Thiếu hụt nguồn cung dầu toàn cầu nửa cuối năm 2023
Sự phục hồi ấn tượng của nền kinh tế Trung Quốc đã phát đi những tín hiệu tích cực về việc gia tăng nhu cầu sử dụng dầu thô. Tổng hạn ngạch nhập khẩu dầu được Chính phủ Trung Quốc cấp từ đầu năm 2023 đến nay đã tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó, góp phần kìm hãm sự sụt giảm của giá dầu trong thời gian gần đây khi mà hoạt động kinh tế toàn cầu đang bị đình trệ.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã nâng dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong năm 2023 lên mức trung bình 102,03 triệu thùng/ngày, cao hơn khoảng 2% so với năm 2022. Trong đó, Trung Quốc được kỳ vọng sẽ chiếm gần 50% mức tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô trong năm nay (tương đương tăng 0,9 triệu thùng/ngày). IEA dự báo lượng dầu thô được Trung Quốc nhập khẩu trong năm nay sẽ đạt mức cao nhất lịch sử.
Bên cạnh đó, hoạt động vận tải hàng không trên toàn cầu đang phục hồi nhanh chóng. Tính đến tháng 2/2023, lưu lượng hàng không toàn cầu đã đạt 68,5% so với mức trước đại dịch COVID-19. IEA dự báo nhu cầu sử dụng nhiên liệu trong lĩnh vực hàng không toàn cầu trong quý 4/2023 sẽ đạt 94% mức ghi nhận hồi quý 4/2019.
Trong khi đó, nguồn cung trên toàn cầu có thể tiếp tục suy giảm trước nhiều yếu tố rủi ro. Cụ thể, liên minh OPEC+ vốn kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu tiếp tục duy trì chính sách cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày (tương đương 2% nhu cầu dầu toàn cầu) kể từ tháng 11/2022 cho đến cuối năm nay nhằm hỗ trợ thị trường.
Đồng thời, Nga bắt đầu giảm sản lượng khai thác 0,5 triệu thùng/ngày (tương đương 5% tổng sản lượng khai thác nước này) kể từ đầu tháng 3/2023 nhằm đáp lại các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Giới phân tích cảnh báo việc Liên minh châu Âu cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Nga như dầu diesel, dầu hoả… kể từ tháng 2/2023 sẽ khiến sản lượng xuất khẩu dầu của Nga giảm tới 1 triệu thùng/ngày.
Với các diễn biến thị trường như trên, IEA cảnh báo nếu nguồn cung dầu thô không được cải thiện, thị trường sẽ dần rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu trong nửa cuối năm nay. Dự báo giá dầu thô có thể bật tăng mạnh trở lại ngưỡng 80 USD/thùng hoặc cao hơn nữa trong nửa cuối năm nay nếu nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu phục hồi rõ ràng cũng như các rủi ro trong hệ thống tài chính được xử lý triệt để.
Cơ hội bứt phá của ngành dầu khí Việt Nam thời gian tới
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết trong 2 tháng đầu năm nay, sản lượng khai thác dầu thô đạt 1,7 triệu tấn, vượt 12,2% so với kế hoạch; sản lượng khí đạt 1,2 tỷ m3, vượt 11,2% so với kế hoạch. Sản lượng khai thác được dự kiến duy trì ổn định trong bối cảnh nền kinh tế nội địa đang trong giai đoạn hồi phục, cũng như giả định giá dầu thô duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của năm 2023.
Bên cạnh yếu tố thị trường tích cực, ngành dầu khí Việt Nam được kỳ vọng sẽ có cơ hội bứt phá trong trung và dài hạn khi Luật Dầu khí năm 2022 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2023. Trong bối cảnh sản lượng khai thác ở các mỏ hiện hữu đang suy giảm 5 - 8%/năm do ảnh hưởng của thời gian khai thác (như mỏ Bạch Hổ, cụm mỏ Sư Tử, Tê Giác Trắng, Lan Tây…), việc áp dụng Luật Dầu khí năm 2022 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các nút thắt ở hoạt động thượng nguồn (thăm dò, khai thác), tạo hiệu ứng lan toả tới trung nguồn (xử lý khí tự nhiên, vận tải dầu khí) thông qua hoạt động truyền dẫn và phân phối trong trung hạn.
Cụ thể, Luật Dầu khí năm 2022 được kỳ vọng sẽ giúp rút ngắn đáng kể quá trình phê duyệt và triển khai các dự án mới và các mỏ tận thu, như chuỗi dự án Lô B - Ô Môn (tổng vốn đầu tư 10 tỷ USD), chuỗi dự án khí - điện Cá Voi Xanh (tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD), dự án Sư Tử Trắng giai đoạn 2b (tổng vốn đầu tư khoảng 1,1 tỷ USD), cụm mỏ Kình Ngư Trắng/Kình Ngư Trắng Nam, dự án Đại Hùng giai đoạn 3, dự án gia tăng sản lượng tại bể Cửu Long và Nam Côn Sơn… Cùng với đó, việc tăng thêm các cơ chế hỗ trợ sẽ giúp thu hút dòng vốn đầu tư vào các dự án dầu khí.
