Năm 2022 được coi là năm lãi lớn của nhiều doanh nghiệp hoá chất Việt Nam khi giá bán nhiều sản phẩm đạt mức cao kỷ lục và lượng đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh. Tổng kim ngạch xuất khẩu hoá chất cơ bản, phân bón và các sản phẩm hoá chất của Việt Nam trong năm 2022 đạt tới 6,69 tỷ USD, tăng 32,4% so với năm 2021. Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu hoá chất lớn nhất của Việt Nam với giá trị nhập khẩu là 1,18 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021 do thiếu hụt nguồn cung trên thị trường nội địa nước này.
Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp hoá chất đang có dấu hiệu chững lại khi kim ngạch xuất khẩu hoá chất cơ bản, phân bón và các sản phẩm hoá chất trong quý 1/2023 chỉ đạt hơn 1,3 tỷ USD, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước, do nhu cầu toàn cầu suy yếu và giá bán giảm.
Trong báo cáo triển vọng ngành hóa chất, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho rằng nhu cầu của các thị trường hóa chất xuất khẩu của Việt Nam như Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ giảm hơn nữa cho tới cuối năm 2023 trong bối cảnh lạm phát cao và rủi ro suy thoái kinh tế.
Trong đó, nhu cầu đối với phốt pho vàng được nhận định sẽ suy yếu trong năm nay do tăng trưởng kinh tế yếu khiến nhu cầu đối hàng điện tử và chất bán dẫn sụt giảm trên toàn cầu. Phốt pho vàng là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất chất bán dẫn. Hãng nghiên cứu thị trường World Semiconductor Trade Statistics dự báo thị trường chất bán dẫn toàn cầu sẽ giảm 4% vào năm 2023.
Vì vậy, Chứng khoán VNDIRECT ước tính nhu cầu toàn cầu về phốt pho vàng trong năm nay sẽ giảm 15% so với năm ngoái. Bên cạnh đó, giá phốt pho vàng đã đạt đỉnh kể từ quý 2/2022 và dự kiến sẽ dao động trong khoảng 4.500-5.000 USD/tấn vào năm 2023. Theo dữ liệu của hãng Sunsirs, giá phốt pho vàng giao ngay tại Trung Quốc trong ngày 11/4 đạt khoảng 4.328 USD/tấn, giảm khoảng 24% so với mức đỉnh lịch sử hồi tháng 5/2022.
Do đó, Chứng khoán VNDIRECT dự báo lợi nhuận ròng năm 2023 của các doanh nghiệp xuất khẩu phốt pho vàng của Việt Nam sẽ giảm khoảng 25% - 35% so với mức nền cao của năm 2022. Các doanh nghiệp hoá chất có hoạt động xuất khẩu phốt pho vàng lớn của Việt Nam gồm Công ty Cổ phần Hoá chất Đức Giang (DGC), Công ty Cổ phần Phốt pho Apatit Việt Nam (PAT) và Công ty Cổ phần DAP – Vinachem (DDV).
Giá xút được dự báo sẽ giảm xuống sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại khiến nguồn cung tăng lên. Giá xút tại Việt Nam phụ thuộc nhiều vào diễn biến giá tại Trung Quốc do nguồn cung xút từ nước này chiếm khoảng 40% tổng nhu cầu xút của Việt Nam. Giá xút tại Trung Quốc hiện đã giảm khoảng 27% so với thời điểm cuối năm 2022 do các nhà máy hoá chất tại nước này hoạt động trở lại khiến nguồn cung tăng lên; trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ nhôm yếu, kéo theo nhu cầu sử dụng xút giảm. Hơn nữa, Trung Quốc mở cửa trở lại khiến nguồn cung xút từ nước này vào Việt Nam được cải thiện.
Do đó, Chứng khoán VNDIRECT dự báo giá xút trong năm nay sẽ dao động từ 700 - 800 USD/tấn, giảm 15% so với năm 2022. Vì các hợp đồng giá thường được ký trước 3 tháng nên Chứng khoán VNDIRECT nhận định lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp hoá chất có mảng sản xuất xút lớn như Công ty Cổ phần Hoá chất Cơ bản Miền Nam (CSV) và Công ty Cổ phần Hoá chất Việt Trì (HVT) trong nửa đầu năm 2023 sẽ sụt giảm mạnh so với nửa cuối năm 2022.
Bên cạnh đó, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp hoá chất còn chịu ảnh hưởng từ việc chi phí điện có thể tăng lên trong năm nay. Chi phí điện năng chiếm 20% - 30% tổng chi phí sản xuất các loại hoá chất.
Với tất cả các yếu tố trên, Chứng khoán VNDIRECT ước tính biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp hoá chất cơ bản năm 2023 sẽ giảm từ 4 - 6 điểm phần trăm so với năm 2022.