Chất lượng học tập không ngừng được nâng cao
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên được thành lập ngày 21/12/1966 với tên gọi đầu tiên là Trường Trung học Công nghiệp Hưng Yên (thuộc Bộ Công nghiệp nặng). Đến năm 1970, Nhà trường được đổi tên thành Trường Giáo viên dạy nghề I (thuộc Tổng cục dạy nghề). Năm 1979, Trường được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật I (thuộc Tổng cục dạy nghề, năm 1987 thuộc Bộ Đại học - Trung học chuyên nghiệp, năm 1990 thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Ngày 6/1/2003, Trường được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 04/2003/QĐ-TTg về việc Thành lập Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường có 3 cơ sở với tổng diện tích 38 ha nằm trên địa bàn 2 tỉnh Hưng Yên và Hải Dương. Cơ sở Khoái Châu tại huyện Khoái Châu (trung tâm của tỉnh, cách khu đô thị Ecopark 15 km ), Cơ sở Mỹ Hào tại thị xã Mỹ Hào (nơi tập trung các khu công nghiệp lớn nhất tỉnh Phố nối A, Phố nối B, khu công nghiệp Thăng Long II, khu đô thị Hoà Phát…), tỉnh Hưng Yên và Cơ sở Hải Dương (trung tâm thành phố) tại TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương.
Hiện tại, Nhà trường có quy mô đào tạo khoảng 10 nghìn sinh viên, học viên với 21 ngành đào tạo đại học với 40 chuyên ngành, 08 chuyên ngành thạc sĩ và 02 chuyên ngành tiến sĩ, 05 ngành đào tạo văn bằng hai. Nhà trường có thế mạnh và kinh nghiệm nghiên cứu ứng dụng với các hướng nghiên cứu trọng điểm sau: Công nghệ cơ khí; Công nghệ tự động hóa; Công nghệ robot; Công nghệ thông tin; Công nghệ vật liệu, vật liệu nano; Công nghệ hóa học và xử lý môi trường; Công nghệ dạy học.
Là cơ sở đào tạo có chất lượng và uy tín, trường hiện đào tạo theo định hướng ứng dụng trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật công nghệ, kinh tế, ngoại ngữ và giáo dục nghề nghiệp. Nhà trường cung cấp nguồn nhân lực có đạo đức nghề nghiệp, có kỹ năng thực hành, khả năng nhận thức công nghệ, tri thức khoa học và sáng tạo, với phong cách làm việc chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế. Đồng thời, nhà trường cũng đóng vai trò là cơ sở nghiên cứu, truyền bá tri thức khoa học công nghệ, giáo dục nghề nghiệp cho cộng đồng xã hội và doanh nghiệp.
Tháng 07/2021, Trường được xếp ở vị trí thứ 22 trong bảng xếp hạng các trường đại học ở Việt Nam do Webometrics công bố. Năm 2018, Nhà trường được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đại học Việt Nam. Năm 2020, Nhà trường được công nhận đạt chuẩn xếp hạng UPM 4 sao theo hệ thống tiêu chí đối sánh chất lượng cơ sở giáo dục đại học. Năm 2021, Nhà trường có 4 chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng CTĐT đại học (CNKT Cơ khí, CNKT ô tô, CNKT Điện – Điện tử và Công nghệ thông tin).
Riêng năm học 2021 vừa qua là một năm đặc biệt khó khăn đối với các hoạt động kinh tế xã hội của cả nước và đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo do ảnh hưởng phức tạp của đại dịch Covid-19 diễn ra tại các địa phương. Theo đó, Nhà trường đã phải chuyển từ hình thức giảng dạy trực tiếp sang trực tuyến mất khoảng 8 tháng (từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2021 và từ tháng 9/2021 đến tháng 12/2021). Tuy nhiên, với sự quyết tâm cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ công nhân viên, người lao động và sinh viên, học viên nhà trường đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch công tác năm 2021 với một số kết quả tiêu biểu.
Cụ thể, về đào tạo, toàn trường có 14% học sinh đạt loại giỏi và xuất sắc; 31% loại khá; 35% loại trung bình khá… Dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhà trường vẫn kịp thời tổ chức tốt nghiệp ra trường cho 1.503 sinh viên đại học (trong đó xếp loại tốt nghiệp: xuất sắc 01 sinh viên chiếm 0,1%, loại giỏi 172 sinh viên, chiếm 11,4%; loại khá 1.205 sinh viên, chiếm 80,2%; loại trung bình khá 83 sinh viên, chiếm 8,3%) và 34 học viên cao học.
Đặc biệt, nhà trường đã triển khai hệ thống phần mềm giảng dạy trực tuyến LMS để thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh covid-19 tại địa chỉ: https://lms.utehy.edu.vn/ đã góp phần đảm bảo tiến độ giảng dạy, học tập và vẫn đảm bảo chất lượng. Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát Nhà trường đã tổ chức học trực tiếp, bố trí tăng thời lượng thực hành, học bổ sung kiến thức để cho sinh viên cập nhật kiến thức đảm bảo chất lượng học tập.
Đội ngũ giảng viên luôn được nâng cao chất lượng đào tạo
Một trong những nguyên nhân giúp chất lượng giảng dạy của nhà trường không ngừng nâng cao là do đội ngũ giảng viên nhà trường thường xuyên chủ động nâng cao trình độ giảng dạy. Giai đoạn 2015-2021, trường có tổng số 468 đề tài khoa học công nghệ (KHCN) các cấp, trong đó có 05 đề tài KHCN cấp Nhà nước (Đề tài thuộc quỹ Nafosted), 15 đề tài KHCN cấp Bộ và 400 đề tài KHCN cấp trường.
