Đạm Cà Mau (DCM): Doanh thu 2 tháng đầu năm vượt 15% kế hoạch

Lãnh đạo Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM) vừa cho biết Nhà máy Đạm Cà Mau trong 2 tháng đầu năm đã hoạt động liên tục, ổn định vượt 15% công suất thiết kế.
Petrovietnam
Petrovietnam đã tổ chức họp đánh giá kết quả kinh doanh giai đoạn 2021 - 2023 của Đạm Cà Mau.

Vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã tổ chức họp về tình hình triển khai kế hoạch quản trị năm 2024, đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2021 – 2023 so với kế hoạch 5 năm và mục tiêu, chiến lược phát triển đến 2030, tầm nhìn 2045 của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM - sàn HoSE).

Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Tổng Giám đốc Petrovietnam ông Lê Mạnh Hùng đã chủ trì cuộc họp; cùng tham dự buổi họp có Tổng Giám đốc Đạm Cà Mau ông Văn Tiến Thanh cùng đại diện các đơn vị có liên quan.

Tại cuộc họp, Tổng Giám đốc Đạm Cà Mau cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2023, sản lượng  sản xuất ure quy đổi của Đạm Cà Mau đạt 2,77 triệu tấn, hoàn thành 61% kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 đã được Petrovietnam phê duyệt. Theo đó, tổng doanh thu 3 năm qua đạt 39.320 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 7.790 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 55% kế hoạch và 74% kế hoạch 5 năm.

Ông Văn Tiến Thanh cũng cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2024, Nhà máy Đạm Cà Mau đã hoạt động an toàn, liên tục, ổn định với công suất sản xuất ure và NH3 trung bình lần lượt vượt 15% và 16% công suất thiết kế.

Sản lượng ure quy đổi trong 2 tháng đầu năm 2024 đạt 165.220 tấn, vượt 8% kế hoạch và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, tổng doanh thu 2 tháng vừa qua của Đạm Cà Mau ước đạt hơn 1.405 tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch.

Trong năm nay, Đạm Cà Mau sẽ tiếp tục thực hiện 7 dự án chuyển tiếp và triển khai đầu tư 6 dự án mới, đồng thời tìm kiếm cơ hội đầu tư 12 dự án. Bên cạnh đó, công ty chú trọng vào hoạt động nghiên cứu phát triển, đáng chú ý là việc thực hiện các thí nghiệm, khảo nghiệm, đánh giá hiệu quả phân bón tại Trung tâm Nghiên cứu phát triển của phân bón Cà Mau tại Thạch Hóa, Long An với định hướng đây sẽ là trung tâm nghiên cứu lớn nhất khu vực Đông Nam Á về lĩnh vực nông nghiệp.

Về định hướng chiến lược phát triển trung và dài hạn, Đạm Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh đầu tư với tổng mức đầu tư cho giai đoạn 2023-2025 dự kiến là 298 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Đạm Cà Mau sẽ tối ưu hoá và mở rộng sản xuất, đầu tư hệ thống kho bãi phục vụ hoạt động logistics, mở rộng hạ tầng phục vụ xuất hàng, lưu trữ nguyên liệu, hạ tầng các hoạt động và kinh doanh, hoạt động chuyển đổi số.

Đạm Cà Mau
Đạm Cà Mau sẽ tiếp tục tối ưu hoá và mở rộng sản xuất trong giai đoạn 2023 - 2025.

Xem thêm: "Dự báo giá ure Trung Đông tăng 6%, loạt quốc gia tiêu thụ lớn chuẩn bị đấu thầu mua hàng" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Theo Chủ tịch Petrovietnam ông Lê Mạnh Hùng, để phát triển vững chắc trong tương lai, Đạm Cà Mau cần đảm bảo nguồn khí ổn định, lâu dài cho sản xuất phân ure đi đôi với mở rộng thị trường.

Bên cạnh đó, Đạm Cà Mau cần nghiên cứu, đánh giá kỹ Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" để bám sát việc phát triển các sản phẩm phân bón phù hợp.

Kết luận buổi họp, ông Lê Mạnh Hùng đánh giá cao những kết quả của Đạm Cà Mau trong giai đoạn vừa qua và kỳ vọng Đạm Cà Mau sẽ phấn đấu hoàn thành kế hoạch ở mức cao nhất. Chủ tịch Petrovietnam cũng đề nghị các phòng, ban liên quan thuộc Tập đoàn tổng hợp, rà soát các kiến nghị nhằm hỗ trợ Đạm Cà Mau về việc cung cấp đủ lượng khí PM3-CAA đảm bảo cho Nhà máy Đạm Cà Mau vận hành ổn định, tính toán các yếu tố giảm cước phí vận chuyển, Luật Thuế 71/2014 về phân bón.

Duy Quang