Tờ Sunday Times (Anh) cho biết Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak đã bày tỏ hy vọng Anh và liên minh EU sẽ đạt được một thoả thuận thương mại hậu Brexit. Ông Rishi Sunak cũng cho biết các cuộc đàm phán thoả thuận thương mại giữa hai bên đang đạt những tiến triển thật sự sau thời gian dài bế tắc.
Tuy nhiên, ông Rishi Sunak cũng nhấn mạnh mặc dù sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước này nhưng điều này không đồng nghĩa với việc Vương quốc Anh phải đạt được thoả thuận thương mại hậu Brexit với liên minh Châu Âu bằng mọi giá.
Vương quốc Anh đã chính thức rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) từ ngày 31/1/2020, kết thúc 47 năm là thành viên của khối này (Brexit). Vương quốc Anh và EU hiện đang trong giai đoạn chuyển tiếp nhằm duy trì trạng thái quan hệ hiện tại; giai đoạn chuyển tiếp dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2020 và hai bên cần đạt được một thoả thuận thương mại nhằm duy trì quan hệ thương mại và thuế quan hậu thời kỳ Brexit.
Tiến tình đàm phán thoả thuận thương mại giữa Vương quốc Anh và EU đã rơi vào tình trạng bế tắc trong thời gian dài do quan điểm cứng rắn của hai bên về nhiều vấn đề, bao gồm chia sẻ các ngư trường đánh cá của Anh với EU, vai trò của Toà án Công lý Châu Âu (ECJ), các đòi hỏi về thiết lập “sân chơi bình đẳng” và cơ chế giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, hai bên còn bất đồng lớn về các tiêu chuẩn môi trường, tài chính và xã hội.
Sau nhiều vòng đàm phán, vào ngày 20/11, Liên minh EU cho biết hai bên vẫn tiếp tục bất đồng trong đàm phán về quyền đánh bắt cá, đảm bảo cạnh tranh công bằng và những cách thức nhằm giải quyết các tranh chấp trong tương lai mặc dù hai bên đã gần tiến tới thỏa thuận về những vấn đề khác.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức ngoại giao cấp cao của EU cho biết “Dường như chúng tôi tiến rất gần đến thỏa thuận về hầu hết các vấn đề nhưng vẫn tồn tại những bất đồng về ba vấn đề hóc búa trên”. Về 3 điểm mấu chốt này, một nhà ngoại giao khác cho biết EU và Anh vẫn cần có thêm thời gian khi tiến độ đàm phán về đảm bảo cạnh tranh công bằng và đàm phán về quyền đánh bắt cá chưa đạt được kết quả.
Giới quan sát nhận định cả Vương quốc Anh và Liên minh EU sẽ phải giải quyết rất nhiều việc để có thể đạt được thoả thuận thương mại và được nghị viện hai bên phê chuẩn kịp thời vào thời hạn cuối năm nay.
Với quỹ thời gian còn rất hạn hẹp và các bất đồng lớn dai dẳng như hiện nay, rủi ro Brexit không đạt thoả thuận ngày càng hiện hữu hơn. Brexit không có thoả thuận có thể là một cú sốc kinh tế không chỉ đối với Vương quốc Anh mà còn tác động tiêu cực đến hoạt động thương mại toàn cầu, nhất là trong bối cảnh hoạt động kinh tế đang suy giảm mạnh vì đại dịch Covid-19.