Nổi bật, trong tháng 2/2023, thoả thuận khung Hợp đồng bán khí cho dự án Nhiệt Điện Ô Môn II và bao tiêu khí từ Lô B - Ô Môn đã được ký kết. Đây là sự kiện khơi thông cho việc tiếp tục triển khai các công tác cần thiết, nhằm đảm bảo tiến độ đầu tư chuỗi dự án Lô B - Ô Môn với mục tiêu hoàn có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) trong tháng 6/2023, cũng như hoàn thành hợp đồng EPC trong cùng khoảng thời gian. Qua đó, hướng đến mục tiêu dự án có dòng khí đầu tư (first gas) vào quý 4/2026.
Chuỗi dự án Lô B - Ô Môn được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho ngành dầu khí Việt Nam, đặc biệt là phần thượng nguồn (dự kiến 6,7 tỷ USD sẽ dành cho hoạt động thượng nguồn). Trong giai đoạn đầu, hoạt động thăm dò, thi công xây lắp giàn tạo khối lượng công việc lớn cho các doanh nghiệp như Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD), Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) và Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí (PVC).
Giai đoạn sau, các phần việc liên quan tới lắp đặt và bọc ống trong dự án đường ống dẫn khí sẽ giúp các doanh nghiệp như PVS và Công ty Cổ phần Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PVB) được hưởng lợi.
Đến giai đoạn khai thác, nhà đầu tư chính của dự án đường ống Lô B (góp vốn 51%) là Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (GAS) sẽ đảm nhận vận chuyển tối đa 7 tỷ m3 khí tự nhiên mỗi năm, tương đương khoảng 70-80% sản lượng khí đường ống hiện tại của Việt Nam.
Đáng chú ý, Công ty Cổ phần Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định việc giá dầu thô tiếp tục duy trì ở mức cao sẽ nâng cao hiệu suất tiềm năng trong việc đầu tư ở phân khúc thượng nguồn. Theo hãng phân tích thị trường Energy Intelligence (Hoa Kỳ), trong năm 2023, nguồn vốn đầu tư lĩnh vực thượng nguồn toàn cầu sẽ đạt 485 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ và phục hồi gần 30% từ mức đáy năm 2020. Do đó, bên cạnh phát triển thị trường trong nước thì các doanh nghiệp như PVS, PVD có thể tận dụng tốt được nhu cầu gia tăng ở thị trường quốc tế, qua đó đảm bảo được kết quả hoạt động kinh doanh tiếp tục tăng trưởng.
Ngoài ra, tại lĩnh vực trung nguồn, những biến động địa chính trị thời gian qua cũng như lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga khiến “dòng chảy” dầu thô toàn cầu thay đổi, kéo theo đó là tăng chi phí vận chuyển năng lượng toàn cầu.
Dữ liệu cho thấy giá thuê định hạn tàu dầu thô 1 năm trên thị trường quốc tế tiếp tục tăng khi nhu cầu vận chuyển dầu và các sản phẩm hoá dầu duy trì ở mức cao. Các hãng tàu hiện buộc phải thay đổi lộ trình với quãng đường vận tải xa hơn để thích nghi với bối cảnh mới, nổi bật là việc dầu của Nga chuyển hướng sang thị trường Trung Quốc và Ấn Độ đã làm quãng đường vận tải biển tăng đáng kể so với thị trường châu Âu. Đồng thời, việc phương Tây áp trần giá dầu vận tải đường biển của Nga có thể tác động đến nhu cầu thuê tàu bởi liên quan đến các vấn đề bảo hiểm hàng hải, hải trình di chuyển qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ, và hầu hết các hãng tàu chở dầu lớn đều thuộc châu Âu.
Tất cả những yếu tố này sẽ tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí khi phần lớn đội tàu của doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường quốc tế.
Năm 2022, kết quả kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp niêm yết đang hoạt động trong ngành dầu khí trên thị trường chứng khoán Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, tổng doanh thu năm 2022 tăng 62% và tổng lợi nhuận sau thuế tăng gần 69% so với năm 2021 nhờ giá dầu thế giới tăng cao và duy trì xuyên suốt trong năm 2022, cũng như sự hồi phục trở lại của các nền kinh tế trong cùng thời kỳ.
Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định tốc độ tăng trưởng của toàn ngành dầu khí Việt Nam trong năm 2023 sẽ chững lại so với năm 2022 do giá dầu thô đã rời khỏi vùng đỉnh và yếu tố sản lượng chưa có sự đột biến.