Đạm Cà Mau (DCM) làm việc với loạt đối tác sản xuất, kinh doanh phân bón hàng đầu thế giới

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM) đang đẩy mạnh chiến lược xuất khẩu và đa dạng hoá thị trường quốc tế nhằm giảm rủi ro khi thị trường nội địa dần bão hoà và khắc phục tính chu kỳ mùa vụ trong kinh doanh.

Vừa qua, đoàn công tác của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM - sàn HoSE) do Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Hiền làm trưởng đoàn đã tham dự  Hội nghị Phân bón Quốc tế thường niên Singapore 2024.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Đạm Cà Mau đã có buổi làm việc với Ameropa AG (Thuỵ Sĩ) - công ty hàng đầu thế giới về kinh doanh phân bón. Ameropa và Đạm Cà Mau đã có quan hệ hợp tác kinh doanh trong nhiều năm qua.

Ngay sau khi kết thúc Hội nghị, đoàn công tác của Đạm Cà Mau đã có buổi làm việc với Công ty Sino - Argi Potash là công ty con của Asia-Potash International Investment (Trung Quốc) - nhà cung cấp phân Kali hàng đầu thế giới, đã hoạt động tại Lào hơn 11 năm trong lĩnh vực khai thác muối Kali.

Hiện sản lượng MOP của Sino - Argi Potash đạt 3 triệu tấn MOP/năm (trong đó có 30% là Kali dạng hạt), dự kiến sẽ tăng lên mức 5 triệu tấn/năm vào năm 2025 và chạm mốc 10 triệu tấn/năm vào năm 2030. Trữ lượng các mỏ trong cụm dự án thuộc Sino - Argi Potash là khoảng 1 tỷ tấn và tổng mức đầu tư dự án là khoảng 2 tỷ USD.

Đạm Cà Mau
Đoàn công tác của Đạm Cà Mau làm việc với đối tác Sino - Argi Potash tại Lào.

Bên cạnh việc nắm bắt nhu cầu giao thương của Sino - Agri Potash, chuyến công tác lần này còn giúp Đạm Cà Mau khảo sát, nắm bắt nhu cầu tại thị trường Lào cũng như quảng bá thương hiệu Phân bón Cà Mau, mở rộng liên kết chuỗi tại thị trường các nước ASEAN.

Đạm Cà Mau hiện đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá sản phẩm, kênh phân phối; đẩy mạnh xuất khẩu và kinh doanh quốc tế. Hiện Đạm Cà Mau đang giữ 60% thị phần khu vực Tây Nam Bộ và chiếm giữ đến 60% thị phần phân bón của cả nước, cũng như mở rộng tiềm năng xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu.

Trong đó, tại thị trường Campuchia, sản phẩm Urê Cà Mau đang chiếm thị phần từ 35% - 40%/năm. Đạm Cà Mau hiện định hướng sẽ phát triển tiêu thụ NPK chiếm từ 15% - 20% thị phần với mục tiêu tạo bước đột phá về chiến lược kinh doanh tại Campuchia nói riêng và Đông Nam Á nói chung trong chiến lược phát triển thị trường quốc tế.

Đạm Cà Mau cũng cho biết, sau chuyến làm việc tại Lào, công ty sẽ tiếp đối tác nhập khẩu kinh doanh phân bón lớn nhất Thái Lan.

Kết thúc quý 1/2024, doanh thu thuần của Đạm Cà Mau đạt 2.744 tỷ đồng, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của Đạm Cà Mau đạt 349 tỷ đồng, tăng 52% so với mức 229 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ năm trước.

Kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng mạnh nhờ hoạt động xuất khẩu bứt phá trong bối cảnh công ty luôn chủ động tìm kiếm cơ hội xuất khẩu và mở rộng thị trường. Cụ thể hoạt động xuất khẩu urê tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của Phân bón Cà Mau với doanh thu đạt gần 1,194 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ, chiếm 41% tổng doanh thu trong quý.

Cổ phiếu DCM Đạm Cà Mau
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau trong 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Đạm Cà Mau (DCM) hoàn tất thương vụ thâu tóm nhà máy NPK vốn hơn 2.000 tỷ đồng" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Trong quý 1/2024, Đạm Cà Mau đã triển khai ký kết một số hợp đồng quan trọng, xuất khẩu phân bón vào các thị trường “khó tính” hàng đầu thế giới như Australia và New Zealand. Ban lãnh đạo Đạm Cà Mau hiện kỳ vọng việc đẩy mạnh xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường quốc tế sẽ giúp công ty giảm rủi ro trong kinh doanh trong bối cảnh thị trường nội địa bão hòa, cạnh tranh quyết liệt ở Đông Nam Á và Châu Á khi có thêm nhiều nhà máy mới đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, chiến lược này còn khắc phục được phần nào tính chu kỳ mùa vụ, nhất là giai đoạn thấp điểm trong nước, nhằm duy trì tốt hơn vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế; đồng thời, chủ động tham gia sâu hơn vào mạng lưới kinh doanh toàn cầu.

Đáng chú ý, vào tháng 5 vừa qua, Đạm Cà Mau đã hoàn tất giao dịch mua 100% phần vốn góp tại Công ty TNHH Phân bón Hàn - Việt (KVF). Nhà máy NPK Hàn – Việt của KVF hoạt động với công suất thiết kế là 360.000 tấn NPK/năm. Phân bón Cà Mau hiện đang sở hữu: Nhà máy Đạm Cà Mau có khả năng sản xuất Urê hạt đục với công suất 800.000 tấn/năm; Nhà máy NPK Cà Mau với công suất 300.000 tấn/năm. Việc mua lại này nằm trong chiến lược quan trọng nhằm thâm nhập thị trường NPK ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và miền Trung của DCM.

Báo cáo cập nhật của Chứng khoán Dầu Khí (PSI) cũng đánh giá Đạm Cà Mau là doanh nghiệp có mức tăng trưởng bền vững cùng triển vọng tăng trưởng tích cực trong dài hạn nhờ hoạt động M&A. Trên hành trình với sứ mệnh “Người nuôi dưỡng” toàn diện cho cây trồng, Đạm Cà Mau với tinh thần không ngừng đổi mới sáng tạo, linh hoạt và thích ứng, nỗ lực mang tới các sản phẩm gia tăng lợi ích của nhà nông nhưng giảm tác động vào môi trường để góp phần giảm phát thải khí nhà kính, phát triển nông nghiệp Net Zero.

Ngoài ra, Đạm Cà Mau đã và đang tiến hành đầu tư cho hoạt động chuyển đổi số trên cơ sở triển khai và áp dụng các dự án lớn như: Hệ thống quản trị ERP, Big Data, DMS... với nhiều cấp độ khác nhau nhằm khai thác hiệu quả thông tin, dữ liệu từ thị trường, nhà phân phối, nông dân và bước đầu đã mang lại những hiệu quả nhất định. Ngoài ra doanh nghiệp cũng có kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt ít nhất 10% cho năm 2024. Đây sẽ là điểm hấp dẫn cho các nhà đầu tư tìm kiếm sự ổn định trong giai đoạn khó khăn của thị trường.

Duy Quang