Thời trang Nhật theo chân nhau đến Việt Nam
Người Nhật dường như đang muốn tạo dấu ấn tại thị trường thời trang Việt Nam khi liên tục đầu tư và mua lại các hãng thời trang Việt. NEM Fashion, một hãng thời trang Việt đã phải bán mình cho đối tác từ Nhật Bản là tập đoàn Stripe International, sau khi thua lỗ triền miên nhiều năm liên tục.
Không thể ngồi yên, năm 2018 hãng thời trang nữ của Nhật là Uniqlo cũng sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu USD để mua 35% cổ phần của thương hiệu thời trang nữ Elise Việt Nam. Theo nhiều nguồn tin thời điểm đó, Uniqlo bỏ ra khoản tiền cao hơn nhiều so với vốn điều lệ của Elise chỉ để có được 35% cồ phần, với mục đích mở cửa hàng Uniqlo tại Việt Nam. Hiện hãng Uniqlo đang tiến hành những khâu cuối cùng để chính thức khai trương tại Việt Nam.
Cuộc chạm trán giữa các hãng thời trang Nhật cũng đang gay cấn trong thời gian ngắn gần đây khi hãng bán lẻ MUJI cũng sắp mở cửa hàng tại thị trường Việt Nam vào đầu 2020. Như vậy, MUJI với lợi thế cung cấp đa dạng các sản phẩm trong đó có thời trang cũng sẽ góp phần làm sôi động thị trường Việt trong thời gian ngắn tới đây.
Trước những kế hoạch đổ bộ vào thị trường Việt khá cận kề của các hãng thời trang Nhật, hãng Stripe không muốn chậm chân khi vừa đưa tin về một cuộc mở rộng tại thị trường Việt Nam sau 2 năm mua lại NEM.
Sau khi về tay người Nhật thương hiệu NEM dần thu hẹp tại thị trường TP.HCM và chủ yếu hoạt động tại Hà Nội, nhưng thời gian tới hãng này có kế hoạch mở rộng các cửa hàng tại TP.HCM và Đà Nẵng ngay trong năm nay.
Theo ông nói Tsutomu Harigae, tổng giám đốc và CEO của Stripe Vietnam, chia sẻ trên Nikkei Asian Review, “Khi các thành phố nhỏ phát triển, các văn phòng sẽ xuất hiện. Đó là nơi chúng tôi nhìn thấy cơ hội cho các cửa hàng mới”.
So với thị trường Việt Nam, mức giá bán của NEM hơi cao so với thu nhập trung bình của người dân. Vì vậy, kế hoạch của Stripe sẽ ra mắt một thương hiệu mới rẻ hơn khoảng 10% so với các thương hiệu hiện có trong năm để thu hút các nhóm thu nhập trung bình ở các thành phố nhỏ hơn.
Mục tiêu của Stripe là trở thành nhà sản xuất trang phục phụ nữ số 1 của Việt Nam vào cuối năm tài chính này, với 23 cửa hàng trong nước nhiều hơn năm trước. Công ty này cũng đặt mục tiêu đứng đầu về giá trị, với doanh thu dự kiến sẽ tăng 30% trong năm lên 5,2 tỉ Yên ( tương đương 46,4 triệu USD). Hiện Stripe đang nâng cao kỹ năng của công nhân Việt Nam để đáp ứng chất lượng sản phẩm.
Ngay thời điểm người Nhật liên tục mua lại thương hiệu thời trang Việt thì các hãng thời trang châu Âu cũng ùn ùn kéo đến. Sau Những cái tên khá đắt khách như ZARA, H&M…thì một hãng thời trang bình dân của Italy cũng theo chân ông Johnathan Hạnh Nguyễn vào thị trường Việt vào đầu năm nay.
Thời trang Nhật đấu thời trang châu Âu
Chưa được người Việt biết đến rộng rãi nhưng OVS là thương hiệu thời trang bình dân phổ biến ở châu Âu. Tại Italy, đây là đối thủ chính của H&M. Hãng còn chiếm 15% thị phần phân khúc quần áo trẻ em từ 0 - 14 tuổi nước này.
Tuy nhiên, một nghịch lý là, trong khi các thương hiệu ngoại liên tục vào Việt Nam thì các thương hiệu nội địa lại đang dần vắng bóng. Những thương hiệu thời trang vốn định vị cho giới trẻ như, Blue Exchange, Ninomax, PT 2000, Canifa, Bamboo…đang dần thu hẹp cửa hàng. Đặc biệt là Blue Exchange với khoảng 200 cửa hàng trên toàn quốc nhưng đang thu hẹp khá nhiều.
Nguyên nhân được đưa ra là do người Việt mê hàng hiệu. Theo kết quả khảo sát gần đây của hãng Nielsen, số lượng người Việt mê hàng hiệu đứng thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc (74%) và Ấn Độ (59%). Vì vậy, giới trẻ không mấy mặn mà với thời trang nội. Trong khi đó, các sản phẩm như Uniqlo, H&M, ZARA…lại được ưu chuộng tại Việt Nam.
Điều gì tại Việt Nam đang “quyến rũ” các hãng thời trang ngoại? Tốc độ tăng truởng của thị trường Việt Nam vẫn còn khá tốt. Theo Công ty nghiên cứu thị trường Business Monitor International (BMI), độ lớn thị trường thời trang bao gồm quần áo và giày dép ở Việt Nam trong năm 2018 là 3,8 tỉ USD, trong đó chi tiêu cho quần áo chiếm hơn 3,5 tỉ USD.
Dự báo đến 2021, người Việt chi tiêu cho thời trang vào khoảng 4,7 tỉ USD, và tốc độ chi tiêu cho thời trang tăng trưởng trung bình 10% mỗi năm trong giai đoạn 2017-2021 cao hơn so với trung bình 7% của các năm trước đó.
Cũng phải nói thêm, Việt Nam là nước có tỉ lệ dân số trẻ khá cao so với nhiều nước trong khu vực, những người trẻ ngày càng chuộng thời trang “hàng hiệu”, vì thế các hãng thời trang ngoại không ngần ngại bước chân vào Việt Nam. Cũng theo Bain & Co dự báo, đến năm 2025, hế hệ millennials (sinh từ năm 1980-1998) và centennials (sinh từ năm 1996-2010) sẽ là nhóm đối tượng tiêu thụ 45% sản phẩm thời trang hạng sang trên toàn cầu.