Trong năm 2023, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ, mã chứng khoán: DPM - sàn: HoSE) đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 17.372 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 2.670 tỷ đồng,
Trong năm 2022, Đạm Phú Mỹ ghi nhận doanh thu đạt 20.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 6.400 tỷ đồng. Giá bán phân đạm đạt mức cao kỷ lục trong khi chi phí nguyên vật liệu không tăng quá cao đã giúp công ty tích luỹ được mức lợi nhuận lớn. Đây cũng là những kết quả kinh doanh cao nhất kể từ khi công ty được thành lập.
Như vậy, so với mức thực hiện năm 2022, kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Đạm Phú Mỹ dự kiến giảm 13% về doanh thu và giảm 58% về lợi nhuận trước thuế. Mục tiêu kinh doanh năm nay của Đạm Phú Mỹ được giữ ở mức thấp trong bối cảnh giá phân đạm được dự báo sẽ đạt từ 400 - 500 USD/tấn, giảm so với mức đỉnh hơn 1.000 USD/tấn trong năm 2022. Cùng với đó, một số tín hiệu cho thấy một số quốc gia xuất khẩu phân bón lớn trên thế giới như Nga và Trung Quốc có thể nới lỏng các biện pháp hạn chế xuất khẩu phân bón vốn duy trì trong suốt năm ngoái, khiến nguồn cung trên thị trường tăng lên.
Về định hướng kinh doanh trong 5 năm tới, Đạm Phú Mỹ cho biết sẽ tiếp tục củng cố vị thế nhà sản xuất phân bón lớn nhất Việt Nam; đồng thời, mở rộng sang lĩnh vực sản xuất kinh doanh hoá chất cơ bản và hoá chất hoá dầu.
Đối với mảng phân bón, Đạm Phú Mỹ đặt mục tiêu giữ vững thị phần phân đạm ở mức 35%; hoàn thiện quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm của Nhà máy NPK hiện hữu và vận hành nhà máy ở công suất tối đa.
Đạm Phú Mỹ cũng cho biết sẽ tăng khả năng sản xuất sản phẩm NPK thông qua đầu tư mới hoặc thông qua hình thức liên doanh, liên kết, mua bán sáp nhập (M&A). Bên cạnh đó, Đạm Phú Mỹ sẽ nghiên cứu các sản phẩm phân bón mới, trọng tâm là phân bón hữu cơ để hoàn thiện bộ sản phẩm phân bón Phú Mỹ, có sản phẩm thử nghiệm đưa ra thị trường trong thời gian tới.
Đối với mảng hoá chất, Đạm Phú Mỹ sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh các sản phẩm hóa chất hiện có; phát triển năng lực tồn trữ, kinh doanh, sản xuất hóa chất và triển khai đầu tư sản xuất hóa chất có tiềm năng như H2O2, Melamine, DEF, Soda Ash...
Để thực hiện chiến lược kinh doanh trên, Đạm Phú Mỹ cho biết sẽ đàm phán với các ngân hàng, định chế tài chính để huy động vốn vay với lãi suất ưu đãi và đầu tư vào các dự án có tính hiệu quả cao. Đồng thời, gia tăng quy mô vốn điều lệ (vốn góp của chủ sở hữu) trong giai đoạn ngắn hạn và trung hạn, hoặc phát hành cổ phiếu mới ra công chúng để phục vụ nhu cầu huy động vốn.
Ngoài ra, Đạm Phú Mỹ sẽ xem xét cổ phần hóa (vẫn nắm quyền chi phối, kiểm soát) một số cơ sở sản xuất phân bón và hóa chất khi đã đi vào vận hành ổn định. Đạm Phú Mỹ cũng sẽ xây dựng chiến lược mua bán, sát nhập các doanh nghiệp để sớm đạt mục tiêu và nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch 17/4, giá cổ phiếu DPM của Đạm Phú Mỹ giảm 0,29%, đạt 34.200 đồng/cổ phiếu; khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên giao dịch gần nhất của cổ phiếu DPM đạt hơn 1,94 triệu đơn vị.