Đại học Điện lực: Đồng hành cùng doanh nghiệp giải bài toán thực tiễn

Sáng ngày 7/6 tại Hà Nội, Trường Đại học Điện lực (EPU) đã tổ chức Hội nghị Kết nối trình bày giải pháp cho các bài toán đặt hàng của doanh nghiệp năm 2024.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ “Hỗ trợ nâng cao năng lực của cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, cơ sở nghiên cứu về đào tạo, truyền thông, cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Chương trình có sự tham dự của Tiến sĩ Đàm Quang Thắng - Chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia; Nhà giáo ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đình Ngọ - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Điện lực; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Châu - Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cùng các chuyên gia, cán bộ giảng viên nhà trường và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, năng lượng, xây dựng đặt hàng với nhà trường nhằm tìm kiếm giải pháp trong quá trình sản xuất và phát triển của doanh nghiệp.

Tại hội nghị, đại diện đến từ các khoa của Trường Đại học Điện lực cùng nhiều chuyên gia đã trình bày và thảo luận giải pháp bài toán đặt hàng của các doanh nghiệp như: "Phân tích cảnh báo tấm pin hoạt động kém hiệu quả trong chuỗi pin của nhà máy điện mặt trời"; "Ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác kiểm tra lưới điện cao thế"; "Giải pháp cho camera an ninh bảo mật, thông minh của Pavana"; "Cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất và cải thiện điều kiện lao động trong việc mạ các chi tiết nhỏ";

"Ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt trong chấm công tại doanh nghiệp"; "Phần mềm điều khiển hệ thống điện không nối lưới (Hệ thống Off- Grid)"; "Giải quyết xung đột giữa hệ thống thoát nước mưa và thoát nước thải trong hạ tầng nội bộ khu nhà ở"; "Xác định công suất điện mặt trời mái nhà tối ưu về kinh tế"; “Triển khai hệ thống theo dõi giám sát tình hình sử dụng năng lượng tại nhà máy”; và “Đáp ứng tốc độ cao và độ chính xác trong cân kiểm”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Châu phát biểu tại Hội nghị.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Châu phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Châu - Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho biết, vừa qua, nhà trường đã tổ chức thành công “Hội nghị đặt hàng giải quyết các bài toán thực tiễn của doanh nghiệp năm 2024”. Qua đó, Trường Đại học Điện lực và các đại biểu đã được lắng nghe các doanh nghiệp đặt hàng những bài toán điển hình để cùng nhau trao đổi, thảo luận và cùng nhau tháo gỡ những vấn đề vướng mắc còn tồn tại trong các doanh nghiệp.

Đối với Trường Đại học Điện lực, “Hội nghị kết nối trình bày giải pháp cho các bài toán đặt hàng của doanh nghiệp năm 2024” có ý nghĩa rất quan trọng với đội ngũ làm công tác nghiên cứu khoa học của nhà trường. Đây không chỉ là cơ hội để chia sẻ kiến thức, mà còn là nền tảng để xây dựng mối quan hệ, tạo ấn tượng mạnh mẽ về thương hiệu và thúc đẩy sự đổi mới.

Đồng thời, đây cũng là dịp để kết nối, tạo ra ý tưởng mới và đưa ra những giải pháp mô hình sản xuất kinh doanh gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng và nâng cao thương hiệu doanh nghiệp theo hướng xanh và bền vững.

“Để đáp ứng yêu cầu lan tỏa các giá trị, gia tăng tính bền vững cho việc đào tạo đội ngũ giảng viên, cố vấn viên, huấn luyện viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Trường Đại học Điện lực liên tục bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, luôn chú trọng tạo cơ hội, môi trường cho các cá nhân hỗ trợ khởi nghiệp được tăng cường cọ xát thực tế, nắm bắt nhu cầu đa dạng của các nhà khởi sự doanh nghiệp tiềm năng, cải tiến chương trình và phương pháp đào tạo linh hoạt và đáp ứng nhu cầu của người học”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Châu khẳng định.

Thông qua sự kiện lần này, Trường Đại học Điện lực mong muốn tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân lực làm công tác khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; nâng cao các hoạt động, dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp có dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, kết nối các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thông qua việc trao đổi, giải đáp các bài toán thực tiễn còn tồn tại tại các doanh nghiệp.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Châu, hoạt động này sẽ là tiền đề để Trường Đại học Điện lực duy trì tổ chức các hội nghị kết nối hợp tác doanh nghiệp thường niên của nhà trường, nhằm tạo nguồn doanh nhân khởi nghiệp trẻ có tư duy mới, sáng tạo, bản lĩnh và được trang bị, bồi dưỡng đầy đủ kiến thức, kỹ năng quản trị kinh doanh hiện đại nhằm nâng cao chất lượng các dự án khởi nghiệp sáng tạo.

TS Đàm Quang Thắng đánh giá cao ý tưởng đổi mới sáng tạo của EPU trong xây dựng và triển khai
TS Đàm Quang Thắng đánh giá cao ý tưởng đổi mới sáng tạo của Trường Đại học Điện lực trong triên khai nhiệm vụ

Cũng chia sẻ tại chương trình hội nghị, Tiến sĩ Đàm Quang Thắng - Chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia đánh giá cao ý tưởng của Trường Đại học Điện lực khi xây dựng nhiệm vụ tham gia vào Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

“Cách tiếp cận của nhà trường đơn giản, gần gũi trong sản xuất của doanh nghiệp. Cách tiếp cận trực tiếp này sẽ giúp tối ưu nguồn lực nghiên cứu khoa học của các nhà trường, đối với sinh viên đây cũng là môi trường lý tưởng để sinh viên có thể đưa ra các ý tưởng sáng tạo. Thay vì nghĩ ra các đề tài nghiên cứu, các bạn sinh viên đã có sẵn đề tài từ thực tiễn của doanh nghiệp đặt hàng để từ đó nghiên cứu và tìm giải pháp.

Thay vì chúng ta tìm kiếm nhiều nguồn lực ở bên ngoài để tìm kiếm giải pháp thì chúng ta có lực lượng hùng hậu tại các trường đại học, chúng tôi gọi đây là “đổi mới sáng tạo mở”. Đó là mô hình để chúng tôi giúp các bạn sinh viên tìm kiếm các ý tưởng khởi nghiệp và lấy các khách hàng, doanh nghiệp là trung tâm”, Tiến sĩ Đàm Quang Thắng cho hay.

Các đại biểu tham dự chương trình chụp ảnh lưu niệm.
Các đại biểu tham dự chương trình chụp ảnh lưu niệm.

Cùng làm rõ một số vấn đề thực tiễn trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đưa ra những giải pháp mang lại hiệu quả tối ưu; tại hội nghị, các cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Điện lực đã trình bày giải pháp cho các bài toán đặt hàng của doanh nghiệp như:

Công ty Cổ phần Năng lượng Bitexco, Công ty Lưới Điện Cao Thế Thành phố Hà Nội, Công ty Cổ phần Công nghệ Pavana, Công ty Cổ phần Phát triển và Ứng dụng Công nghệ Atech, Công ty Cổ phần Xây dựng G7,...

Mạnh Hùng