Kết thúc quý 3/2024, giá phân bón ure trên toàn cầu đi ngang so với quý trước nhưng giảm tới 11% khi so với quý 3/2023. Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Rồng Việt, nhu cầu phân bón ure từ các thị trường nhập khẩu sẽ tăng trở lại khi vụ Đông Xuân (lúa mì, ngô) bắt đầu, đây cũng là vụ mùa lớn nhất của năm, chiếm hơn 50% tổng sản lượng tiêu thụ phân bón.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự kiến xu hướng trung hạn của giá phân bón trong giai đoạn 2024 - 2025 là giảm do nguồn cung tăng lên khi Ấn Độ và Brazil tăng công suất để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Tại thị trường trong nước, trong quý 3 vừa qua, giá phân bón có sự phân hoá khi giá phân bón ure tăng 4 - 18% so với cùng kỳ năm 2023; trong khi đó, giá phân kali và NPK lại giảm xuống. Sự phân hoá trên chủ yếu đến từ sự biến động từ giá phâ bón chung trên thế giới và do chịu áp lực bởi nguồn cung nhập khẩu (phân Kali).
Hiện nay tình trạng cạnh tranh trên thị trường nội địa vẫn chưa hạ nhiệt, chủ yếu đến từ sự cạnh tranh về giá giữa các mặt hàng phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản, và Lào vốn có giá thành rẻ hơn sản phẩm nội địa, theo Chứng khoán Rồng Việt.
Trong ngắn hạn, giá phân bón ure trong nước có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ trong đầu quý 4 theo biến động của giá phân bón thế giới nhưng dự kiến sẽ tăng trở lại vào cuối quý khi vụ Đông Xuân bắt đầu.
Bên cạnh đó, giá khí đầu vào có thể sẽ biến động đồng pha với xu hướng hạ nhiệt hiện nay của giá dầu thô Brent và giá dầu FO, giúp giảm chi phí sản xuất đối với phân bón ure.
Xem thêm: "Thị trường Campuchia - “Mỏ vàng” của Đạm Cà Mau (DCM)" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Ngoài ra, nếu dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (VAT) về việc áp thuế VAT đối với mặt hàng phân bón được Quốc hội thông qua, sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, từ đó tăng tính cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.
Các hãng chứng khoán và doanh nghiệp phân bón trong nước hiện kỳ vọng Dự thảo Luật Thuế VAT sửa đổi sẽ được thông qua vào tháng 10 tới đây và chính thức có hiệu lực kể từ đầu năm 2025.
Dựa trên các yếu tố về thị phần và năng lực kinh doanh, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM) và Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã cổ phiếu DPM) dự kiến sẽ là hai doanh nghiệp hưởng lợi tích cực nếu mặt hàng phân bón bị áp thuế VAT. Đồng thời, với năng lực tài chính hiện tại, Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ được kỳ vọng sẽ có sự chống chịu tốt trước các thách thức kinh doanh và nắm bắt các cơ hội mở ra khi thị trường biến động.