Đạm Cà Mau (DCM) hái “quả ngọt” từ thương vụ M&A Phân bón Hàn - Việt

Trong bối cảnh mảng phân ure giảm tốc, mảng NPK của Đạm Cà Mau (mã cổ phiếu DCM) đã có sự tăng trưởng mạnh, tạo động lực thúc đẩy kết quả kinh doanh.
Đạm Cà Mau
Biên lợi nhuận gộp của Đạm Cà Mau đã được cải thiện mạnh trong 9 tháng đầu năm nay.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM - sàn HoSE) ghi nhận 9.241 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lãi ròng tăng tới 69%, đạt 1.055 tỷ đồng.

Động lực tăng trưởng lãi ròng của Đạm cà Mau đến từ việc biên lợi nhuận gộp được cải thiện mạnh mẽ từ 12,3% lên 18,4% vào cuối quý 3/2024, với giá bán trung bình ước tính khoảng 9.919 đồng/kg, tăng hơn 3% so với cùng kỳ.

Đồng thời, lợi nhuận khác của Đạm cà Mau tăng mạnh nhờ ghi nhận khoản lãi từ giao dịch mua giá rẻ, đạt hơn 167 tỷ đồng - một phần từ thương vụ thâu tóm 100% vốn của Nhà máy Phân bón Hàn - Việt hồi tháng 5/2024.  

Mặc dù phân ure là sản phẩm chủ lực nhưng sản lượng sản xuất của Đạm Cà Mau trong 9 tháng đầu năm nay giảm 1%, đạt 701.000 tấn; sản lượng tiêu thụ cũng giảm 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái, còn hơn 581.000 tấn.

Tuy nhiên, mảng phân NPK của công ty đã gia tăng mạnh nhờ thương vụ thâu tóm Nhà máy Phân bón Hàn - Việt, giúp bù đắp sự sụt giảm từ mảng phân ure. Cụ thể, sản lượng sản xuất phân NPK trong 9 tháng đầu năm tăng 37% so với cùng kỳ năm trước, đạt 115.040 tấn, và sản lượng tiêu thụ tăng 44,3%, đạ 130.470 tấn.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 hồi tháng 6/2024, ông Văn Tiến Thanh - Tổng Giám đốc Đạm Cà Mau cho biết ngay sau khi mua lại Nhà máy Phân bón Hàn - Việt, Đạm Cà Mau đã tiến hành tái cấu trúc, giúp đơn vị này bắt đầu kinh doanh có lãi. Kể từ khi đi vào hoạt động từ năm 2017 đến nay, nhà máy liên tục kinh doanh thua lỗ.

giá cổ phiếu DCM Đạm Cà Mau
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Đạm Cà Mau (DCM), Đạm Phú Mỹ (DPM) đặt kỳ vọng vào vụ Đông Xuân và Luật Thuế VAT" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Việc M&A Nhà máy Phân bón Hàn - Việt (công suất 360.000 tấn NPK/năm), giúp công suất mảng NPK của Đạm Cà Mau đạt 660.000 tấn/năm, cao hơn gấp đôi so với trước đây. Tuy nhiên, điểm nổi bật của thương vụ M&A này không đến từ công suất sản xuất mà là năng lực phân phối.

Với vị trí địa lý chiến lược tại TP.Hồ Chí Minh, kho bãi rộng, và hệ thống phân phối sẵn có, Nhà máy Phân bón Hàn - Việt giúp Đạm Cà Mau dễ dàng thâm nhập sâu vào thị trường Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, khu vực có nhu cầu tiêu thụ phân NPK cao hàng đầu cả nước nhờ diện tích trồng cà phê và cao su lớn. Trong khi đó, nhà máy NPK của Đạm Cà Mau chủ yếu phục vụ thị trường Tây Nam Bộ và Campuchia.

Dựa trên kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm nay, Chứng khoán Mirae Asset Vietnam dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng năm nay của Đạm Cà Mau lần lượt đạt 13.991 tỷ đồng và 1.407 tỷ đồng, lần lượt tăng 11,3% và 26,7% so với năm 2023.

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức tài chính hiện kỳ vọng hoạt động kinh doanh của Đạm Cà Mau sẽ được hưởng lợi từ quyết định áp thuế giá trị gia tăng (VAT) cho mặt hàng phân bón, dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực kể từ đầu năm 2025.

Duy Quang