Tân Châu.

Giờ tàu thuyền tấp nập, con người cũng khác, chỉ códòng sông mẹ bao năm vẫn thế, chắt chiu phù sa bồi đắp nuôi lớn bao thế hệ ngư dân nơi đây.

Đỗ Chuẩn