Tổng số bài báo khoa học đăng trên tạp chí khoa học uy tín, hội thảo trong và ngoài nước của trường đạt gần 1.659 bài với 341 bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế (trong đó số lượng bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI tăng nhanh, nhất là trong năm học 2020-2021 với 72 bài báo), 660 bài báo khoa học đăng trên tạp chí trong nước, 150 bài báo cáo tại các Hội thảo quốc tế và gần 200 báo cáo tại Hội thảo trong nước.
Hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên của Nhà trường cũng đạt được nhiều thành tích tiêu biểu như: Vô địch cuộc thi Robot Châu Á – Thái Bình Dương năm 2015, Giải Nhất cuộc thi Nhà Sáng tạo trẻ với Intel Galileo 2015, 1 Huy chương Bạc Triển lãm quốc tế dành cho Nhà sáng tạo trẻ năm 2019, 1 giải Ba Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học cấp bộ năm 2020, 10 giải thưởng cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Hưng Yên cùng rất nhiều giải các cuộc thi Olympic khác nhau…
Tính đến tháng 10/2021, tổng số cán bộ, giảng viên của trường là 496 người, trong đó: 01 Giáo sư, 11 Phó Giáo sư, 120 Tiến sĩ, 52 Nghiên cứu sinh, 232 Thạc sĩ, 83 Đại học và trình độ khác. Nhiều giảng viên được đào tạo tại các nước có trình độ khoa học giáo dục tiên tiến trên thế giới, có chuyên môn sâu và bề dày kinh nghiệm trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Ngoài ra, thời gian qua, nhà trường đã tiến hành xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ viên chức đáp ứng yêu cầu giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Đã hỗ trợ cán bộ, viên chức học tập nâng cao trình độ tiếng Anh (bằng đại học ngôn ngữ Anh). Chủ động cử cán bộ, giảng viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ tại các cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài nước. Kết quả năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, đã có 246 viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ.
Đầu tư mạnh cho cơ sở vật chất
Xác định cơ sở vật chất là một trong những yếu tố quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học, trong năm 2021 đến tháng 6/2022, nhà trường đã dành nguồn đầu tư thích đáng cho giảng dạy.
Cụ thể như Dự án "Đầu tư thiết bị tin học phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học tại khoa Ngoại ngữ và khoa Điện - Điện tử"; Dự án "Đầu tư tăng cường năng lực nghiên cứu Phòng thí nghiệm Cơ điện tử ứng dụng và vật liệu của Trường Đại học SPKT Hưng Yên" năm 2021; Dự án "Tăng cường năng lực cơ sở vật chất phòng thí nghiệm Cơ khí tự động hoá cho Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên"; Dự án "Đầu tư xây dựng nhà học 5 tầng tại cơ sở Khoái Châu" được đầu tư mới hoàn toàn với quy mô 5 tầng, diện tích sàn khoảng 1.932 m2…
Nhà trường cũng lắp đặt hệ thống cấp nước từ trạm bơm nước Ký túc xá sang Trạm xử lý nước sạch; lắp đặt hệ thống điều hòa, máy chiếu cho các phòng học và triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình nhà Hiệu bộ - Phòng ban chức năng - Giảng đường 7 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng 11.200 m2.
Ngoài ra với sự tài trợ của các Doanh nghiệp rất nhiều các thiết bị thực hành/ thực tập cho sinh viên phải kể đến Phòng Thí nghiệm tự động hóa Misubishi Electric, Phòng Thí nghiệm tự động hóa Inovance, công ty Công nghiệp Việt Nhật tài trợ 01 xe nâng và 13 động cơ ô tô, mỗi phòng thí nghiệm có giá trị hàng tỷ đồng. Sinh viên được học được thực hành trên chính các thiết bị của các công ty/ doanh nghiệp đó sau khi ra trường thì làm cho chính công ty/ doanh nghiệp đó.
Với những sự đầu tư lớn, trải qua gần 56 năm xây dựng và phát triển, Nhà trường đã cung cấp cho thị trường lao động trên 1.000 thạc sĩ, gần 100.000 kỹ sư, cử nhân, kỹ thuật viên, giáo viên dạy nghề góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển đất nước.
Trong 5 năm gần đây, bình quân hàng năm, Nhà trường cung cấp trên 2000 kỹ sư, cử nhân có trình độ Đại học phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế xã hội của khu vực và tỉnh Hưng Yên thuộc các lĩnh vực: Cơ khí, công nghệ kỹ thuật ô tô, chế tạo máy, cơ điện tử, tự động hóa, điện tử công nghiệp, điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ may & thời trang, quản trị kinh doanh, kế toán, ngoại ngữ, công nghệ hóa học và môi trường, sư phạm công nghệ. Đa số sinh viên được các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động đánh giá cao về trình độ chuyên môn, tay nghề, tác phong và thái độ làm việc với mức lương bình quân dao động từ 9 triệu đồng đến 25 triệu đồng/người/tháng.
Trong giai đoạn 2022 - 2025, Nhà trường xác định sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, tuyển dụng thêm giảng viên, tăng quy mô tuyển sinh, đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, phối hợp tốt với các doanh nghiệp để thực hiện tốt công tác đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực đồng bằng Sông Hồng và tỉnh Hưng Yên.
Ghi nhận những đóng góp đó của Nhà trường, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Nhà trường nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2001, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1996, Huân chương Lao động hạng Ba năm 1986 và nhiều Cờ thi đua, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục & Đào tạo, UBND tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và các Bộ ngành trung ương khác.