Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), trong 8 tháng của năm 2019, Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV) sản xuất được hơn 461.000 tấn alumin quy đổi, đạt 70,9% kế hoạch năm 2019 (650.000 tấn alumin quy đổi). Doanh thu trong 8 tháng của năm 2019 là 3.848 tỷ đồng, đạt 66,8% kế hoạch năm. Thu nhập bình quân đầu người trong 8 tháng đạt 11,6 triệu đồng/người/tháng.
Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc TKV cho biết, căn cứ vào kết quả thăm dò tài nguyên bô xít, kết quả triển khai dự án Nhân Cơ, đến năm 2025, TKV định hướng đầu tư, mở rộng công suất từ 650.000 tấn lên 750.000-800.000 tấn/năm. Giai đoạn đến năm 2030, TKV đầu tư dự án sản xuất alumin thứ hai ở Đắk Nông, công suất từ 2-3 triệu tấn/năm; nghiên cứu, đầu tư dự án điện phân nhôm, công suất từ 400-500 tấn nhôm thỏi/năm ở Đắk Nông hoặc Lâm Đồng. Cùng với sự hỗ trợ của chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương, TKV phấn đấu đưa ngành công nghiệp khai thác bô xít, luyện alumin và sản xuất nhôm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước.
Tham dự buổi làm việc, ông Trần Xuân Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông cho rằng, TKV cần nghiên cứu, đề xuất với chính phủ, các bộ, ngành để đầu tư xây dựng tuyến đường sắt để vận chuyển alumin, sau này là sản phẩm nhôm xuống cảng biển xuất khẩu. Việc xây dựng tuyến đường sắt còn tiết kiệm chi phí cho quá trình vận chuyển các nguyên liệu, thiết bị, máy móc phục vụ cho hoạt động khai thác bô xít, luyện alumin, sản xuất nhôm. Qua đó, chia sẻ việc vận tải hàng hóa cho tuyến đường bộ; thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển và đóng góp chung vào sự phát triển của địa phương. Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV cần chú trọng xây dựng cảnh quan, môi trường xanh-sạch-đẹp trong khuôn viên nhà máy alumin, để đây có thể trở thành một điểm tham quan lý tưởng, không chỉ cho các cơ quan, đơn vị, các đoàn công tác mà còn phục vụ cho nhu cầu của người dân. TKV và công ty cũng cần đặc biệt quan tâm theo dõi về môi trường sản xuất, nhất là đối với sự an toàn của hồ chứa bùn đỏ và hồ thải quặng đuôi. Việc trồng cây keo trên diện tích đất đã khai thác, hoàn nguyên bước đầu đã đem lại kết quả cao. Tuy nhiên, cây keo có hiệu quả kinh tế còn thấp, điều này khá lãng phí tài nguyên đất sau khi đã khai thác và hoàn nguyên. TKV và công ty cần nghiên cứu, đầu tư trồng các loại cây khác đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, nhất là các loại cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả hiện có trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Anh biểu dương những kết quả đạt được của các đơn vị trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị, Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV không nên hoạt động sản xuất theo kiểu “ăn đong”. Việc khai thác đến đâu mới có kế hoạch để thu hồi, bồi thường đất của người dân là không phù hợp. Công ty phải xây dựng kế hoạch sản xuất dài hơi, 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa. Như vậy, việc thu hồi, giải tỏa, bồi thường đất cho người dân mới đồng bộ, tạo nên sự ổn định về phát triển chung cho địa phương.
Về phát triển công nghiệp khai thác bô xít, luyện alumin, sản xuất nhôm trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước là điều quan trọng. Tuy nhiên, để làm được điều này, TKV và Công ty Nhôm Đắk Nông cần xây dựng chiến lược căn cơ để phát triển doanh nghiệp, kể từ vấn đề lập kế hoạch khai thác, chế biến, mở rộng quy mô nhà máy sản xuất đến phương án xử lý chất thải, công tác hoàn thổ, tái định cư, tái định canh cho người dân...
Về chiến lược nghiên cứu, phát triển thị trường, TKV cần tích cực, chủ động hơn trong việc tìm được thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài. Các đơn vị phải có chiến lược sử dụng đất hợp lý, nhất là đất sau khi khai thác, hoàn thổ. Trong đó, UBND tỉnh Đắk Nông cần hỗ trợ doanh nghiệp về vấn đề nghiên cứu trồng các loại cây cho phù hợp trên đất đã hoàn nguyên; phương án sử dụng đất như thế nào cho hợp lý, tránh sự lãng phí về tài nguyên. Công tác quy hoạch phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực phát triển công nghiệp nhôm cũng cần được sự đầu tư cao hơn nữa của UBND tỉnh Đắk Nông.