Cụ thể, tại đại hội, Ban lãnh đạo VNSTEEL đã trình kế hoạch sản xuất kinh doanh 2017 với lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ 200 tỷ đồng, tăng 14.3% so với thực hiện 2016. Hạn mức vay vốn tín dụng 2,940 tỷ đồng trong đó thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản 9.61 tỷ đồng, góp vốn đầu tư 445 tỷ đồng. Theo đó, kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 gồm 5 dự án nhóm B thuộc khối các Công ty con với tổng giá trị 4,001.5 tỷ đồng.
Nhìn chung, trong năm 2016, Hội đồng quản trị đã thực hiện nhiệm vụ của mình một cách quyết liệt, tập trung hoạch định chiến lược, đưa ra các quyết định chính xác, kịp thời chỉ đạo hoạt động SXKD, đẩy mạnh công tác giám sát hoạt động của Ban điều hành, đảm bảo cân đối hài hòa lợi ích của Tổng công ty, của các cổ đông cũng như quyền lợi của người lao động, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển bền vững của Tổng công ty.
Trả lời thắc mắc của một số cổ đông về việc Ban lãnh đạo đã không đưa ra con số cụ thể về doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến 2017, mà cổ đông chỉ biết được VNSTEEL dự kiến lợi nhuận hợp nhất trước thuế là 300 tỷ đồng thông qua báo cáo thường niên 2016 do Công ty công bố (thấp hơn rất nhiều so với lợi nhuận khoảng 834 tỷ đồng của năm 2016), ông Nghiêm Xuân Đa – Chủ tịch HĐQT VNSTEEL chia sẻ về sự thận trọng của VNSTEEL. Ông Đa nói rằng, trong năm 2016 thị trường thép có nhiều khởi sắc với mức tăng trưởng trên 20%, hoạt động sản xuất kinh doanh của VNSTEEL có hiệu quả và nhiều công ty thành viên có lãi lớn. Nhưng bước sang năm 2017, thị trường thép có mức tăng trưởng chỉ khoảng 10-12%, nên VNSTEEL cần hết sức thận trọng.
Có thể thấy, mặc dù trong quý 1/2017, hoạt động kinh doanh của VNSTEEL vẫn tốt với tổng lợi nhuận của các đơn vị trong hệ thống khoảng hơn 400 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất 257 tỷ đồng nhưng sang quý 2, rất có thể sẽ thay đổi một cách đột ngột bởi hai yếu tố: sự cạnh tranh ngày càng lớn với thị trường Trung Quốc và giá giá sản phẩm thép Việt Nam giảm so với đầu năm.
Theo Ban lãnh đạo, mặc dù Tổng công ty đã hoàn thành báo cáo quyết toán cổ phần hóa Công ty mẹ -Tổng công ty và trình Bộ Công Thương thẩm định nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được phê duyệt do vẫn còn những vướng mắc liên quan đến lợi thế địa lý và quyền sử dụng đất ở một số dự án. Và dự kiến trong nửa đầu năm nay sẽ hoàn tất các thủ tục và được Chính phủ phê duyệt.
Ngoài ra, trong năm 2016, đã thoái vốn thành công toàn bộ phần vốn góp tại Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex và CTCP Kim khí miền Trung. Năm 2017, dự kiến sẽ tiếp tục thoái vốn tại 8 công ty bao gồm CTCP Đôlômit Việt Nam, CTCP Đầu tư xây dựng Việt Nam, CTCP Thép Tân Thuận, Công ty TNHH ống thép Sumikin Việt Nam, CTCP Tân Thành Mỹ, CTCP Lưới thép Bình Tây, CTCP VLCL Trúc Thôn và CTCP thép Đà Nẵng.
Trong năm 2016, tổng doanh thu thuần hợp nhất của Tổng công ty đạt 17,849 tỷ đồng, tăng 754.9 tỷ đồng, tương ứng 4% so với năm 2015. Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 948 tỷ đồng, tăng 660 tỷ đồng, tương ứng 329% so với năm 2015. Tổng lợi nhuận sau thuế 834.6 tỷ đồng, gần gấp 5 lần năm trước trong đó lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ 757.3 tỷ đồng, gấp 5.6 lần với năm 2015. Lãi cơ bản trên cổ phiếu năm 2016 là 1,117 đồng, tăng 921 đồng so với năm 2015.
Về chỉ tiêu sản lượng toàn hệ thống Tổng công ty, sản xuất phôi thép 2.07 triệu tấn, đạt 101% kế hoạch, tăng 25% so với cùng kỳ. Phôi thép bán ngoài 0.7 triệu tấn, đạt 118% kế hoạch, tăng 24% so với cùng kỳ. Sản xuất thép thành phẩm 3.99 triệu tấn, đạt 113% kế hoạch, tăng 19% so với cùng kỳ. Tiêu thụ thành phẩm 4 triệu tấn, đạt 113% kế hoạch, tăng 23% so với cùng kỳ. Trong đó, thép xây dựng 3.15 triệu tấn, tăng 16%; thép cán nguội 0.5 triệu tấn, tăng 69%.